A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tái cơ cấu công nghiệp, thương mại vùng Trung du miền núi phía Bắc: Khai thác và phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh, bền vững

Tái cơ cấu vùng trung du và miền núi phía Bắc có ý nghĩa chiến lược về an ninh, xã hội, và môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững và toàn diện của khu vực này trong tương lai.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này có ý nghĩa quan trọng, với tư duy mới, tầm nhìn mới, có sự bứt phá hướng đến việc chủ động kiến tạo để phát triển; tập trung xác định và giải quyết các vấn đề lớn, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; mạnh dạn tái cơ cấu kinh tế, tổ chức lại không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững.

Theo Quy hoạch, vùng Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh phía Bắc là Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, với tổng diện tích là hơn 95.000 km2. Trung du và miền núi phía Bắc có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, có khả năng đa dạng cơ cấu kinh tế, có thế mạnh về khai thác, chế biến khoáng sản, thủy điện, nông nghiệp nhiệt đới và cận nhiệt đới, có tiềm năng lớn về phát triển du lịch. Tuy nhiên hiện nay, kinh tế khu vực này vẫn ở tình trạng phát triển thấp, cơ sở hạ tầng chưa bắt kịp được với nhu cầu xã hội…

Điều chỉnh phân bố không gian phát triển công nghiệp theo hướng gắn với vùng động lực, cực tăng trưởng

Trên cơ sở định hướng phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) phù hợp với đặc điểm, định hướng phát triển của từng địa phương và theo Quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư hạ tầng các KCN, CCN.

Điều chỉnh phân bố không gian phát triển công nghiệp của địa phương theo hướng gắn với các vùng động lực, cực tăng trưởng, phù hợp với quy hoạch tỉnh, lợi thế của từng địa phương, bảo đảm tính chuyên môn hóa cao, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng. Phấn đấu đến năm 2030 có 100% các KCN, CCN; đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường.

Cùng với đó, phát triển các dự án năng lượng theo tiềm năng của địa phương; thu hút đầu tư các dự án thủy điện, năng lượng tái tạo phù hợp điều kiện thực tế, nhu cầu của Tỉnh và phù hợp với Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia.

Trong đó, đối với phát triển công nghiệp khai khoáng, chú trọng khai thác khoáng sản (than, sắt, đồng, chì, kẽm...) đi đôi với bảo vệ môi trường; Đầu tư công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và giảm tác động tiêu cực đến sinh thái.

Đối với công nghiệp chế biến nông, lâm sản, tập trung phát triển chế biến chè, gỗ, tinh bột sắn, dược liệu… theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; Kết hợp sản xuất với phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đối với năng lượng tái tạo, các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc tập trung khai thác tiềm năng thuỷ điện vừa và nhỏ, điện gió, điện mặt trời tại các khu vực có điều kiện phù hợp. Chuyển đổi các dự án năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo để giảm phát thải.

Đặc biệt, khu vực Trung du miền núi phía Bắc sẽ hình thành cụm công nghiệp và khu công nghiệp chuyên biệt gắn với lợi thế từng địa phương (như khai khoáng ở Thái Nguyên, Lào Cai; chế biến chè ở Tuyên Quang, Phú Thọ).

Phát triển thương mại nội địa theo hướng hiện đại, gắn với xây dựng thương hiệu bền vững

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, thương mại nội địa vùng Trung du và miền núi phía Bắc phát triển mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ của cả vùng trong giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân 12%/năm, đứng thứ 2 cả nước cùng với vùng Đồng bằng sông Hồng và cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước là 11,2%/năm. Những năm gần đây, giai đoạn 2021-2023 đạt mức tăng bình quân 15,6%/năm, đứng thứ 4 cả nước. Kết cấu hạ tầng thương mại cũng đã được quan tâm đầu tư.

Hoạt động xuất nhập khẩu của vùng tuy còn nhỏ nhưng đã phát huy khai thác được lợi thế kinh tế biên mậu, kinh tế cửa khẩu của các tỉnh trong khu vực. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2011-2020 của vùng tăng 42,2%/năm, đứng thứ nhất cả nước và cao hơn mức bình quân chung của các nước là 14,7%/năm. Giai đoạn 2021-2023 đạt mức tăng bình quân 15,4%/năm, đứng thứ 3 cả nước. Cán cân thương mại chuyển từ nhập siêu 545 triệu USD năm 2011 sang xuất siêu gần 11,4 tỷ USD vào năm 2020 và tăng lên 18,1 tỷ USD vào năm 2023.

Sự phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ không thể tách rời sự phát triển của quốc gia, chịu sự chi phối và có quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại với phát triển quốc gia và gắn kết với sự phát triển của các vùng liên quan, đặc biệt là vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng để mở rộng không gian phát triển ngành Công Thương của Vùng trên cơ sở tăng cường mối liên kết nội Vùng và liên Vùng, đồng thời khai thác hiệu quả lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia để thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động liên kết sản xuất và xuất khẩu.

Theo TS Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương, để phát triển thương mại Vùng, đặc biệt, tập trung phát triển hạ tầng thương mại cần phát triển đồng bộ mạng lưới chợ trên địa bàn Vùng với quy mô, cơ cấu, tính chất và công năng phù hợp với nhu cầu lưu thông hàng hóa và thị trường từng tỉnh trong Vùng. Trong đó, chú trọng phát triển mạng lưới chợ cung ứng hàng hóa nông sản thực phẩm cho thị trường khu vực đô thị và mạng lưới chợ cung ứng hàng công nghiệp tiêu dùng thông thường cho thị trường nông thôn; Định hướng phát triển siêu thị, trung tâm thương mại với nhiều cấp độ quy mô và loại hình phù hợp với các cấp đô thị; Định hướng phát triển trung tâm logistics; Phát triển trung tâm hội chợ triển lãm; Phát triển trung tâm thông tin, xúc tiến thương mại; Phát triển hệ thống kho hàng hóa cửa khẩu biên giới…

Đồng quan điểm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) Bùi Huy Sơn cho rằng, phát triển thương mại nội địa vùng Trung du và miền núi Bắc bộ theo hướng hiện đại, gắn với xây dựng thương hiệu bền vững, tập trung hoàn thiện hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại, khai thác tiềm năng phát triển thương mại điện tử, trung tâm logistics quy mô vùng không chỉ phục vụ cho phát triển thương mại nội địa mà còn tận dụng tối đa lợi thế và cơ hội phát triển kinh tế biên mậu; Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu kinh tế cửa khẩu để phát huy tối đa vai trò quan hệ với nước ngoài và với các địa phương khác trong vùng và cả nước.

Xác định thương mại - dịch vụ giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương, những năm qua Hà Giang dành nhiều quan tâm cho lĩnh vực này. Theo Đề án của địa phương, đối với tái cơ cấu lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa, Hà Giang xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại. Thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Cụ thể, trong giai đoạn tới, Hà Giang thu hút đầu tư xây dựng 01 Trung tâm hội chợ triển lãm và 01 Trung tâm thương mại tại thành phố Hà Giang; 01 Trung tâm logistic tại khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy; chuỗi cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị hạng 3 tại trung tâm một số huyện trọng điểm. Phát triển 01 chợ đầu mối hoa quả, 02 chợ gia súc, xây dựng mới một số chợ. Phấn đấu trên địa bàn tỉnh có tổng số 153 cửa hàng bán lẻ xăng dầu kết hợp kinh doanh khí hóa lỏng.

Có thể thấy, việc tái cơ cấu công nghiệp và thương mại của vùng núi và trung du phía Bắc không chỉ giúp khai thác tiềm năng sẵn có mà còn góp phần phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng trong khu vực. Thực hiện tái cơ cấu vùng trung du và miền núi phía Bắc mang nhiều ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa. Đây không chỉ là một yêu cầu kinh tế mà còn mang ý nghĩa chiến lược về an ninh, xã hội, và môi trường mà còn là bước quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững và toàn diện của khu vực trong tương lai.


Tác giả: Trúc Linh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website