A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Canada: Hiện đại hóa các quy định về quản lý an toàn thực phẩm của CFIA

Theo tin từ Thương vụ Việt Nam tại Canada, ngày 21/11/2014, Cơ quan quản lý thực phẩm Canada (Canada Food Inspection Agency-CFA) đã tổ chức cuộc họp cung cấp thông tin về hiện đại hóa các quy định quản lý an toàn thực phẩm (Food Regulatory Modernization) của Canada dành cho các đối tác nước ngoài. Dưới đây là các nội dung chính:

Tóm tắt về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của CFIA

Với nguồn nhân lực lên đến 6.925 người hoạt động trong phạm vi cả nước, CFIA là cơ quan chức năng chuyên ngành lớn nhất Canada trong các lĩnh vực kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, môi trường và nền kinh tế. CFIA có chức năng kiểm tra, giám sát các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ thực phẩm của Canada được áp dụng chung cho cả thực phẩm sản xuất trong nước lẫn xuất- nhập khẩu.

Cải tổ hoạt động của CFIA, Đạo luật An toàn Thực phẩm cho người dân Canada (SFCA) và Dự thảo các quy định về quản lý an toàn thực phẩm cho người dân Canada (SFCR)

 Cải tổ hoạt động của CFIA

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và yêu cầu phải củng cố ngành thực phẩm cũng như sự chuyển dịch trong tập quán tiêu dùng, sự lão hóa về dân số, những thay đổi trong sản xuất và công nghệ chế biến, sự nhận thức ngày càng cao về những nguy cơ và các giải pháp mang tính hệ thống, những tiến bộ về khoa học kỹ thuật và những sáng kiến hiện đại hóa của các đối tác thương mại, Chính phủ Canada tháy rằng cần phải tiến hành cải tổ Cơ quan Kiểm soát Thực phẩm của Canada (CFIA). Đây là chương trình cải tổ toàn diện nhằm tăng cường cơ sở pháp lý cũng như các chương trình quản lý và hoạt động thanh tra. Chương trình cải tổ ngày tập trung vào 04 trụ cột có quan hệ mật thiết với nhau thuộc Kế hoạch Hành động An toàn Thực phẩm cho người dân Canada (Safe Food for Canadians Action Plan) nhằm siết chặt các quy định về an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh sát (thanh tra và giám sát), tăng cường trách nhiệm và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng. Chương trình cải cách này được bắt đầu từ lĩnh vực thực phẩm và sau đó sẽ là động vật và thực vật.

Đạo luật An toàn Thực phẩm cho người dân Canada (SFCA)

Đạo luật về An toàn Thực phẩm cho người dân Canada (Safe Food for Canadian ACT- SFCA) đã được quốc hội Canada thông qua và được Nữ hoàng Anh phê chuẩn vào tháng 11 năm 2012. Đạo luật này tạo cơ sở pháp lý để đơn giản hóa và hợp nhất 03 đạo luật về CFIA và 13 đạo luật có liên quan trong một đạo luật duy nhất về thanh sát thực phẩm áp dụng chung cho tất cả các thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu và chế biến tại Canada. Tuy nhiên, song song với nó, Đạo luật về Thực phẩm và Dược phẩm (Food & Drugs Act –FDA) đối với thực phẩm tiêu thụ tại Canada và các đạo luật về CFIA có liên quan tới kiểm dịch động, thực vật vẫn tiếp tục được áp dụng.

Trọng tâm cải tổ hiện nay là ban hành và thực thi Dự thảo các Quy định An toàn thực phẩm cho người dân Canada (SFCR). Các quy định này sẽ được áp dụng chung cho thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu và giao thương giữa các tỉnh bang của Canada và gồm một số nội dung chính như: cấp phép và thủ tục cấp phép; những yêu cầu đối với an toàn thực phẩm; kế hoạch phòng ngừa và xử lý sự cố về an toàn thực phẩm (PCP); yêu cầu cụ thẻ đối với mỗi loại sản phẩm. Theo dự thảo này, các đối tượng chịu sự điều chỉnh bởi các quy định này sẽ phải:

- Có giấy phép (việc cấp phép này tạo điều kiện giúp CFIA xác định được ai là người chế biến hoặc nhập khẩu thực phẩm tại Canada để thiết lập quan hệ; cho phép hoạt động và quy định điều kiện hoạt động cụ thể; xác định được địa chỉ của các doanh nghiệp thực phẩm và tình hình hoạt động của họ).

- Đáp ứng được các yêu cầu chung về an toàn thực phẩm (các yêu cầu này được áp dụng cho tất cả các cơ sở được cấp phép cho dù là nhà máy chế biến thịt lớn hay xưởng bánh nhỏ; các cơ sở này phải hội tụ các tiêu chuẩn của CODEX như vệ sinh, dịch tễ, khống chế các côn trùng gây hại…; Có dữ liệu lưu trữ để truy xuất nguồn gốc (trước và sau khi sản phẩm được lưu hành).

- Xây dựng và duy trì kế hoạch phòng ngừa và xử lý sự cố về an toàn thực phẩm (PCP)( văn bản hóa các nguy cơ và các mối hiểm họa tiềm ẩn có liên quan tới từng loại thực phẩm cụ thể hoặc quy trình chế biến; Nêu rõ phương thức khống chế, xử lý nguy cơ và sự cố phát sinh phù hợp với các tiêu chuẩn HACCP; Doanh nghiệp nhỏ có vốn dưới 30.000 CAD vẫn phải xin cấp phép, đáp ứng các yêu cầu quy định về PCP nhưng không phải xây dựng PCP dưới hình thức văn bản).

- Đảm bảo các yêu cầu cụ thể đối với loại sản phẩm (mỗi loại sản phẩm cụ thể phải tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn, phân loại, đặc tính của sản phẩm, kích cỡ container, nước xuất xứ và quy định nhãn mác).

Một số quy định cụ thể:

Xuất khẩu

Tất cả các doanh nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu phải có:

- Giấy phép

- Đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm của Canada và của nước ngoài

- Khi yêu cầu của Canada và nước ngoài không đồng nhất thì chấp nhận yêu cầu của nước ngoài

- Các doanh nghiệp xuất khẩu nếu muốn được CFIA cấp chứng nhận thì phải có giấy phép và kế hoạch phòng ngừa và xử lý sự cố về an toàn thực phẩm (PCP) tổng thể bằng văn bản kể cả các đối tượng không phải là công ty chế biến thực phẩm (môi giới, xúc tiến, bán hàng trên Internet)

- Trong trường hợp không cần phải có chứng nhận của CFIA, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm nhưng không cần phải có CPC bằng văn bản.

Nhập khẩu

- Thực phẩm nhập khẩu vào Canada phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định bao gồm các yêu cầu về an toàn, dinh dưỡng, quy định nhãn mác, đóng gói và chất lượng.

- Canada hiện đang sử dụng hàng loạt các công cụ và biện pháp quản lý nhập khẩu nhằm tập trung nguồn lực cho hoạt động kiểm tra và đảm bảo việc tuân thủ các yêu cầu theo quy định. Gồm các bước quản lý:

- Trước khi hàng tới cửa khẩu (công nhận hệ thống kiểm định của nước ngoài).

Theo dự thảo quy định của Luật An toàn thực phẩm cho người dân Canada (SFCR), việc công nhận hệ thống kiểm định sẽ tiếp tục được sử dụng làm công cụ quản lý nhập khẩu.

Căn cứ vào mức độ rủi ro và nguồn lực hiện có, CFIA có thể sẽ tiến hành kiểm tra thực tế để đánh giá. Công tác kiểm tra sẽ được tiến hành trong khuôn khổ Hiệp định của WTO về các biện pháp kiểm dịch động, thực vật (việc đánh giá này phải dựa trên các yêu cầu tương tự được áp dụng tại Canada)

Việc công nhận hệ thống kiểm tra sản phẩm thịt của nước xuất khẩu sẽ tiếp tục đóng vai trò tiên quyết đối với thương mại.

Việc nhập khẩu các sản phẩm khác cũng có thể đòi hỏi phải công nhận kết quả của hệ thống kiểm định nước ngoài khi hàng được nhập khẩu căn cứ vào nguy cơ rủi ro.

Hiện CFIA đang xem xét những ý kiến đóng góp nhận được đối với dự thảo khung về công nhận hệ thống kiểm định an toàn thực phẩm của nước ngoài (Proposed Framework for Foreign Food safety Systems Recognition)

- Tại cửa khẩu (tuân thủ các yêu cầu)

Nhà nhập khẩu phải cung cấp thông tin cần thiết cho CFIA trước khi nhập hàng gồm:

+ Tên và địa chỉ người được cấp phép và số giấy phép

+ Tên và địa chỉ của nhà cung cấp và của nhà sản xuất hoặc chế biến tại nước ngoài

+ Địa chỉ hàng đến và mô tả sản phẩm (tên thường gọi, lô số, số lượng)

Kiểm tra tại cửa khẩu:Tiến hàng cùng Cơ quan Biên phòng Canada (CBSA)

- Sau khi làm thủ tục nhập khẩu (kiểm tra, lấy mẫu/ kiểm định)

Nhằm hiện đại hóa hoạt động này, CFIA sẽ tiếp tục thực thi chiến lược trên, đồng thời tìm cách tối ưu hóa hoạt động quản lý rủi ro đối với thực phẩm nhập khẩu và tập trung nhiều hơn nguồn lực cho công tác thanh tra.

+ Kiểm tra căn cứ vào mức độ rủi ro và lấy mẫu hàng

+ Nhà nhập khẩu phải cung cấp tài liệu chứng minh sản phẩm nhập khẩu đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Canada.

Quá trình xây dựng và dự kiến lộ trình áp dụng SFCR

Quá trình xây dựng: Dự thảo quy định an toàn thực phẩm cho người dân Canada (SFCR) đã được tiến hành phân tích và tham khảo ý kiến trong suốt 03 năm (từ 2012-2014) và nhận được sự tham gia tích cực chưa tứng có từ trước tới nay của các đối tác và hiện vẫn đang được tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ cao. Quy định khung mới về kiểm tra an toàn thực phẩm được công bố vào mùa xuân 2013.

Dự kiến lộ trình áp dụng:

+ Đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm đã đăng ký: việc cấp phép và áp dụng kế hoạch phòng ngừa và xử lý sự cố về an toàn thực phẩm (PCP) bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2015

+ Đối với các cơ sở sản xuất, chế biến rau quả tươi: việc cấp phép bắt đầu thực hiện từ tháng 6 năm 2015 và áp dụng kế hoạch phòng ngừa và xử lý sự cố về an toàn thực phẩm (PCP) từ tháng 6 năm 2016

+ Đối với các doanh nghiệp nhỏ “chưa đăng ký”: việc cấp phép bắt đầu thực hiện từ tháng 6 năm 2016 và áp dụng kế hoạch phòng ngừa và xử lý sự cố về an toàn thực phẩm (PCP) từ tháng 6 năm 2017.

Như vậy, với những quy định chặt chẽ hơn so với trước đây, việc áp dụng các quy định mới về an toàn thực phẩm trong khuôn khổ Đạo luật An toàn thực phẩm của Canada chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các nước xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường này (trong đó có Việt Nam).


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website