A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đan Mạch tăng tốc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng xanh châu Âu

Đan Mạch đang tăng cường vai trò tiên phong tại châu Âu trong chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, với việc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia gồm 129 sáng kiến, nhằm đạt mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2030. Trong đó, mục tiêu cụ thể là giảm 80% rác thải nhựa phải đốt và nâng tỷ lệ tái chế rác thải sinh hoạt lên 65% vào năm 2035, phù hợp với lộ trình của EU.

Một sáng kiến trọng điểm là khoản đầu tư 125 triệu DKK từ Quỹ Công nghiệp Đan Mạch nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển bao bì bền vững, xử lý rác thải sinh học và thúc đẩy thiết kế sản phẩm hướng đến tái sử dụng và tái chế. Mục tiêu dài hạn của chính phủ là đưa Đan Mạch trở thành trung tâm tri thức toàn cầu về kinh tế tuần hoàn và công nghệ môi trường.

Theo thống kê của Statista, Đan Mạch hiện là quốc gia có lượng rác thải sinh hoạt bình quân đầu người cao nhất EU, với 800 kg/người/năm. Mức rác thải cao này, cùng hệ thống hạ tầng xử lý hiện đại và các chính sách khuyến khích, đang tạo ra cơ hội đầu tư lớn trong lĩnh vực tái chế, xử lý chất thải và sản xuất xanh.

Đặc biệt, Đạo luật Kinh tế Tuần hoàn mới của EU, dự kiến công bố vào năm 2026, sẽ thay đổi cách các ngành công nghiệp tiếp cận tài nguyên và thiết kế sản phẩm. Luật này không chỉ thúc đẩy tái chế, mà còn yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, giảm thiểu chất thải và lượng phát thải CO₂ toàn vòng đời sản phẩm. Điều này tạo khung pháp lý thuận lợi cho những quốc gia đã sẵn sàng về hạ tầng và năng lực như Đan Mạch.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Đây là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như bao bì sinh học, sản phẩm tái chế, nội thất xanh, thiết bị môi trường và công nghệ năng lượng tái tạo, tiếp cận và tham gia chuỗi cung ứng đang hình thành tại Đan Mạch. Các doanh nghiệp có thể:

Xuất khẩu sản phẩm phụ trợ và nguyên liệu xanh cho các nhà sản xuất tuần hoàn tại Đan Mạch;

•       Liên doanh – hợp tác công nghệ với các startup hoặc viện nghiên cứu môi trường Đan Mạch;

•       Tận dụng các hội chợ, diễn đàn đổi mới sáng tạo về kinh tế tuần hoàn tại Bắc Âu để quảng bá sản phẩm có hàm lượng bền vững cao;

•       Tiếp cận các quỹ đầu tư xanh hoặc các chương trình tài trợ của EU thông qua đầu mối tại Đan Mạch.

Với việc Bắc Âu đi đầu trong chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào sản phẩm thân thiện môi trường không chỉ có cơ hội tiếp cận thị trường này mà còn tạo đòn bẩy lan tỏa sang toàn EU.

 


Nguồn:Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website