A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành công nghiệp chip của Nhật Bản suy yếu khi các Chính phủ nước ngoài tăng cường đầu tư

Shozo Saito, 71 tuổi, cựu CEO của Tập đoàn thiết bị điện tử Toshiba, đã bày tỏ sự thất vọng về sự suy giảm của ngành bán dẫn Nhật Bản. Ông nói: "Các nhà sản xuất chip Nhật Bản đang trở nên kém cạnh tranh hơn".

Khi còn làm việc cho Toshiba, Nhật Bản chiếm hơn 50% thị phần toàn cầu trong thị trường bán dẫn, một phần nhờ vào chip nhớ mà Tập đoàn Toshiba thương mại hóa. Hiện nay, theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn, thị phần của Nhật Bản đã giảm xuống 10%.

Sự bùng nổ của các nước khác đang đe dọa thị phần trong thị trường chất bán dẫn còn lại của Nhật Bản. Cụ thể: Hàn Quốc và Trung Quốc đẩy mạnh các chính sách nhằm mở rộng sản xuất chip trong nước. Mỹ và châu Âu phải đối mặt với tình trạng thiếu chip và những rủi ro có thể xảy ra đối với Đài Loan (nguồn cung chip lớn nhất toàn cầu) đang cố gắng hồi sinh ngành công nghiệp trong nước.

Các quan chức Nhật Bản trong ngành lo ngại rằng khi các quốc gia phát triển chuỗi cung ứng của riêng họ trên lãnh thổ của họ, các ngành liên quan chẳng hạn như các nhà sản xuất thiết bị chip và nhà cung cấp vật liệu cũng sẽ chuyển đến các quốc gia này, làm rỗng ngành công nghiệp Nhật Bản.

Takeshi Hattori, một nhà tư vấn bán dẫn và là cựu kỹ sư của Sony, nói rằng: “Ở Mỹ và Hàn Quốc, tổng thống đang dẫn đầu trong việc củng cố lĩnh vực bán dẫn. Còn chính phủ Nhật Bản thì sao?"

Chính phủ của Thủ tướng Yoshihide Suga đã hứa sẽ hành động, nhưng ngay cả khi chưa biết ai sẽ là người kế nhiệm ông, vẫn có những nghi ngờ về chiến lược được đề ra cho đến nay và liệu chính phủ có ý chí chính trị để thực hiện theo hay không. Ngoài ra còn có những câu hỏi thực tế về những gì các công ty Nhật Bản sẽ có thể đạt được.

Để bảo vệ và xây dựng thế mạnh của đất nước về nguyên liệu, bao bì bán dẫn và thiết bị sản xuất chip, Tokyo muốn sản xuất chip nhiều hơn ở Nhật Bản, đó là một lý do tại sao Bộ Thương mại, Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã dẫn đầu các cuộc đàm phán với xưởng đúc chip lớn nhất thế giới Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., , về việc xác định vị trí một nhà máy trong nước.

Trong chiến lược tăng trưởng quốc gia được công bố vào tháng 6, Chính phủ Nhật Bản đã hứa sẽ hỗ trợ cho sự phát triển trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất chip của các công ty trong nước. Các chi tiết cụ thể, bao gồm cả số tiền hỗ trợ đang chờ các cuộc thảo luận về ngân sách tài khóa 2022 sẽ bắt đầu vào cuối tháng 9 năm 2021. 

Các chuyên gia chỉ ra rằng có những vấn đề khác cần giải quyết, chẳng hạn như thúc đẩy ngành hợp nhất khoảng một hoặc hai "nhà vô địch quốc gia" và tìm kiếm các nhà quản lý doanh nghiệp có thể dẫn dắt sự thay đổi.

Masayoshi Arai, Tổng giám đốc tại Văn phòng Chính sách Thương mại và Thông tin của METI - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát ngành công nghiệp bán dẫn, cho biết: “Chính phủ Nhật Bản, bao gồm các Bộ trưởng trong nội các rất quan tâm đến chiến lược bán dẫn. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào công việc kinh doanh. Chính phủ không thể sản xuất chất bán dẫn."

Hattori, cựu kỹ sư Sony cho biết: “Nhiều người tin rằng việc sản xuất chip là không cần thiết. Thị trường chứng khoán hoan hô khi một công ty quyết định rời khỏi lĩnh vực kinh doanh chất bán dẫn."

Theo công ty nghiên cứu thị trường IC Insights, Nhật Bản đã đóng cửa nhà máy chip nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào từ năm 2009-2019. Theo sau là Bắc Mỹ.

Sự suy giảm của ngành công nghiệp chip Nhật Bản song song với sự sụt giảm của ngành công nghiệp điện tử. Hiện nay, Nhật Bản đang dần đánh mất vị thế trước các đối thủ cạnh tranh như Hàn Quốc và Đài Loan về máy tính cá nhân, TV và điện thoại thông minh cùng nhiều nước khác. Không có khách hàng, ngành công nghiệp chip Nhật Bản bắt đầu suy giảm.

Riêng Toshiba đã bán hơn một nửa cổ phần của mình trong mảng kinh doanh bộ nhớ flash cho một Tập đoàn do Bain Capital đứng đầu vào năm 2018 để trả tiền cho việc tái cơ cấu, mặc dù hãng vẫn giữ 40% cổ phần, hiện được gọi là Kioxia. Western Digital của Hoa Kỳ, một đối tác sản xuất với Kioxia, đã đề xuất một thương vụ sáp nhập, một thỏa thuận nhạy cảm về mặt chính trị có thể sẽ cần sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản.

Một năm trước, Toshiba cũng tuyên bố ngừng sản xuất hệ thống LSI, khiến 770 công nhân bị mất việc. Tiếp theo, Công ty lại đang xem xét bán hai nhà máy chip kế thừa cho hãng đúc Đài Loan UMC.

Sony vẫn dẫn đầu về sản xuất cảm biến hình ảnh, nhưng đã bán đứt các mảng kinh doanh bán dẫn khác của mình từ lâu năm 2007. Fujitsu đã bán nhà máy hàng đầu của mình ở Mie Prefecture cho UMC. Năm ngoái, Panasonic đã ngừng sản xuất chip, bán đứt ba nhà máy ở tỉnh Toyama và Niigata cho Nuvoton Technology của Đài Loan.

Renesas Electronics, nhà sản xuất bộ vi xử lý lớn nhất Nhật Bản, đã thông báo đóng cửa hai nhà máy kế thừa trong năm nay, một động thái sẽ giảm các nhà máy sản xuất chip của họ ở Nhật Bản xuống còn bảy nhà máy từ mức cao nhất là 22. Công ty thậm chí không nghĩ đến việc đầu tư lớn vào sản xuất. 

Các nhà sản xuất chip Nhật Bản không hoàn toàn "ổn định", không giống như các đối tác của họ là Texas Instruments và Qualcomm. Một số người cho rằng năng lực sản xuất được giữ lại có thể được hiện đại hóa và làm cho hiệu quả hơn và giá thành cạnh tranh hơn, biến Nhật Bản thành một nguồn cung cấp chip bổ sung cho phần còn lại của thế giới.

Hideki Wakabayashi, giáo sư quản lý công nghệ tại Đại học Khoa học Tokyo và là thành viên chủ chốt trong ban chiến lược bán dẫn của METI cho biết: “Nhật Bản phải làm rõ lý do tại sao họ cần một ngành công nghiệp bán dẫn mạnh mẽ. Ông lập luận rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản vẫn có những thế mạnh, chẳng hạn như chip ô tô và những loại chuyên quản lý điện năng, có thể được sử dụng để giúp phần còn lại của thế giới chuyển đổi sang xe điện và "nền kinh tế carbon thấp".

Wakabayashi dự đoán chất bán dẫn là thành phần quan trọng trong ô tô và sẽ còn nhiều hơn thế nữa trong tương lai. Chip đồ họa và cảm biến hình ảnh hiện chỉ được sử dụng trong điện thoại thông minh và trò chơi máy tính, nhưng chúng sẽ được gắn trên ô tô trong tương lai khi trở nên kết nối và tự chủ hơn, ông nói. Ông nói: “Đây là thị trường mà Nhật Bản phải bao trùm. “Không có chất bán dẫn, Nhật Bản không thể sản xuất ô tô nếu họ muốn”.

Các chip được sử dụng trong ô tô và rô bốt công nghiệp được cung cấp bởi Renesas Electronics, công ty sản xuất từ 60% đến 70% chip trong nhà và thầu phụ phần còn lại cho các xưởng đúc như TSMC. Hiện tại, chip ô tô chỉ yêu cầu công nghệ xử lý từ 20 đến 40 nanomet, nhưng trong tương lai, chúng có thể sẽ yêu cầu chip ở loại 10 nanomet. 

Jean-Philippe Biragnet, đối tác tại Bain & Co., một công ty tư vấn toàn cầu cho biết: "Các quốc gia như Nhật Bản trước tiên cần làm rõ mục tiêu của mình: Bạn muốn phát triển công nghệ tiên tiến hay bạn đang tìm cách đảm bảo đủ năng lực cho một số công nghệ thế hệ cũ để kiểm soát vận mệnh của chính bạn cho các ứng dụng hàng ngày, chẳng hạn như công nghiệp, ô tô, thiết bị,…? Việc phát triển công nghệ tiên tiến của riêng bạn là rất khó và rất tốn kém - chỉ những công ty lớn và có công nghệ tiên tiến như TSMC, Samsung và Intel mới có thể làm được”

Ngay cả việc duy trì khả năng sản xuất chip cơ bản cũng sẽ rất tốn kém. Theo Wakabayashi, sẽ cần khoản đầu tư lên tới 50 tỷ USD trong vài năm tới để Nhật Bản giữ 10% thị phần sản xuất chất bán dẫn. Các nguồn vốn tiềm năng bao gồm hãng viễn thông NTT - đang phát triển chip dựa trên ánh sáng của Sony và Intel với hy vọng biến công nghệ này trở thành tiêu chuẩn cho mạng 6G. 

Hattori, cựu kỹ sư của Sony, lập luận rằng nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn đã cạn kiệt qua nhiều năm tái cơ cấu, và việc xây dựng lại phải bắt đầu từ cấp đại học. Ông đề nghị cung cấp học bổng hoặc hứa hẹn việc làm tại các công ty như Sony cho sinh viên theo học các lĩnh vực liên quan đến chất bán dẫn.

Wakabayashi, thành viên hội đồng METI, đồng ý rằng các biện pháp khuyến khích là cần thiết để thu hút nhân tài kỹ thuật. Ông nói: “Khi sinh viên nghe về việc các kỹ sư bán dẫn dư thừa, họ tự nhiên tránh đi vào ngành công nghiệp bán dẫn như một nghề nghiệp”. Bản thân Wakabayashi là một sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật và đã chọn làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư.

Trong khi đó, Saito, cựu giám đốc điều hành của Toshiba, hiện là người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Thiết bị Điện tử Nippon, được thành lập vào năm 2013. Ông liên tục tổ chức các buổi hội thảo và giúp các công ty bắt đầu với những dự án kinh doanh mới.

Saito nói: “Hoạt động cấp cơ sở là sứ mệnh quan trọng nhất của chúng tôi. Làm thế nào chúng ta có thể xây dựng lại ngành công nghiệp? Nó không thể được thực hiện bởi một công ty, hoặc thậm chí bởi một vài công ty. Sản xuất chất bán dẫn đòi hỏi sự hợp tác theo chiều ngang giữa nhiều công ty. Tôi muốn làm điều gì đó để giúp xây dựng lại ngành công nghiệp này”.

Ông cũng có một lời khuyên cho chính phủ Nhật Bản “Tốc độ là tất cả mọi thứ trong ngành công nghiệp bán dẫn. Mối quan tâm của tôi là tốc độ thay đổi ở Nhật Bản. Chính phủ cần vượt xa các quốc gia khác về hỗ trợ và quy mô".


Tác giả: Khuê Hiền
Nguồn:Asia Nikei Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website