Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo xu hướng tăng giá sẽ đảo chiều
IEA cho rằng việc các quốc gia mở kho dự trữ năng lượng không có tác động mạnh đến giá dầu thế giới. Dự kiến, OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 2/12 nhằm thảo luận chính sách dầu mỏ trong thời gian tới.
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)
Giá dầu thế giới đã tăng mạnh do nhu cầu lớn khi các nền kinh tế phục hồi sau thời gian tê liệt vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo xu hướng tăng giá sẽ đảo chiều khi nguồn cung được cải thiện. Thậm chí, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho rằng thị trường dầu mỏ sẽ dư cung từ cuối năm nay.
Giá dầu hạ nhiệt
Cuối tháng 10 vừa qua, giá dầu thế giới đã chạm mốc cao nhất trong 7 năm, do người dân gia tăng hoạt động đi lại sau khi các nước dỡ bỏ hoặc nới lỏng những quy định hạn chế được áp dụng để phòng, chống đại dịch COVID-19.
Cho đến nay, giá dầu mỏ tăng chủ yếu do kinh tế toàn cầu phục hồi sau thời gian tê liệt vì đại dịch COVID-19, trong khi nguồn cung từ các nước sản xuất vẫn thấp. Giá một thùng dầu tăng khoảng 20 USD trong khoảng thời gian từ cuối tháng Tám đến giữa tháng 10, trước khi lên mức ổn định quanh 80 USD/thùng.
Theo IEA, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đang tăng mạnh do tốc độ tiêu thụ khí đốt tăng và hoạt động di chuyển quốc tế nhộn nhịp trở lại khi ngày càng nhiều nước mở cửa biên giới quốc tế sau thời gian hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của dịch.
Tuy nhiên, làn sóng dịch bệnh mới tại châu Âu, các hoạt động sản xuất công nghiệp chậm lại và giá dầu mỏ cao hơn có thể sẽ kìm hãm đà tăng trên.
Do đó, IEA hầu như giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ. Trong các năm 2021 và 2022, IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng thêm lần lượt là 5,5 triệu thùng/ngày và 3,4 triệu thùng/ngày.
Trong tháng 10, IEA dự báo giá dầu sẽ tăng lên các mức cao chưa từng có trong nhiều năm. Tuy nhiên, đến ngày 16/11, IEA cho rằng xu hướng tăng giá có thể sẽ đảo chiều.
IEA cho biết thị trường dầu mỏ thế giới vẫn đang "khát" trên mọi khía cạnh, nhưng tình trạng này có thể sẽ chấm dứt trong tương lai gần. IEA thận trọng lưu ý rằng tình trạng được cải thiện là nhờ nguồn cung dầu mỏ tăng chứ không phải vì nhu cầu giảm.
IEA cho rằng đà phục hồi của giá dầu có thể dịu bớt, sau khi đạt mức cao nhất trong ba năm vào tháng 10 thúc đẩy hoạt động sản xuất dầu toàn cầu. Theo IEA, giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 71,5 USD/thùng trong năm nay.
Theo IEA, giá dầu cao đã tạo động lực lớn để thúc đẩy sản xuất dầu mỏ tại Mỹ, kể cả khi các nhà sản xuất sẽ phải tuân thủ các cam kết về các hình phạt liên quan giới hạn sản xuất nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm.
IEA cho biết dù có những ảnh hưởng của những cơn bão đối với trung tâm sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ vào cuối tháng Tám, sản lượng dầu của nước này đã chiếm một nửa mức tăng sản lượng dầu toàn cầu khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong tháng 10.
Trong khi đó, sau cuộc họp chính sách ngày 4/11, OPEC cùng với các nước đối tác (OPEC+), đã nhất trí duy trì kế hoạch tăng sản lượng dầu thô thêm 400.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 12/2021 và tiếp tục mức này tới các tháng đầu năm sau.
Và triển vọng dư cung
Ngày 11/11, OPEC đã giảm dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2021, do sự giảm mạnh ở các nước tiêu thụ chính như Trung Quốc và Ấn Độ và tác động của giá năng lượng tăng cao.
Trong báo cáo hàng tháng, OPEC cắt giảm dự báo nhu cầu toàn cầu khoảng 160.000 thùng/ngày, xuống còn 96,4 triệu thùng/ngày do nhu cầu giảm từ Trung Quốc và Ấn Độ trong quý IV/2021.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm hơn dự báo trong quý III do cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng và tác động của các biện pháp cứng rắn của nước này trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Báo cáo của OPEC cho biết đà phục hồi của Ấn Độ "sẽ vẫn bị thách thức bởi các tác động kéo dài của làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 gần đây."
OPEC đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ trong quý 4/2021, theo đó giảm khoảng 330.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra vào tháng 10 trong bối cảnh giá năng lượng tăng cản trở phục hồi kinh tế.
Ngày 16/11, Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho rằng nguồn cung dầu mỏ sẽ vượt nhu cầu sớm nhất là vào đầu tháng 12 tới và thị trường sẽ tiếp tục theo xu hướng dư cung trong năm 2022, những dấu hiệu mà thế giới cần phải hết sức thận trọng.
Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Suhail al-Mazrouei, cho biết OPEC+ có thể sẽ tăng nguồn cung dầu mỏ ra thị trường nếu thị trường có nhu cầu. Ông nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là đạt được sự cân bằng giữa cung và cầu.
Ngày 17/11, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi một số quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản-xem xét mở kho dự trữ dầu thô trong một nỗ lực phối hợp nhằm kiểm soát giá năng lượng toàn cầu. Lời kêu gọi này cho thấy Mỹ không hài lòng với quyết định về sản lượng của OPEC+.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 24/11 cho biết chính phủ nước này sẽ mở một phần kho dự trữ dầu, theo đề xuất của Mỹ, mà không vi phạm các điều luật.
Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Biden đã yêu cầu xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược. Dự kiến, việc xuất kho dầu sẽ được thực hiện từ giữa hoặc cuối tháng 12 tới.
Đây là lần đầu tiên, Mỹ phối hợp mở kho dầu dự trữ với một số nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Chính phủ Ấn Độ cùng ngày thông báo sẽ xuất khoảng 5 triệu thùng dầu thô từ kho của mình.
Trong khi đó, IEA cho rằng việc các quốc gia mở kho dự trữ năng lượng không có tác động mạnh đến giá dầu thế giới. Dự kiến, OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 2/12 nhằm thảo luận chính sách dầu mỏ trong thời gian tới./.