A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng quan về ngành công nghiệp Nam Phi

Nam Phi là một trong những nước có nền công nghiệp phát triển nhất Lục địa Đen và là thị trường hứa hẹn nhiều tiềm năng về đầu tư nhờ có cơ sở hạ tầng kinh tế phát triển và nền kinh tế thị trường sôi động. Đây cũng là một trong những nền kinh tế được vận hành hiệu quả và hiện đại nhất của Châu Phi.

Năm 2013, ngành công nghiệp chiếm 29% GDP của Nam Phi, với giá trị khoảng 102 tỷ USD (GDP tính theo tỷ giá hối đoái chính thức). Ngành công nghiệp sử dụng 26% lực lượng lao động tại Nam Phi, tương đương xấp xỉ 5 triệu người. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp trong năm 2013 đạt 0,9%.

Ngành công nghiệp nổi bật nhất của Nam Phi là ngành khai thác khoáng sản. Nam Phi là nhà sản xuất lớn nhất thế giới các mặt hàng khoáng sản: bạch kim, vàng và crôm. Các ngành công nghiệp mũi nhọn khác của quốc gia này là lắp ráp ô tô, luyện kim, chế tạo máy móc, dệt may, sắt thép, sản xuất hóa chất, phân bón, thực phẩm, sữa chữa tàu thương mại.
Vào năm 2007, vào tháng giêng năm 2007, nội các Nam Phi đã thông qua Khung chính sách công nghiệp quốc gia (NIPF) trong đó đưa ra cách tiếp cận sâu rộng của Chính phủ đối với công nghiệp hóa với những mục tiêu cốt lõi sau đây:

• Tạo điều kiện đa dạng hóa các ngành hàng công nghiệp ngoài các loại hàng hóa truyền thống và phi thương mại. Điều này đòi hỏi cần thúc đẩy việc nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa, đặc biệt là chuyển dịch sang các loại hàng công nghiệp có thể đưa vào thương mại có tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, cũng như có khả năng hạn chế giá trị nhập khẩu.

• Tập trung vào quá trình công nghiệp hóa dài hạn và chuyển dịch hướng tới một nền kinh tế tri thức.

• Thúc đẩy con đường công nghiệp hóa sử dụng nhiều lao động hơn đặc biệt là các lao động có hoàn cảnh khó khăn thuộc các khu vực bị thiệt thòi trong nền kinh tế công nghiệp.

• Đóng góp vào sự phát triển công nghiệp của châu Phi, trọng tâm là xây dựng năng lực sản xuất công nghiệp.

Được định hướng bởi NIPF, việc thực hiện các chính sách công nghiệp được ghi trong Kế hoạch triển khai Chính sách công nghiệp (IPAP).

Vào tháng 8 năm 2007, Nội các đã thông qua IPAP đầu tiên cho năm 2007 – 2008 với những chiến lực “dễ thực hiện”. Trong 2 năm này, IPAP đã được tiến hành rộng rãi trên cả nước. Tuy nhiên, đã có những ý kiến cho rằng chính sách công nghiệp cần được mở rộng từ những hành động "dễ thực hiện" sang những can thiệp "cần-phải làm" để tái cấu trúc con đường công nghiệp hóa.

Hiện nay, IPAP sửa đổi cho năm 2012/13 đến năm tài chính 2014/15 đã được Bộ Thương mại và Công nghiệp Nam Phi thực hiện sau một quá trình nghiên cứu, phân tích và tư vấn chuyên sâu. IPAP là chương trình hành động trong vòng ba năm, được cập nhật hàng năm với triển vọng phát triển kinh tế 10 năm. IPAP năm 2012/13 tầm nhìn 2014/15 là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực xây dựng chính sách công nghiệp.

Một số ngành công nghiệp chính của Nam Phi:

Ngành khai thác khoáng sản

Nam Phi có trữ lượng khoáng sản lớn, chiếm một tỉ trọng đáng kể trong sản xuất và trữ lượng khoáng sản của thế giới với giá trị khoảng 20,3 nghìn tỷ Rand (tương đương khoảng 2,5 nghìn tỷ USD). Nam Phi là nước đứng thứ năm trên thế giới trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tính trên giá trị GDP.

Các loại khoáng sản có trữ lượng lớn của Nam Phi bao gồm kim loại và khoáng sản quý, khoáng sản năng lượng, kim loại màu và không màu, các khoáng sản công nghiệp. Chỉ có 2 loại khoáng sản chiến lược là dầu thô và bô-xít không có mặt tại Nam Phi.

Ngoài trữ lượng khoáng sản phong phú, các thế mạnh của Nam Phi bao gồm trình độ kĩ thuật và kinh nghiệm sản xuất cực kì cao, các hoạt động nghiên cứu và phát triển chuyên ngành. Quốc gia này cũng cung cấp máy móc chế biến vàng, bạch kim, kẽm các-bon, thép không gỉ và nhôm. Nam Phi cũng là một trong những quốc gia đứng đầu về công nghệ khoáng sản mới, như công nghệ dỡ đất (ground breaking) giúp sàng tuyển quặng sắt phẩm chất thấp thành các đơn vị sắt chất lượng cao.

Cuối năm 2011, ngành công nghiệp khoáng sản Nam Phi là ngành có đóng góp lớn nhất đối với sự dịch chuyển của nền kinh tế, với việc hoàn tất thương vụ BBBEE trị giá 150 tỷ Rand. Ngành khai khoáng cũng là lĩnh vực đem lại nhiều ngoại tệ nhất cho Nam Phi, đặc biệt là vàng – chiếm tới một phần ba nguồn thu từ xuất khẩu.

Ngành công nghiệp khai khoáng và các ngành công nghiệp liên quan có tầm quan trọng rất lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội của Nam Phi vì ngành này đóng góp tích cực vào các hoạt động kinh tế, tạo công ăn việc làm và đem lại nguồn thu ngoại tệ. Theo Phòng Mỏ (Chamber of Mines), ngành công nghiệp khai thác mỏ của nước này:

- Tạo ra 01 triệu việc làm (500 nghìn việc làm trực tiếp và 500 nghìn việc làm gián tiếp)

- Chiếm khoảng 18% GDP (8,6% trực tiếp, 10% gián tiếp)

- Đem lại hơn 50% nguồn thu ngoại tệ

- Chiếm 20% lượng vốn đầu tư (12% đầu tư trực tiếp)

Bên cạnh vàng, bạch kim và một số loại đá quý khác, Nam Phi gần đây cũng quan tâm tiếp cận lĩnh vực khai thác đất hiếm tại vùng Namaqualand. Đất hiếm là sản phẩm hiện nay đang bị Trung Quốc chi phối với nguồn cung chiếm tới 99% thị trường thế giới. Khoáng sản đất hiếm là một loại khoáng sản chiến lược do chúng được dùng để sản xuất điện thoại thông minh (smartphones), vũ khí công nghệ cao, ô tô điện và nhiều thiết bị điện tử khác.

Các lĩnh vực sinh lợi khác có thể kể đến là việc chế tác, thêm giá trị gia tăng vào các sản phẩm sắt, thép các-bon, thép không gỉ, nhôm, bạch kinh và vàng. Hàng loạt loại khoáng sản có thể dùng làm nguyên liệu cho các loại trang sức, bao gồm vàng, bạch kim, kim cương, đá mắt hổ và nhiều loại đá bán quý khác.

Chính phủ Nam Phi hiện nay đang phát triển một chiến lược lợi ích khoảng sản với mục đích chuyển hóa nền công nghiệp một cách nền tảng từ chủ yếu là sản phẩm thô sang các sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao hơn. Một số chương trình khác của Chính phủ cũng liên quan tới mục tiêu này như: Chương trình hành động Quốc gia 2030, IPAP 2013/2014 đến 2015, chương trình an ninh năng lượng, phát triển kĩ năng và các chương trình khác.

Ngành công nghiệp sản xuất: Nam Phi đã và đang phát triển một ngành công nghiệp sản xuất đa dạng có nhiều sức bật và tiềm năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ngành công nghiệp sản xuất đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quốc gia tăng trưởng và phát triển.

Nhìn chung các sản phẩm đầu ra của ngành này chiếm 15% GDP. Với mỗi Rand đầu tư vào công nghiệp sản xuất, ước tính có 1,13 Rand giá trị gia tăng được thêm vào nền kinh tế. Ngành này cũng là một trong 3 ngành hàng đầu đem lại giá trị gia tăng, tạo việc làm, thu nhập từ xuất khẩu.

Ngành công nghiệp sản xuất bao gồm các ngành lớn:

Công nghiệp chế biến nông sản: Ngành này bao gồm chế biến các sản phẩm từ ngành nuôi trồng thủy hải sản, chế biến các sản phẩm thịt, các loại hạt, cây gia vị, hoa quả nội địa và nhập ngoại, sản xuất và xuất khẩu bánh kẹo, sản xuất sợi thiên nhiên từ cây bông, gai, xizan, cây dâm bụt Đông Ấn và dứa. Đây là lĩnh vực có đóng góp lớn thứ 3 vào GDP sau ngành hóa chất và kim loại (theo Cục Thống kê Nam Phi năm 2012), với khoảng 280 triệu Rand trong năm 2011, chiếm 20% đóng góp của ngành công nghiệp sản xuất. Ngành chế biến nông sản cũng là ngành sử dụng nhiều lao động nhất, với hơn 171 nghìn người.

Công nghiệp ô tô: Ngành này chiếm khoảng 10% sản lượng xuất khẩu hàng sản xuất, là một ngành quan trọng đối với nền kinh tế. Năm 2011, ngành công nghiệp ô tô chiếm khoảng 6,8% GDP. Tốc độ tăng trưởng chung của cả khu vực xuất khẩu linh kiện ô tô và phương tiện vận chuyển hoành chỉnh (CBU) đạt 20,5% trong suốt giai đoạn từ 1995 đến 2011. Ngành công nghiệp chế tạo ô tô và linh kiện là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư. Các hãng xe lớn như BMW, Ford, Volkswagen, Daimler-Chrysler và Toyota cũng như các nhà sản xuất linh kiện xe Arvin Exhaust, Bloxwitch, Corning… đều có các nhà máy sản xuất tại quốc gia này.

Công nghiệp hóa chất: Nam Phi có ngành công nghiệp hóa chất lớn nhất tại châu Phi, với cơ cấu đa dạng và liên hợp, từ xử lý nhiên liệu, chế tạo nhựa cho tới dược phẩm. Đây là lĩnh vực đóng vai trò cơ bản trong ngành công nghiệp quốc gia nói chung. Dầu khí, sản phẩm hóa chất, sản phẩm cao su và nhựa đóng góp 318 triệu Rand trong GDP năm 2011, chiếm khoảng 23% doanh thu của ngành công nghiệp sản xuất. Ngành này cũng thu hút khoảng 200 nghìn lao động. Lĩnh vực chế biến than tổng hợp, nhiên liệu khí đốt hóa lỏng và hóa dầu của Nam Phi là những mũi nhọn của ngành công nghiệp hóa chất nước này, đồng thời được đánh giá có sự phát triển cao hàng đầu thế giới.

Công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin: Ngành công nghệ thông tin của Nam Phi vượt khá xa so với mức trung bình của thế giới. Quốc gia này đã xây dựng được một nền công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông tinh vi, hiện đại với tổng số doanh nghiệp hoạt động lên tới 3000. Ngành công nghiệp IT của quốc gia này rất phát triển, nổi bật là lĩnh vực phần mềm điện thoại di động và các dịch vụ ngân hàng điện tử. Ngành công nghiệp viễn thông chiếm hơn 7% GDP của Nam Phi. Với hơn 5,5 triệu máy điện thoại cố định, Nam Phi đứng thứ 23 đồng thời là thị trường điện thoại di động lớn thứ 4 trên thế giới.

Ngành công nghiệp kim loại: Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, ngành kim loại chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị ngành công nghiệp xuất khẩu. Theo báo cáo của Hiệp hội Thép thế giới năm 2010, Nam Phi giữ vị trí thứ 21 trên thế giới về sản xuất thép thô. Nam Phi cũng là nhà sản xuất thép lớn nhất ở châu Phi, với 47% sản lượng thép thô của châu lục này trong năm 2010. Ngành sản xuất các sản phẩm kim loại mầu như nhôm, đồng, kẽm, thiếc… của Nam Phi cũng rất phát triển. Nam Phi là nhà sản xuất nhôm lớn thứ 8 trên thế giới.

Ngành công nghiệp dệt may: Từ năm 1994, Nam Phi đã đầu tư hơn 1 tỷ USD để nâng cấp và hiện đại hóa nền công nghiệp dệt may, da giày của quốc gia này nhằm tăng cường tính hiệu quả và sẵn sàng cạnh tranh trên toàn cầu. Ngành dệt may Nam Phi khá đa dạng từ khâu sản xuất sợi thiên nhiên và nhân tạo đến se sợi, dệt, đan, nhuộm và hoàn thiện sản phẩm. Nam Phi là nhà sản xuất vải nỉ angora đứng số 1 và sản xuất len cừu đứng thứ năm thế giới.

Ngành du lịch: Theo Hội đồng Du lịch Thế giới, “ngành công nghiệp không khói” của quốc gia này thu hút nhiều lao động trực tiếp hơn ngành khai khoáng, dịch vụ truyền thông, chế tạo ô tô và hóa chất. Trong nửa đầu năm 2012, lượng khách du lịch đến Nam Phi vào khoảng 4,4 triệu người. Nam Phi luôn là địa điểm được tin tưởng hàng đầu tại châu Phi để tổ chức các sự kiện du lịch, kinh doanh.

  


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website