Chính sách mới của Vương quốc Anh: Tác động gì đến xuất khẩu Việt Nam?
Theo Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, các thay đổi mới về chính sách, quy định về kinh tế, thương mại của thị trường này trong năm 2023 có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu Việt Nam.
Những trái bưởi Diễn Yên Thủy (Hòa Bình) lần đầu tiên xuất hiện tại siêu thị ở Anh khi được bày bán tại chuỗi siêu thị Longdan
Cơ hội hàng Việt tiếp cận thị trường Anh tiếp tục mở rộng
Sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu không hạn ngạch hoặc có hạn ngạch, ngay lập tức hay theo lộ trình, khi xuất khẩu sang Anh như: cà phê, trái cây, túi xách, va ly, giày dép, hàng dệt may, thủy sản... Nhờ đó, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh năm 2021 đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%.
Theo số liệu thống kê Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – Vương quốc Anh đạt hơn 3,23 tỷ USD, giảm 1,5% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Việt Nam thặng dư thương mại hơn 2,49 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt hơn 2,86 tỷ USD, giảm nhẹ 2,2% so cùng kỳ năm 2022. Mức sụt giảm này thấp so với mức sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trung bình (-8,1%) của Việt Nam sang các nước Châu Âu trong 6 tháng 2023 và mức giảm 11,5% ra toàn thế giới.
Các mặt hàng tăng trưởng gồm: Giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 104,9%; Sản phẩm từ cao su 60,2%; Điện thoại và linh kiện các loại tăng 29,6%; Rau quả tăng 28,3%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 24,4%; Giầy dép các loại tăng 5,1%, Hạt điều tăng 2,7%; sản phẩm chất dẻo tăng 1,4%. Các mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn gồm: Điện thoại các loại và linh kiện (22,3%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (14,6%); Giày dép các loại (13,1%); Hàng dệt may (11,1%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 4,9%; Hàng thủy sản 4,9%; Gỗ và sản phẩm gỗ 3,2%.
Hiện, cơ hội để hàng Việt Nam tiếp cận thị trường Anh tiếp tục mở rộng khi quốc gia này tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Vương quốc Anh sẽ công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường. Trên cơ sở đó, Vương quốc Anh sẽ không áp dụng các quy định bất lợi đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong trường hợp tiến hành điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại.
Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, hiện Vương quốc Anh đang có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam như nông sản, linh kiện điện tử, máy móc trong khi hệ thống cung ứng có một số khoảng trống do ảnh hưởng của Brexit và xung đột quân sự tại Ucraina. “Ngoài ra, thị trường Anh khá lớn (khoảng 68 triệu dân), nhu cầu đa dạng (cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người). Quan hệ ngoại giao Việt Nam – Anh tiếp tục phát triển tốt đẹp”- ông Cường cho hay.
Tác động từ chính sách, quy định mới của thị trường
Tuy nhiên, ông Nguyễn Cảnh Cường cũng chỉ rõ những khó khăn mà hàng xuất khẩu Việt Nam đang đối diện khi xuất khẩu sang thị trường này nhất là hiện chính sách, quy định về thương mại, kinh tế của Vương quốc Anh có một số thay đổi có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam.
Cụ thể, ngoài việc gia nhập CPTPP, ngày 31/5/2023, Bộ Kinh doanh và Thương Mại của Anh cũng đã công bố Hiệp định thương mại của Vương quốc Anh với Úc và New Zealand bắt đầu có hiệu lực, theo đó hàng hóa xuất nhập sẽ được ưu đãi hoặc miễn thuế quan. Đồng thời, trong năm 2023, Vương quốc Anh còn ưu tiên đàm phán đàm phán FTA với các nước: Ấn Độ, Mexico, Ixrarel và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC). Anh cũng đã khởi động đàm phán FTA với Thụy Sĩ là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Vương quốc Anh có kim ngạch thương mại hai chiều gần 53 tỷ bảng Anh.
Cùng với đó, ngày 16/5/2023, Bộ Kinh doanh và Thương mại của Anh (DBT) cũng đã chính thức công bố Chương trình Thương mại với Các nước đang Phát triển (DCTS) sẽ thay thế Chương trình Ưu đãi Tổng quát (GSP) hiện tại từ ngày 19 tháng 6 năm 2023. DCTS là một trong những chương trình ưu đãi hào phóng nhất trên thế giới cung cấp thương mại miễn thuế, không hạn ngạch cho các nước kém phát triển (LDC) trên mọi mặt hàng trừ vũ khí và thương mại miễn thuế, không hạn ngạch đối với 85% hàng hóa đủ điều kiện cho hầu hết các nước thu nhập thấp (LIC) và thu nhập trung bình thấp (LMIC).
Ông Nguyễn Cảnh Cường chỉ rõ, các thay đổi về quy chính sách thương mại của Vương quốc Anh, sẽ có không ít khó khăn đối với tiếp cận thị trường Anh của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam do các đòi hỏi, quy định khắt khe và hàng hoá Việt Nam sẽ phải cạnh cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng từ quốc gia khác tại thị trường.
Ngoài ra, thương mại quốc tế có xu hướng suy giảm khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và xung đột địa chính trị leo thang; nhu cầu thị trường giảm do lạm phát cao và người dân thắt chặt chi tiêu; đồng Bảng mất giá so với USD khiến rủi ro tài chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tăng. Đặc biệt, các yêu cầu chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, qui định sử dụng nhãn UKCA thay cho CE đối với sản phẩm công nghiệp.
Dự luật về chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, đậu tương. Xu hướng sản phẩm cho người ăn kiêng phổ biến hơn như ăn chay thuần (vegan), kiêng gluten (người dị ứng gluten), kiêng đường (người tiểu đường) khiến cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm nông sản cần chuyên biệt và phức tạp hơn.
Trước bối cảnh đó, ông Nguyễn Cảnh Cường nhấn mạnh, để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả UKVFTA, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh đã và đang đẩy mạnh tổ chức, xây dựng mạng lưới với cộng đồng doanh nghiệp Anh và doanh nghiệp Việt nam tại Anh để kết nối giới thiệu đối tác cho doanh nghiệp Việt Nam. Tìm hiểu và cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam các thông tin cập nhật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các qui định nhập khẩu vào Vương quốc Anh.
Cùng với đó, Thương vụ thường xuyên cập nhật và phổ biến sách điện tử Thị trường Anh – những điều cần biết; Xây dựng website www.vietnamtradeoffice.co.uk để phổ biến thông tin chính sách và cơ hội thị trường cho doanh nghiệp. Tích cực hối hợp với Cục Xúc tiến hương Mại, Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ tổ chức các Hội thảo trực tuyến tư vấn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, kết nối với các chuyên gia, thương nhân của Anh trong các lĩnh vực nông sản, dệt may, đồ gỗ, UKCA, digital marketing.
Đồng thời, tham gia các Hội chợ triển lãm giới thiệu quảng bá hàng hóa và tiềm năng xuất khẩu Việt Nam. Cùng Đại sứ quán tổ chức các sự kiện MEET VIET NAM tại Birmingham và Manchester. Đăng tin bài thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh trên Cổng thông tin VNexport.com. Tích cực làm việc với các hệ thống siêu thị Anh nhằm đưa hàng hóa Việt Nam vào các siêu thị.