Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng
Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và Đào tạo (ERAVCTED) đã tổ chức khoá đào tạo công chúng về “Đầu tư, phát triển điện khí LNG tại Việt Nam” cho các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đưa ra mục tiêu phát triển tối đa 22.400MW điện khí LNG vào năm 2030. Đây sẽ là một trong các nguồn điện giúp bảo đảm cung cấp đủ điện và vận hành ổn định, an toàn hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh có nhiều nguồn năng lượng tái tạo; đồng thời được giới chuyên gia đánh giá là nguồn điện cầu nối và chuyển tiếp cho quá trình chuyển dịch năng lượng và đạt được các cam kết về chống biển đối khí hậu (Net Zero). Theo đó, với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng với mục tiêu cung ứng đủ năng lượng cho quốc gia, đáp ứng nhu cầu cho phát triển đất nước, Bộ Công Thương luôn chú trọng công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Trước khóa học này, ERAVCTED cũng đã tổ chức thành công 02 khoá đào tạo về “Đầu tư, phát triển điện khí LNG tại Việt Nam” và “Đầu tư, phát triển, sản xuất Hydrogen và Amonia sạch” cho Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ, nhằm giúp đơn vị có thêm kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý vận hành nhà máy điện khí tại Việt Nam.
Chương trình đào tạo về “Đầu tư, phát triển điện khí LNG tại Việt Nam” của ERAVCTED được thiết kế trên cơ sở đánh giá nhu cầu thực tế của các đơn vị; vì vậy, phù hợp dành cho tất cả các đơn vị từ mới tiếp cận đến những đơn vị đã có nhiều năm kinh nghiệm đầu tư, phát triển các dự án điện tại Việt Nam; chương trình tập trung chia sẻ về các nội dung: (i) Bối cảnh và định hướng phát triển ngành điện Việt Nam, (ii) Kinh nghiệm quốc tế về phát triển Dự án Khí - Điện LNG, (iii) Tổng quan Thị trường năng lượng khí LNG trên thế giới, (iv) Tương lai của Thị trường khí LNG tại Việt Nam, (v) Các vấn đề kỹ thuật liên quan đến quá trình phát triển dự án điện khí LNG, (vi) Dự báo phát triển công nghệ, thiết bị và các thông số kinh tế, kỹ thuật, chi phí đầu tư phát triển nhà máy điện LNG, (vii) Pháp lý và những vướng mắc khi phát triển các dự án LNG, (viii) Đầu tư và Phát triển dự án Điện LNG, (ix) Quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện cho các loại hình nhà máy điện, (x) Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM), (xi) Hợp đồng và quản lý rủi ro trong thị trường điện, (xii) Chia sẻ thực tế tình hình thực hiện đầu tư phát triển dự án điện khí LNG tại Việt Nam hoặc các nước trên thế giới và (xiii) Công nghệ thiết bị điện khí LNG trong xu hướng mới về chuyển dịch năng lượng.
Khóa đào tạo có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng đến từ Cục điều tiết điện lực – Bộ Công Thương (ERAV), PVN, PVGas, IE, EVNNLDC, GE và đặc biệt là sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm thực tế của PVPower-đơn vị đang đầu tư phát triển dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3, 4 dự kiến sẽ được đưa vào vận hành đầu tiên ở Việt Nam trong thời gian tới. Chương trình đào tạo có sự tham gia của nhiều học viên đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm luật sư, đơn vị cung cấp tài chính, đơn vị điện lực và đặc biệt là chủ đầu tư các dự án điện khí LNG tại Việt Nam hiện nay.
Tham gia Khóa đào tạo, các học viên được trao đổi, đặt ra các câu hỏi để tháo gỡ các vướng mắc mà đơn vị mình gặp phải trong quá trình thực hiện các dự án. Ngay tại lớp học, các câu hỏi đã được các giảng viên giải đáp, chia sẻ thiết thực và làm rõ nhiều vấn đề còn bất cập giữa quy định hiện hành và thực tiễn liên quan về cả kỹ thuật lẫn tài chính trong việc phát triển chuỗi giá trị điện khí LNG trong thời gian tới. Các trao đổi tập trung sâu vào những nội dung liên quan đến các cơ chế định giá khí LNG phổ biến trên thế giới; xu hướng giao dịch mua bán khí LNG qua thị trường giao ngay, ngắn hạn và dài hạn; các mô hình và cấu trúc quản lý đầu tư, phát triển LNG trên thế giới và vai trò của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước trong giai đoạn đầu phát triển; kinh nghiệm phát triển chuỗi giá trị kho cảng LNG và nhà máy điện khí LNG; những khó khăn, lợi thế khi chuyển từ sử dụng khí tự nhiên sang dùng khí LNG; các cơ chế hợp đồng trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM); thứ tự huy động nguồn điện trong thị trường điện, sản lượng hợp đồng (Qc) và các yếu tố liên quan giữa giá hợp đồng, giá thị trường điện, giá công suất thị trường (CAN); khung giá phát điện, tần suất thay đổi giá; chi phí xây dựng nhà máy LNG, chi phí phát triển đường ống dẫn khí cũng như kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; các yếu tố ảnh hưởng đến giá, nguồn cung LNG và các loại hình mua bán LNG mang lại hiệu quả cao, tối ưu nhất; các phương pháp giải quyết những vướng mắc về vấn đề kỹ thuật trong phát triển dự án LNG; dự báo công nghệ mới, phương pháp gia tăng hiệu suất, đảm bảo sự ổn định cho nhà máy; phân tích các trường hợp cụ thể liên quan đến vấn đề về pháp lý khi phát triển dự án LNG, vai trò của các bên trong việc quản lý rủi ro; các yếu tố thuật lợi và khó khăn trong việc đưa LNG vào sử dụng năm 2030; chia sẻ thực tế tình hình thực hiện đầu tư phát triển dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4; chi phí chính để xây dựng một nhà máy điện LNG;…
Ngoài ra, học viên còn quan tâm đặc biệt đến dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, với các thảo luận xoay quanh tiến độ triển khai của dự án; công tác đàm phán trong các thoả thuận mua bán khí (GSA), mua bán điện (PPA),..; kế hoạch thực hiện tổng thể gói thầu EPC; hiện trạng đăng ký bảo lãnh chính phủ để vay vốn và các chi phí lãi vay thực tế; tình hình bàn giao mặt bằng, các phương án linh hoạt của dự án trong quá trình thu xếp vốn và thoả thuận các gói thầu quan trọng, các giải pháp kinh tế-kỹ thuật để có thể đưa nhà máy điện Nhơn Trách 3-4 vào vận hành đúng tiến độ trong năm 2024-2025; khó khăn, vướng mắc của dự án và kiến nghị.
Bên cạnh những nội dung chính trong bài giảng, các học viên còn được tiếp cận với nhiều thông tin hữu ích từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ các dự án lớn. Các chuyên gia đã trình bày và thảo luận về nhiều vấn đề thực tiễn như: Sử dụng khí tự nhiên trong nước để sản xuất LNG: Vì sao không tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có này; Phương pháp định giá LNG khi vận chuyển chung đường ống dẫn khí tự nhiên: Làm thế nào để đảm bảo giá cả hợp lý và công bằng; bài học kinh nghiệm từ dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3-4 và các dự án điện khí LNG khác đang triển khai tại Việt Nam: Những thách thức và giải pháp trong việc huy động vốn, các vấn đề về đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; dự báo giá khí, giá điện: Các phương pháp tiên tiến và độ chính xác của chúng; quy mô nhà máy tối thiểu để đảm bảo hiệu quả kinh tế: Các yếu tố cần cân nhắc và quyết định; các vấn đề kỹ thuật: Thành phần tạp chất của khí, quy mô tàu nhỏ nhất, thể tích dự phòng của bồn chứa, giải pháp khi tàu chở khí phải đợi lâu tại cảng, phương pháp làm mát tua-bin;…
Khóa đào tạo đã mang lại nhiều kiến thức thực tế và hiệu quả trong việc phát triển và chuyển dịch năng lượng bền vững trong tương lai, không chỉ đối với các đơn vị tham gia mà còn đối với công chúng và các cá nhân quan tâm đến phát triển và đầu tư vào LNG tại Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành điện.