A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm tin thị trường Thái Lan từ ngày 01-05/05/2023

Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan thông tin đến bạn đọc và quý doanh nghiệp Điểm tin thị trường Thái Lan từ ngày 01-05/05/2023 để tham khảo.

1. Thái Lan đặt mục tiêu kết thúc đàm phán 03 Hiệp định FTA với EU, Sri Lanka và UAE

Thái Lan đặt mục tiêu kết thúc đàm phán 03 Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) với Liên minh châu Âu (EU), Sri Lanka và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập (UAE) vào giữa năm tới nhằm cải thiện thương mại và đầu tư. FTA với Sri Lanka sẽ giúp Thái Lan thâm nhập sâu hơn vào khu vực Nam Á kết nối với Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Nepal; Sri Lanka được đánh giá là nền kinh tế đang phát triển.và nhiều tiềm năng tại Nam Á.

FTA với EU sẽ giúp Thái Lan tăng cường đầu tư và phát triển bền vững với các quốc gia châu Âu gồm Iceland, Liechtenstein, Nauy và Thụy Sỹ. Thái Lan và EU đã đồng ý nối lại đàm phán FTA vào tháng 06/2022 sau thời gian dài gián đoạn. Phiên đàm phán đầu tiên sẽ được tổ chức trong tháng 09/2023 tại Bỉ. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 14 của Thái Lan. Giữa năm 2018-2022, thương mại 02 chiều ghi nhận mức 9,85 tỉ USD/ năm.

FTA với UAE là thỏa thuận thương mại đầu tiên của Thái Lan tại Trung Đông; 02 Bên nhất trí sẽ kết thúc đàm phán trong khoảng thời gian 06 tháng. UAE hiện là đối tác thương mại lớn thứ 06 của Thái Lan và lớn nhất tại Trung Đông. Năm 2022, thương mại 02 chiều giữa Thái Lan và UAE đạt mức 20,8 tỉ USD, tăng 73,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong một diễn biến liên quan, Thái Lan và các quốc gia thành viên ASEAN sẽ tiến hành nâng cấp Hiệp định ASEAN-Ôt-Xtrây-li-a và Niu Zi-lân vào giữa năm 2024.

2. Kỳ vọng thúc đẩy kinh tế Thái Lan trong 100 ngày sau bầu cử

Doanh nghiệp kỳ vọng vào những thay đổi ưu tiên về chính sách góp phần cải thiện nền kinh tế trong 100 ngày sau bầu cử. Những thay đổi ưu tiên tập trung vào chính sách kinh tế, phát triển du lịch, vị thế quốc gia, hợp tác công-tư, chất lượng cuộc sống và cơ sở hạ tầng.

Cụ thể, về chính sách kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng lãnh đạo các Bộ ngành phải giải quyết những thách thức về kinh tế hiện nay thời kỳ hậu COVID-19 như lương tối thiểu của người lao động, hiện đại hóa nền kinh tế, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), phát triển năng lượng.

Về phát triển du lịch, cần gỡ bỏ rào cản hạn chế du lịch, thông qua chương trình khuyến khích, phát triển du lịch, nâng cao năng lực vận chuyển của các hãng hàng không nhằm mang đến mức giá vé tốt hơn thu hút khách du lịch.

Về vị thế quốc gia, chính sách đối ngoại nhằm tăng niềm tin và thu hút đầu tư nước ngoài đặc biệt tại khu vực Hàng lang Kinh tế Phía Đông.

Về hợp tác công-tư, tăng cường hợp tác giữa các khu vực công và tư nhân nhằm mang đến sự ổn định và nâng cao tính cạnh tranh.

Về chất lượng cuộc sống và cơ sở hạ tầng, cần cải thiện môi trường bảo đảm sức khỏe của người dân và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh và phát triển.

3. Thái Lan dự kiến cải cách hệ thống thuế thu

Nhằm bù đắp cho các khoản chi phí và đối phó với những bất ổn kinh tế tương lai, Bộ Tài Chính Thái Lan dự kiến sẽ cải cách hệ thống thuế thu đáp ứng 04 mục tiêu chính gồm nâng cao cạnh tranh quốc gia và bảo đảm tăng trưởng kinh tế ổn định; việc cải cách phù hợp với định hướng kinh tế số; thúc đẩy kinh tế xanh thông qua việc khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thông qua các biện pháp thuế và phi thuế nhằm khuyến khích phát triển kinh tế xanh; tạo sự đối xử công bằng trong hệ thống thuế và hỗ trợ trẻ em, người già và người tàn tật – ví dụ điển hình nhất là việc miễn thuế giao dịch tài chính đối với việc bán cổ phần của các nhà đầu tư cá nhân giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan.

Trong một diễn biến liên quan, các nhóm Đảng tham gia tranh cử cũng tiến hành đề xuất nhiều biện pháp về thuế nhằm lấy niềm tin của người dân. Một trong những đề xuất gồm nâng VAT từ 7% lên 10% nhằm tăng doanh thu thuế. Một phần của doanh thu sẽ được dùng để hỗ trợ người dân thu nhập thấp. Theo tính toán sơ bộ, nếu VAT tăng 1%, doanh thu thuế sẽ tăng thêm 60 tỉ Bạt/ năm; nếu VAT tăng 2%, doanh thu thuế sẽ tăng thêm 180 tỉ Bạt.

4. Du lịch Thái Lan cần chú trọng đến trị liệu

Theo dự báo, ngành du lịch trị liệu sẽ đạt mức tăng trưởng 7,5% trong khoảng thời gian 2023-25 và đạt dung lượng 6,99 nghìn tỉ USD vào năm 2025. 70% tổng giá trị thị trường sẽ tập trung 04 nhóm gồm chăm sóc cá nhân và làm đẹp (19,9%), dinh dưỡng và giảm cân (17%), sức khỏe (16,9%) và du lịch sức khỏe (15,9%).

Thái Lan có tiềm năng trong ngành du lịch trị liệu, xếp vị trí số 1 trong năm 2020 theo www.slingo.com; thứ 5 về chăm sóc sức khỏe (Chỉ số An toàn Sức khỏe Toàn cầu năm 2021), thứ 5 về ảnh hưởng di sản văn hóa (Tạp chí CEOWorld).

Thái Lan cần nắm bắt cơ hội và tận dụng lợi thế trong lĩnh vực trị liệu, thu hút khách du lịch với mức chi tiêu cao, phân bố thu nhập đến các địa danh du lịch loại II. Bên cạnh đó, Thái Lan cùng quảng bá những điểm đặc biệt về văn hóa, duy trì dịch vụ và tiêu chuẩn sản phẩm. 02 trọng tâm phát triển sản phẩm gồm du lịch y tế - Thái Lan chiếm thị phần 1,08% toàn cầu với mức tăng trưởng đạt 10,2% - giá trị thị trường toàn cầu đạt 1,12 tỉ USD; bất động sản trị liệu – Thái Lan chiếm thị phần 0,14% toàn cầu với mức tăng trưởng đạt 12,4% - giá trị thị trường toàn cầu đạt 580 tỉ USD.  


Nguồn:Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan Copy link

Tin nổi bật

Liên kết website