Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại khi xuất khẩu qua thị trường Anh và EU
Sau khi thực hiện 2 Hiệp định thương mại tự do (FTA) là FTA Việt Nam – EU (EVFTA) và FTA Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng đáng kể. Điều này cũng kéo theo áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp cũng sẽ cao hơn và khi đó, nhu cầu sử dụng công cụ phòng vệ thương mại cũng sẽ tăng cao để bảo vệ ngành sản xuất mỗi nước.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp sản xuất trong nước trong quá trình thực thi các hiệp định, mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo ‘‘Quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định EVFTA và UKVFTA đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và những lưu ý cho doanh nghiệp’’.
Nhu cầu sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nước nhập khẩu tăng cao
Hiện nay Việt Nam đang thực thi 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 2 FTA quan trọng là EVFTA và UKVFTA. Đây là 2 FTA thế hệ mới, có những tiêu chuẩn cao và cam kết rất sâu rộng.
Khi tham gia 2 FTA này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam dự kiến trong vòng 7 năm (kể từ khi Hiệp định thực thi) sẽ cắt giảm thuế đến 99,2%. Đây là cơ hội rất lớn cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Năm 2022, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU khoảng 47 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trong các hiệp định thương mại tự do, phòng vệ thương mại luôn là một nội dung được quy định chi tiết, cho phép các thành viên ký kết áp dụng những biện pháp phòng vệ thương mại khi có sự gia tăng nhanh chóng của hàng hóa nhập khẩu. Cả EVFTA và UKVFTA đều có mức độ cắt giảm thuế quan sâu, kéo theo đó là áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp cũng sẽ cao hơn và khi đó, nhu cầu sử dụng công cụ phòng vệ thương mại cũng sẽ tăng cao để bảo vệ ngành sản xuất mỗi nước.
Trong thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới cũng như khu vực có nhiều biến động, thị trường nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chính sự ở Nga - Ukraine, lạm phát gia tăng đã khiến việc tiêu dùng của các thị trường suy giảm. “Việc này dẫn tới các quốc gia nhập khẩu, trong đó có EU, Vương quốc Anh sẽ tìm những cách bảo vệ hàng hóa thị trường nội địa. Trong đó các biện pháp phòng vệ thương mại là công cụ song song với những công cụ khác, họ sẽ nâng cao tiêu chuẩn, những quy định đối với hàng NK. Đây là một trong những thách thức đối với DN trong thời gian tới”- ông Huỳnh Minh Vũ – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh khẳng định.
Thực tế, xu hướng tự do hóa thương mại trong những năm gần đây dẫn đến xu thế bảo hộ thương mại cũng đang diễn biến khó lường, với những thách thức và mức độ khác nhau. Khi các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, nhiều thành viên WTO khác cũng tham gia bảo hộ bằng cách tăng cường sử dụng các biện pháp tiêu chuẩn kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, trước áp lực gia tăng hàng nhập khẩu. Trên thực tế, số vụ phòng vệ thương mại hàng hóa xuất nhập khẩu từ Việt Nam tăng rất nhanh trong những năm gần đây.
Tính đến tháng 5/2023, Việt Nam đã phải đối mặt với 228 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu. Trong 6 năm gần đây nhất (tính từ năm 2017 đến nay) Việt Nam phải đối diện với 116 vụ việc. Trong đó, các mặt hàng thường xuyên bị điều tra là thép, gỗ, sợi…
Các vụ việc phòng vệ thương mại diễn ra nhiều nhất tại Mỹ với 53 vụ kiện, đứng thứ hai là Ấn độ với 30 vụ, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ với 25 vụ, Canada với 18 vụ; Australia với 18 vụ; EU với 14 vụ; Philippines với 13 vụ kiện.
Các loại vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu: điều tra chống bán phá giá đứng vị trí thứ nhất với 126 vụ, điều tra tự vệ đứng thứ hai với 46 vụ việc, thứ ba là điều tra về chống lẩn tránh với 33 vụ và điều tra chống trợ cấp với 23 vụ.
Các vụ phòng vệ thương mại mà EU điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đã phải đối mặt với 6 vụ việc chống bán phá giá; 1 vụ việc chống trợ cấp; 1 vụ việc tự vệ; 6 vụ việc chống lẩn tránh. Các vụ tập trung vào các mặt hàng như: giày dép, xe đạp, sợi polyester tổng hợp, thép, mì chính, đèn huỳnh quang…
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, các biện pháp phòng vệ thương mại do nước nhập khẩu tiến hành, mục đích là hạn chế hàng nhập khẩu để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước cuả họ. Sau khi thực hiện 2 FTA là EVFTA và UKVFTA thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng đáng kể. Với mức gia tăng xuất nhập khẩu giữa các đối tác như vậy thì khả năng các nước sử dụng công cụ hữu hiệu của mình để bảo vệ ngành sản xuất trong nước rất là dễ hiểu, chúng ta có thể lường trước nguy cơ này.
Những lưu ý cho doanh nghiệp
Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, quá trình xử lý vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại còn gặp nhiều khó khăn do khác biệt về ngôn ngữ trong việc nghiên cứu, cung cấp thông tin; hiểu biết của doanh nghiệp về lĩnh vực phòng vệ thương mại còn hạn chế; thông tin doanh nghiệp không cụ thể, rõ ràng.
Vì vậy, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, để ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục chủ động nâng cao năng lực phòng vệ thương mại (Quyết định số 1659/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới”.
Bên cạnh đó, cần trang bị những kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp; thường xuyên theo dõi, trao đổi thông tin với hiệp hội, nhà xuất khẩu và cơ quan quản lý nhà nước; dự trù việc thuê luật sư khi cần thiết; xem xét tham gia vụ việc một cách tích cực, đầy đủ; xây dựng hệ thống quản trị, kế toán đầy đủ và rõ ràng.
Đối với doanh nghiệp, sau khi nhận được bảng câu hỏi từ cơ quan điều tra của EU, các doanh nghiệp cố gắng trả lời đầy đủ, chính xác thông tin và nộp lại đúng thời hạn theo yêu cầu. Nếu doanh nghiệp không tham gia vụ việc phòng vệ thương mại hoặc không đáp ứng những yêu cầu trên thì chúng ta sẽ bị coi là bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ. Khi đó cơ quan điều tra có cớ để áp dụng mức thuế bất lợi sẵn có, thường sẽ rất cao. Như vậy thì cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường đó sẽ còn rất ít hoặc thậm chí không còn nữa.
Quy định về phòng vệ thương mại trong Hiệp định UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định EVFTA với những điều chỉnh cần thiết để bảo đảm phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa 2 bên. Nội dung về phòng vệ thương mại trong 2 hiệp định là tương tự như nhau. Hiệp định đưa ra các quy định về phòng vệ thương mại tại Chương 3 EVFTA bao gồm 3 Mục 14 Điều quy định các cam kết giữa Việt Nam và EU về các nguyên tắc và cách thức áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) đối với hàng hóa xuất khẩu của mỗi Bên.