Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cạnh tranh, phòng vệ thương mại và kỹ năng điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh
Vừa qua, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cạnh tranh, phòng vệ thương mại và kỹ năng điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cạnh tranh, phòng vệ thương mại và các quy định khác có liên quan cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và Hội thảo về kỹ năng điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh trong nền kinh tế số tại Hà Nội.
Đẩy mạnh phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới
Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cạnh tranh, phòng vệ thương mại và các quy định khác có liên quan cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tại Thành phố Hồ Chí Minh, do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chủ trì, phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương gồm: Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại và Vụ Pháp chế tổ chức. Đây là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 03/CT-BCT ngày 25 tháng 3 năm 2024 về việc đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.
Thông qua Hội nghị này, Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp việc tuân thủ pháp luật cạnh tranh (như định giá độc lập, không thỏa thuận với các đối thủ cạnh tranh để ấn định giá mua, giá bán một cách gián tiếp hoặc trực tiếp; không ấn định giá bất hợp lý gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng nếu doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường; không bán dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh) và các quy định khác của pháp luật liên quan đến kinh doanh xuất khẩu gạo, đồng thời nghiên cứu để ứng phó trước các nguy cơ nước nhập khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản (bao gồm mặt hàng gạo) của Việt Nam, góp phần tăng cường hiệu quả trong việc xây dựng chuỗi cung ứng gạo, phát triển thị trường xuất khẩu gạo lành mạnh, bền vững, ứng phó kịp thời với những biến động trong khu vực và thế giới.
Tại Hội nghị, các diễn giả đến từ các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương đã giới thiệu cho các doanh nghiệp tổng quan về các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh; thực tiễn và xu hướng điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam; các thay đổi trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thị trường xuất khẩu gạo lành mạnh, bền vững.
Tăng cường nâng cao kỹ năng điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh trong nền kinh tế số
Trong khuôn khổ hợp tác khu vực về cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc tổ chức Hội thảo về kỹ năng điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh trong nền kinh tế số tại Hà Nội, Việt Nam. Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình thực thi luật cạnh tranh của Hiệp định AANZFTA nhằm mục đích tạo điều kiện cho cán bộ của cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN trao đổi, học hỏi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trong từ các chuyên gia quốc tế nhằm nâng cao trình độ, năng lực thực thi pháp luật cạnh tranh của các nước khu vực trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Một số nội dung được chia sẻ về xây dựng và và sử dụng cơ sở dữ liệu trong điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh trong nền kinh tế số bao gồm: kinh nghiệm quốc tế về việc sử dụng cơ sở dữ liệu và công cụ kỹ thuật số trong điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh bao gồm: thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, hành vi phối hợp và hành vi mua bán và sáp nhập vi phạm pháp luật cạnh tranh; kinh nghiệm quốc tế về việc sử dụng cơ sở dữ liệu và các công cụ kỹ thuật số trong đánh giá ngành và trong xây dựng các nghiên cứu thị trường cạnh tranh: (1) vai trò của dữ liệu trong việc đánh giá phân tích các thị trường; (2) cách thức sử dụng cơ sở dữ liệu trong quá trình xây dựng các nghiên cứu thị trường.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng là cơ hội để các chuyên gia quốc tế về cạnh tranh chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường kiến thức và kinh nghiệm của cơ quan cạnh tranh trong công tác thực thi pháp luật cạnh tranh. Đồng thời, đóng vai trò là cầu nối, giúp mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa cơ quan cạnh tranh các nước khu vực trong công tác thực thi pháp luật cạnh tranh.
Theo đại diện Ủy ban cạnh tranh Quốc gia, việc duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh khu vực trong đó công tác thực thi hiệu quả pháp luật cạnh tranh đóng vai trò quan trọng đồng thời đánh giá cao vai trò của hoạt động hợp tác quốc tế thông qua chương trình hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật cạnh tranh khu vực.