A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ưu tiên, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày

Việc hình thành trung tâm nguyên phụ liệu với ngành dệt may, da giày là vấn đề cần xúc tiến sớm để doanh nghiệp tự chủ nguyên liệu.

Phụ thuộc nguyên liệu

Tại “Hội thảo kết nối doanh nghiệp dệt may và da giày” do Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật phát triển công nghiệp khu vực phía Nam (IDCS) - Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức mới đây, ông Lê Xuân Thọ - quyền Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam cho biết, ngành dệt may và da giày là hai ngành kinh tế quan trọng, không chỉ góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu quốc gia mà còn tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và các yêu cầu ngày càng cao từ thị trường, các doanh nghiệp trong ngành cần tìm kiếm giải pháp để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị chuỗi cung ứng và mở rộng cơ hội hợp tác.

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 70% trong số hơn 3.800 nhà máy dệt sản xuất các sản phẩm may mặc, chỉ có 6% sản xuất sợi, 17% sản xuất vải và 4% là các cơ sở nhuộm. Mỗi năm, Việt Nam sử dụng khoảng 400.000 tấn bông nhưng chỉ có 3.000 tấn được cung cấp bởi các chuỗi cung ứng trong nước, tức là tỉ lệ nội địa chưa đáp ứng được 1% nhu cầu.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Phoebe Trương, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Dệt may Liên Phương (LPtex) thông tin, hiện tại, tùy vào từng mặc hàng mà doanh nghiệp phải nhập khẩu nguồn nguyên phụ liệu ở các quốc gia khác nhau.

Với sản phẩm 100% từ wool (vải len - loại vải dệt được tạo thành từ lông cừu hay lông các loại động vật khác như lạc đà, dê, thỏ…), LPtex sẽ nhập khẩu từ Úc. Với nguồn nguyên liệu là sợi có thể tái chế, doanh nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc vì trong nước vẫn chưa thể thực hiện được. Do đó, giá thành mỗi sản phẩm sẽ tăng từ 5-15%, tùy vào nguồn cung của thị trường và giá trị nguyên liệu để sử dụng cho sản phẩm.

Có thể thấy, nguyên nhân của vấn đề này là bởi khâu dệt, nhuộm trong nước còn yếu, buộc phải nhập lượng lớn nguyên liệu vải để sản xuất.

Đồng tình với ý kiến, bà Trần Thị Trà My, Đại diện Công ty TNHH VietKai thông tin, đa số các nguyên phụ liệu thân thiện với môi trường đều được nhập khẩu từ Trung Quốc vì Việt Nam vẫn chưa có nhà máy nào đủ năng lực sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam vẫn có một số nguyên phụ liệu thân thiện với môi trường để sản xuất như: Lá sen, bột ngô… nhưng kỹ thuật chưa được nâng cao, quy trình làm ra sản phẩm kỳ công và không được bảo quản lâu… dẫn đến giá thành cao hơn so với thành phẩm tại Trung Quốc vì hệ thống sản xuất cao, nhân công rẻ hơn, kỹ thuật hiện đại.Do vậy, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may cần được ưu tiên, sớm thu hút được các tập đoàn đa quốc gia đầu tư công nghệ, vốn, thúc đẩy hình thành hệ thống doanh nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành dệt may.

Tập trung lấp “lỗ hổng” nguồn cung nguyên liệu

Giai đoạn từ nay đến 2025, dự báo kinh tế thế giới vẫn còn có nhiều bất ổn, ngành dệt may cần có hướng đi mới, giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu, chuyển dần trọng tâm sang khai thác thị trường nội địa.

Vì vậy, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may cần được ưu tiên, sớm thu hút được các tập đoàn đa quốc gia đầu tư công nghệ, vốn thúc đẩy hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành dệt may.

Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, để vào được chuỗi cung ứng toàn cầu, giành được đơn hàng thì phải rẻ hơn hàng Trung Quốc, nhưng cạnh tranh về giá luôn là thách thức với các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng vì các bất cập của chính sách thuế, phí, lãi vay...

Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cần thiết thành lập trung tâm nguyên phụ liệu phục vụ ngành thời trang. Trung tâm này sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp chủ động chuyển hình thức xuất khẩu cao hơn thay vì chủ yếu gia công, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trong nước phát triển, dễ rà soát nguồn gốc, phục vụ ngành thời trang trong nước trước khi vươn ra thế giới…

Các chuyên gia ngành dệt may nhận định, để tăng cường tính tự chủ về nguyên phụ liệu đầu vào, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, về lâu dài, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, cần tập trung ngay từ khâu vật tư cung ứng nguyên phụ liệu “xanh” cho đến khâu sản xuất phân phối. Trong đó, phải có định hướng quy hoạch cụm công nghiệp hỗ trợ với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, tập trung vào các công đoạn có lợi thế cạnh tranh rõ rệt để thu hút đầu tư FDI.

Cùng với đó, là sự hỗ trợ về tài chính, chuyên gia, phát huy hiệu quả vai trò của các tham tán thương mại, nhằm giúp ngành dệt may tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, kể cả chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, từ đó tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Bản thân các doanh nghiệp dệt may, cũng cần thay đổi tư duy dài hạn về tái cấu trúc chuỗi cung ứng, định vị lại vị thế của mình, không chỉ đơn thuần là gia công công đoạn.

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia đến từ Viện Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc cũng đã chia sẻ, cung cấp thông tin về các công nghệ mới trong ngành dệt may. Đồng thời, chia sẻ các thông tin, xu hướng mới nhất và giới thiệu quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày.


Tác giả: Anh Lan

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website