A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá xăng dầu tăng: Khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả

Là mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng của cả nền kinh tế nhưng trong các kỳ điều hành gần đây, giá xăng dầu đã tăng liên tục làm gia tăng áp lực về các vấn đề lạm phát, đời sống người dân. Trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, nhu cầu tiêu dùng xăng dầu của cả thế giới cũng như Việt Nam tăng cao thì tiết kiệm, chuyển đổi năng lượng thay thế chính là những giải pháp hữu hiệu góp phần đảm bảo nguồn cung và giảm chi phí cho loại nhiên liệu đắt đỏ này.

Sử dụng tiết kiệm, chống lãng phí xăng, dầu

Xăng, dầu là loại vật tư đặc biệt, loại nhiên liệu đặc biệt, có tầm quan trọng đặc biệt trong nền kinh tế quốc dân. Xăng, dầu được sử dụng phổ biến trong các cơ quan nhà nước, trong các ngành sản xuất, kinh doanh, trong đời sống sinh hoạt của người dân. Trong khi đó, tại thời điểm này, giá xăng tăng liên tiếp và tiến sát ngưỡng 27.000 đồng/lít, mức kỷ lục trong 8 năm trở lại đây. Giá xăng tăng khiến giá cả các mặt hàng tiêu dùng, vận tải tăng theo. Để ngăn chặn hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính, các bộ ngành đã có nhiều giải pháp về giảm thuế, tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trong nước.

khuyến khích doanh nghiệp, người dân tiết kiệm xăng dầu

Khuyến khích doanh nghiệp, người dân tiết kiệm xăng dầu

Vấn đề đặt ra là làm gì và làm thế nào để trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới biến động, nhưng không để gây ra đột biến thiếu hàng hoặc biến động lớn về giá các mặt hàng khác? Một trong những giải pháp khả thi nhất lúc này là sử dụng hợp lý, tiết kiệm, chống lãng phí xăng, dầu. Lúc này, việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm tiêu dùng xăng, dầu trong sản xuất, kinh doanh, trong sinh hoạt là vấn đề có ý nghĩa lớn.

Ðối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần quan tâm chỉ tiêu tiêu hao xăng, dầu trong quá trình sản xuất, lưu thông vật tư, nguyên liệu và sản phẩm. Ðây cần được coi là một nội dung của việc tổ chức, sắp xếp lại sản xuất. Từng sản phẩm cần được xây dựng lại định mức kinh tế - kỹ thuật về chỉ tiêu sử dụng xăng, dầu. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện giữa các dây chuyền sản xuất, từ đó có biện pháp khắc phục tình trạng sử dụng lãng phí xăng, dầu. Cùng với các giải pháp tiết kiệm bằng kỹ thuật, giải pháp bắt buộc cần tuân thủ, một yêu cầu đặt ra đối với mỗi người là tự giác thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí xăng, dầu.

Chia sẻ về vấn đề này ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ CôngThương) cho biết, đơn cử như đội ngũ ngư dân, tàu đánh bắt cá hiện nay, ngoài chuyển đổi ánh sáng để câu mực hay đánh bắt cá từ ánh sáng đèn sợi đốt trước đây sang ánh sáng đèn Led cũng tiết kiệm được tới 6-7 lần chi phí năng lượng. “Hay như giải pháp sử dụng pin năng lượng mặt trời trên nóc tàu cũng mang lại tiềm năng tiết kiệm dầu diesel và tiết kiệm năng lượng hiệu quả”- ông Trịnh Quốc Vũ bày tỏ.

Theo nhiều chuyên gia hiện nay, Việt Nam mới tập trung đẩy mạnh tiết kiệm điện thông qua các chỉ tiêu tiết giảm cụ thể. Trong khi nhu cầu tiêu dùng mỗi năm từ xăng dầu lên tới hơn 20 triệu m3 lại chưa có các đánh giá về mức độ tiêu hao khả năng tiết kiệm nguồn nhiên liệu vô cùng đắt đỏ và ngày càng trở nên khan hiếm.

Nhìn nhận nội dung này, ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phân tích, nhu cầu đi lại phục hồi kinh tế đang ở mức cao, việc quản lý nguồn cung xăng dầu gắn tuyên truyền khuyến khích tiêu dùng nhiên liệu và hiệu quả là giải pháp được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. “Hiện tại giá xăng dầu vẫn còn biến động, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp hướng tới mục tiêu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tránh tính trạng đầu cơ, tích trữ hàng đối với mặt hàng xăng dầu” - ông Trần Duy Đông lưu ý.

Tập trung vào giải pháp cụ thể

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nguồn cung hữu hạn, theo đó việc sử dụng xăng dầu tiết kiệm và hiệu quả với các chỉ tiêu cụ thể cũng cần được quyết liệt triển khai. Việc chuyển đổi năng lượng thay thế, giảm dần tiêu dùng xăng dầu cũng chính là giải pháp hữu hiệu góp phần đảm bảo nguồn cung, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và giảm chi phí cho loại nhiên liệu đắt đỏ này.

Mới đây nhất Chương trình về tổng thế về thực hành chống lãng phí của Chính phủ ban hành năm 2022 được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ngày 31/12/2021 cũng đã nhấn mạnh, cần xử lý nghiêm các cơ sở sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, tiến tới giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề kinh tế.

Nêu bật giải pháp, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, thuộc Viện Thương mại và kinh tế (Đại học Kinh tế quốc dân), phân tích, có rất nhiều việc thay đổi quyết liệt hơn để phát triển năng lượng tái tạo, sửa lại chiến lược chuyển đổi năng lượng theo hướng tăng nhanh tỷ trọng năng lượng tái tạo, tận dụng lợi thế là khí hậu miền nhiệt đới; tham vấn chính sách sử dụng năng lượng đối với xe điện, xe máy điện, tàu điện cao tốc thế nào? Bên cạnh đó, tăng dự trữ, loại bỏ các loại thiết bị sử dụng tiêu tốn và lãng phí năng lượng hóa thạch, chú trọng khai thác năng lượng xanh, kinh tế xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm đi lại tiết kiệm năng lượng.

Phân tích kỹ hơn, TS. Lê Đăng Doanh- nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chỉ ra, đối với Việt Nam, xăng dầu là một mặt hàng chiến lược trong sản xuất, lưu thông, an sinh xã hội,... vì thế, chúng ta phải luôn nhạy bén tìm ra giải pháp để thoát khỏi các khó khăn, hạn chế. “Thay vì sử dụng nhiều xăng dầu, có thể tăng thêm việc sử dụng than và các nguyên liệu khác, như tăng thêm tỷ lệ năng lượng tái tạo, đó đều là những yếu tố mà chúng ta có thể cố gắng được”, TS. Lê Đăng Doanh nhận định.

Ngoài ra, một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng sớm nghiên cứu xây dựng những chế tài, quy định, lộ trình cụ thể phát triển thị trường tương lai đối với các sản phẩm dầu thô và các sản phẩm năng lượng khác, qua đó giúp tăng thêm chất lượng trong mua bán dầu và quản lý rủi ro.

Tại công văn số 1155/BCT-TTTN của Bộ Công Thương ký ngày 08/3/2022 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu. Trong đó, Bộ Công Thương cũng khuyến khích doanh nghiệp và người dân sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hiệu quả.

 


Nguồn:Báo Công Thương Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website