Thành phố Hồ Chí Minh xác định công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực ưu tiên tập trung phát triển
Ngành công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, do vậy, trong những năm tới đây, TP. Hồ Chí Minh xác định công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển.
Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ
Trong thời gian qua, ngành công nghiệp đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của kinh tế TP HCM (chiếm khoảng 18% GRDP). Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2016 đến nay, cơ cấu ngành công nghiệp TP HCM đã chuyển dịch đúng định hướng, cơ cấu 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su nhựa và chế biến lương thực - thực phẩm) tăng từ 52,8% năm 2016 lên 55,82% năm 2020.
Trong đó, ngành công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp..
Tại Hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” do Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương TP HCM tổ chức hồi tháng 2/2023 vừa qua, ông Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND Thành phố từng cho biết, công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực mà TP HCM ưu tiên cần tập trung phát triển.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình; giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Từ đó, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Nhận thức được vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ, từ Đại hội X đến nay, Thành ủy và UBND Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai rất nhiều giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ như: Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố; thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố trực thuộc Sở Công Thương...
Đi cùng với đó là các giải pháp: xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố; tổ chức kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp... Các giải pháp trên đã góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như tạo điều kiện tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, những năm gần đây, số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam ngày càng được cải thiện rõ rệt. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phần nào đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và tại TP HCM nói riêng vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước phần lớn còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm... Tình trạng nhập siêu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng vẫn còn rất lớn, tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp còn thấp...
Trong thời gian tới, để ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố phát triển tương xứng với tiềm năng, từng bước tự chủ được nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh phụ kiện, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Thành phố cần tập trung khai thác những tiềm năng và lợi thế trong phát triển công nghiệp với vai trò là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.
Song song đó, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các ngành, sản phẩm công nghiệp.
Mặt khác, TP HCM cũng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh công nghiệp thuận lợi, ổn định, minh bạch cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ngoài ra, đẩy mạnh số hóa các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (chỉ số PAPI) và thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, cả về nhà đầu tư và lĩnh vực sản xuất công nghiệp; trong đó tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án có giá trị gia tăng và tác động lan tỏa cao.
Đáng chú ý, trong báo cáo kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ “Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành cơ khí - tự động hóa giai đoạn 2020 - 2030” do UBND TP HCM công bố mới đây, lãnh đạo Thành phố cho biết, trong thời gian tới, TP HCM sẽ xây dựng và triển khai Đề án thành lập Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tại Thành phố để phục vụ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, đồng thời đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành cơ khí - tự động hóa.
Với những quyết sách của lãnh đạo Thành phố cùng sự quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn cũng như sự đồng hành hỗ trợ của các bộ, ban ngành, ngành công nghiệp hỗ trợ của TP. Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ tiếp đà tăng trưởng, góp phần tăng tỉ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp, đồng thời, góp phần tiếp thêm động lực cho Thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ.