A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai các Nghị định về đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo

Chiều ngày 25/11, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai, thực hiện các Nghị định quan trọng về đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo tại TP HCM.

Các Nghị định được tập trung hướng dẫn tại Hội nghị bao gồm: (i) Nghị định số 80/2024/NĐ-CP: Quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (Cơ chế DPPA); (ii) Nghị định số 115/2024/NĐ-CP: Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; và (iii) Nghị định số 135/2024/NĐ-CP: Quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. 

Đây là sự kiện nối tiếp sau Hội nghị thành công diễn ra tại Cần Thơ ngày 22/11/2024, Hội nghị thu hút sự tham gia của gần 300 đại biểu, bao gồm Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ; các Sở, Ban, ngành liên quan; các Tập đoàn lớn như EVN, PVN, TKV; các Hiệp hội, Tổ chức trong nước và quốc tế; các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo; Khách hàng sử dụng điện lớn và các cơ quan truyền thông.

Phát biểu khai mạc, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh đây là các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách quan trọng, đột phá để tháo gỡ một số tồn tại của ngành điện trong thời gian vừa qua; đã được Chính phủ ban hành rất kịp thời nhằm góp phần thúc đẩy và thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu về chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững của Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu về sử dụng năng lượng xanh, sạch ngày càng gia tăng, các yêu cầu khắt khe hơn về phát triển kinh tế tuần hoàn trung hòa Cacbon, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Với việc ban hành 03 Nghị định này, là các cơ chế, chính sách quan trọng nhằm: (i) Thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và năng lượng gió; (ii) Tăng cường cơ chế hợp tác giữa đơn vị phát điện và các khách hàng lớn, tạo nền tảng cho sự phát triển của cơ chế thị trường điện cạnh tranh; (iii) Đảm bảo sự minh bạch, hiệu quả trong lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án đầu tư có sử dụng đất, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt ở các địa phương trọng điểm.

Hội nghị được tổ chức nhằm mục tiêu giúp các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định mới, từ đó triển khai thực hiện hiệu quả tại mỗi địa phương, do vậy thông điệp của Hội nghị ngoài việc hướng dẫn triển khai thực hiện các Nghị định, mà còn là cơ hội cần được tận dụng để các  đại biểu trao đổi thẳng thắn, chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp các ý kiến nhằm triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách mới, hướng tới một tương lai năng lượng bền vững và phát triển toàn diện cho Việt Nam. Các ý kiến đóng góp, thảo luận sôi nổi và xây dựng tại Hội nghị thể hiện sự đồng thuận và quyết tâm cao nhằm đảm bảo các Nghị định được áp dụng hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành năng lượng và kinh tế đất nước.

Kết luận Hội nghị, để đảm bảo cung cấp đủ điện cho đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống điện tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng cung cầu điện trong những năm tới, thừa Uỷ quyền của Lãnh đạo Bộ Công Thương, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai hiệu quả 03 Nghị định, theo đó Bộ Công Thương đã đề nghị các địa phương, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương chú trọng tổ chức triển khai các nội dung được quy định tại 03 Nghị định tại Hội nghị, cụ thể là:

- Đối với UBND các địa phương và các Sở, ban, ngành: Tích cực hướng dẫn, phối hợp triển khai các quy định của Nghị định số 115/2024/NĐ-CP nhằm minh bạch, hiệu quả hóa quy trình lựa chọn nhà đầu tư các dự án sử dụng đất và Nghị định số 135/2024/NĐ-CP, Nghị định số 80/2024/NĐ-CP; Đảm bảo sự đồng bộ trong các quy định địa phương, tránh chồng chéo hoặc gây khó khăn cho các nhà đầu tư; Thúc đẩy việc đưa các dự án năng lượng tái tạo vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần tạo điều kiện phát triển bền vững.

-  Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các Tổng Công ty phát điện, các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo: Đẩy mạnh triển khai Nghị định số 135/2024/NĐ-CP và Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, đặc biệt là cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ và cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA); Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo để đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, ổn định, phù hợp với mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo; Chủ động xây dựng và cung cấp các giải pháp, công cụ hỗ trợ khách hàng sử dụng điện lớn, đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi trong giao dịch.

- Đối với các hiệp hội và doanh nghiệp: Phát huy vai trò kết nối, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp với cơ quan quản lý, đồng thời chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các quy định mới; Chú trọng đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, tận dụng cơ hội từ các chính sách khuyến khích của Chính phủ.

- Đối với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, doanh nghiệp trong việc triển khai các quy định của 03 Nghị định; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các địa phương và đơn vị liên quan để đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong triển khai.

Việc triển khai hiệu quả 03 Nghị định này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Với tinh thần trách nhiệm và sự quyết tâm của tất cả Hội nghị và các bên liên quan, các mục tiêu đề ra sẽ sớm được hiện thực hóa, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngành năng lượng và nền kinh tế Việt Nam.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website