Nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững
Hưởng ứng cuộc vận động tiết kiệm năng lượng, tiến tới thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm phát huy, nâng cao vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền, góp phần cho sự phát triển bền vững của đất nước, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững".
Diễn đàn là một hoạt động mang ý nghĩ thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm, lợi ích của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Đây cũng là dịp để đại diện các cơ quan báo chí, nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng, tiềm năng phát triển ngành năng lượng, những mô hình công nghệ tiết kiệm năng lượng, những chiến lược tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả cho sự phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong thời gian tới.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hệ thống báo chí đã không ngừng nâng cao chất lượng; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương tiện kỹ thuật, công nghệ làm báo trong thời đại “số hóa”. Nhờ vậy, tính hiệu quả trong tuyên truyền được nâng cao. Đã có rất nhiều tác phẩm báo chí tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giảm tiêu hao năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; khuyến khích tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết năng lượng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững. Diễn đàn được tổ chức nhằm phát huy, nâng cao vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền, góp phần cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo bà Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, hiện công tác thông tin tuyên truyền vẫn còn mang tính thời vụ. Để nâng cao hiệu quả, công tác truyền thông, thông tin về chủ đề này cần thường xuyên, liên tục, các cơ quan báo chí cần duy các chuyên mục, chuyên đề, đa dạng hóa nội dung và đổi mới hình thức thể hiện thông tin để công chúng dễ tiếp cận, từ đó thay đổi nhận thức và hành vi trong các tầng lớp nhân dân và trong toàn xã hội, tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển năng lượng bền vững.
Hơn nữa, đây cũng là lĩnh vực chuyên ngành đặc thù, cần có kiến thức chuyên môn, vì vậy Hội Nhà báo và các cơ quan chuyên ngành quan tâm việc tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng cho phóng viên, biên tập viên làm nhiệm vụ thông tin tuyên truyền lĩnh vực này.
Thông tin tại diễn đàn cho thấy Việt Nam là quốc gia đang phát triển, với dân số 100 triệu người: nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng (điện, than, dầu, khí, gas…) cho sản xuất và tiêu dùng là rất lớn.
Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách, luật pháp, chương trình, đề án quốc gia, cũng như những hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong toàn xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zezo vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.
Điển hình, Nghị quyết số 55 Bộ Chính trị (2020) về “Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến 2030, định hướng đến năm 2045” nêu rõ tiết kiệm năng lượng phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân.
Tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII); đặt mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
TS.Nguyễn Minh Phong, Nguyên Phó vụ trưởng - Phó Ban tuyên truyền lý luận, Thư ký Hội đồng khoa học nghiệp vụ Báo Nhân Dân nhận định: "Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, thực hiện sự phát triển bền vững trong điều kiện mới là yêu cầu và xu hướng thời đại trên phạm vi toàn cầu. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng là cần thiết và là xu hướng thời đại. Đây cũng là thước đo đánh giá trình độ phát triển cả về nhận thức và hành động thực tiễn, trình độ công nghệ và hiệu quả quản lý vĩ mô và vi mô, cả sản xuất và tiêu dùng nói chung, trong hiện tại cũng như trong tương lai".
Theo tính toán của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Bộ Công Thương), tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam là rất lớn; trong đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiềm năng tiết kiệm tại đây có thể đạt từ 20% đến 35%. Ngoài ra, các lĩnh vực dân dụng, giao thông vận tải, lĩnh vực xây dựng có thể đạt trên 30%.
Nghiên cứu về phát thải các bon thấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Việt Nam có thể tránh được đầu tư mới tới 12.000MW công suất nguồn phát điện vào năm 2030 nếu thực hiện được toàn diện các giải pháp tiết kiệm năng lượng từ phía cầu sử dụng năng lượng.
Tại Diễn đàn, đại diện các cơ quan báo chí, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng, tiềm năng phát triển ngành năng lượng, những mô hình công nghệ tiết kiệm năng lượng, những chiến lược tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả cho sự phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong thời gian tới.