Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Vương quốc Anh năm 2023: Tăng thêm dư địa và tìm kiếm cơ hội hợp tác mới
Ngày 24 tháng 11 năm 2023 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Vương quốc Anh 2023”. Đây tiếp tục là một trong rất nhiều hoạt động sôi nổi và thực chất trong chuỗi sự kiện do Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước (JETCO) tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-Len (1973-2023).
Ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ - phát biểu
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) - cho biết, sự kiện được tổ chức sau Khóa họp Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước lần thứ 13 (JETCO13) vừa diễn ra hết sức thành công dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Phan Thị Thắng và Quốc vụ khanh Bộ Kinh doanh và Thương mại Vương quốc Anh Nigel Huddleston. Diễn đàn cũng là một trong rất nhiều hoạt động sôi nổi và thực chất trong năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-Len (1973-2023).
Trong 50 năm qua, mối quan hệ, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước đã được hình thành, xây dựng và phát triển trên nhiều lĩnh vực, cấp độ; trong đó, hợp tác về kinh tế - thương mại luôn là điểm sáng. Hiện nay, Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 trên thế giới và lớn thứ 4 của Việt Nam ở khu vực châu Âu, châu Mỹ. Mối quan hệ, hợp tác tin cậy giữa hai nước đang ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.
Kể từ khi hai nước Việt Nam và Vương quốc Anh tuyên bố nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2010 đến nay, theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại giữa hai quốc gia tăng trưởng hơn 3 lần, đạt mức 6,84 tỷ USD năm 2022.
“Đặc biệt với việc Hiệp định thương mại tự do song phương UKVFTA chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 và mới đây nhất là việc Vương quốc Anh chính thức ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) vào ngày 16 tháng 7 năm 2023, đây sẽ là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư hai chiều tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”- ông Tạ Hoàng Linh tin tưởng và dẫn số liệu thương mại song phương giữa hai nước trong 10 tháng đầu năm 2023 đạt 5,87 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh trao đổi thương mại của Việt Nam với hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm tại khu vực châu Âu chứng kiến đà sụt giảm do căng thẳng địa chính trị và những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, việc hai nước giữ được đà tăng trưởng dương là điều rất đáng khích lệ.
Về cơ cấu mặt hàng, từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có sự tăng trưởng tốt, như sản phẩm từ cao su (66%), dây điện và dây cáp điện (55,5%), điện thoại các loại và linh kiện (21%), máy móc thiết bị (15,5%), bên cạnh các nhóm hàng nông sản như rau quả (15,5%), hạt điều (7,2%), cà phê (5,7%)… Cùng với đó, Việt Nam cũng tăng cường nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Vương quốc Anh, đặc biệt là dược phẩm và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng phục vụ sản xuất.
Được xem là quốc gia năng động, có nền chính trị ổn định và môi trường đầu tư hấp dẫn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư tin cậy, bền vững của Vương quốc Anh. Tính đến ngày 20 tháng 10 năm 2023, Vương quốc Anh có 550 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 4,28 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2023, Vương quốc Anh có tổng cộng 43 dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 58,6 triệu USD. Các dự án đầu tư của Vương quốc Anh tại Việt Nam khá đa dạng, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, công nghiệp, xử lý môi trường đến tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản, bán lẻ, giáo dục, y tế… Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 14 dự án đầu tư sang Vương quốc Anh với tổng vốn đầu tư đạt 17,3 triệu USD.
“Những con số nói trên vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn của nhà đầu tư hai nước”- ông Tạ Hoàng Linh đánh giá và cho rằng, việc Vương quốc Anh chính thức ký gia nhập CPTPP vừa qua mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai nước tận dụng ưu đãi từ Hiệp định này trong thời gian tới. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu quá trình mở rộng Hiệp định CPTPP với một thành viên mới, tái khẳng định sức hút, vai trò và vị thế của Hiệp định– một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao và toàn diện.
“Trong bối cảnh Vương quốc Anh luôn đứng trong danh sách 5 thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, với mức độ cam kết hấp dẫn, cùng với Hiệp định FTA song phương đã có, tin tưởng hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam được tiếp cận thị trường với quy mô kim ngạch nhập khẩu thường niên lên đến 900 tỉ bảng Anh. Đồng thời, xung lực kép từ hai Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này sẽ tạo thêm nhiều ưu đãi cho các nhóm hàng hóa và dịch vụ của Vương quốc Anh tại thị trường Việt Nam, cũng như tăng thêm dư địa và sức hút trong lĩnh vực đầu tư tại địa bàn của nhau”- ông Tạ Hoàng Linh tin tưởng.
Đồng quan điểm trên, ông David Johnstone, Trưởng bộ phận thực thi FTAs, Bộ Kinh doanh và Thương mại Vương quốc Anh nhấn mạnh, ngoài các lợi ích rõ rệt về mặt thuế quan, bổ sung thêm nhiều ưu đãi hấp dẫn so với Hiệp định song phương hiện có, CPTPP còn tạo ra những lợi ích to lớn cho cả hai nước trong việc tích hợp sâu hơn vào chuỗi cung ứng của nhau, thuận lợi hóa quá trình kinh doanh của doanh nghiệp hai bên, tạo ra tiềm năng tăng trưởng đột phá với viễn cảnh mở rộng Hiệp định trong tương lai, cũng như hai Bên có thể trực tiếp tham gia vào quá trình thiết lập các quy tắc và điều khoản mới của Hiệp định.
Trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam và Vương quốc Anh tiếp tục cho thấy tiềm năng hợp tác rất lớn trong quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, đặc biệt sau khi Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt với không gian rộng lớn dành cho năng lượng tái tạo và việc hai nước đang có những bước đi cụ thể trong việc thực hiện Thỏa thuận Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP).
Trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp, hai phiên thảo luận với chủ đề năng lượng và thương mại quy tụ nhiều diễn giả là các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu của hai nước đã chia sẻ nhiều góc nhìn mới, kinh nghiệm quý báu, cũng như đi sâu phân tích, thảo luận tập trung và thẳng thắn nhằm tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới dựa trên nền tảng là những dự án hiện đang triển khai, phát huy tốt hơn nữa dư địa còn rất lớn giữa hai Bên.
Kết thúc Diễn đàn, ông Tạ Hoàng Linh khẳng định Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp Vương quốc Anh, để hiện thực hóa các ý tưởng, hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam, góp phần đưa mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả hơn.