A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

FTA Index - Cơ sở quan trọng để Chính phủ và Quốc hội chỉ đạo, giám sát việc thực hiện FTA của các địa phương

Trong tiến trình hội nhập kinh tế, sự hình thành các FTA là một xu thế đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Cho tới nay, Việt Nam đã tham gia và ký kết 15 FTA ở cả cấp độ song phương và nhiều bên, qua đó thiết lập được quan hệ thương mại tự do với nhiều nước đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới. Để giúp người dân nâng cao nhận thức và các doanh nghiệp có sự chuẩn bị đầy đủ, tận dụng tốt cơ hội mà các FTA thế hệ mới mang lại, việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index) là rất cần thiết.

Các FTA góp phần thúc đẩy tăng trưởng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu

Trên cơ sở các chủ trương, định hướng lớn mà Đảng và Chính phủ đã đề ra về hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời gian qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia sâu vào các thể chế toàn cầu, khu vực, đối ngoại đa phương và song phương, với các dấu mốc quan trọng của gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là thành viên sáng lập của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Việc tham gia các FTA đã mang lại cho Việt Nam những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm nhẹ các khó khăn đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp do đại dịch Covid-19 gây ra trong 2 năm gần đây.

Trong tiến trình hội nhập kinh tế, sự hình thành các FTA là một xu thế đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Cho tới nay, Việt Nam đã tham gia và ký kết 15 FTA ở cả cấp độ song phương và nhiều bên, thiết lập được quan hệ thương mại tự do với nhiều nước đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới và qua đó thực hiện tốt chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ trong nỗ lực đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy với các đối tác chiến lược.

Theo Bộ Công Thương, việc tham gia các FTA đã mang lại cho Việt Nam những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm nhẹ các khó khăn đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp do đại dịch Covid-19 gây ra trong 2 năm gần đây. Việc triển khai các FTA cũng đang đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư từ các đối tác có FTA với Việt Nam. Những tác động tích cực khác cũng có thể quan sát được trong lĩnh vực công nghiệp, như tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến, giảm tỷ trọng hàng thô, sơ chế, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến...

Hoặc trong lĩnh vực nông nghiệp, như tạo điều kiện phát triển sản xuất trong nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của hàng nông, lâm, thủy sản và tăng cường hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, vệ sinh thực phẩm, thay đổi cơ cấu sản xuất và phát huy cao hơn lợi thế so sánh của các ngành hàng trong sản xuất nông, lâm, thủy sản...

Việc thực hiện các cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao cũng dần tạo ra những động lực đổi mới trong nước, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân.

FTA Index - công cụ phản ánh mức độ hiệu quả đem lại tới các địa phương

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, dư địa để tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA, đặc biệt các FTA mới đi vào thực thi gần đây như CPTPP, EVFTA, UKVFTA... còn rất lớn. 

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) về kết quả thực hiện một số các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, chỉ có 29% doanh nghiệp có giao dịch xuất nhập khẩu với các nước CPTPP từng có lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định. Ngoài ra, kết quả tổng hợp báo cáo về thực thi của các địa phương cho thấy, đối với Hiệp định EVFTA, hiện có khoảng 38/63 tỉnh, thành có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước EU và khoảng trên dưới 50% tỉnh, thành có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP.

Bộ Công Thương cho rằng, nếu như chỉ tính các nước mới có quan hệ FTA như Canada, Mexico, Peru thì số lượng còn thấp hơn rất nhiều. Thêm vào đó, hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều tỉnh, thành hiện nay còn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa đẩy mạnh sang các thị trường mới có FTA trong CPTPP hay EVFTA. Có những địa phương kim ngạch xuất khẩu rất lớn nhưng tỷ trọng các thị trường quan trọng trong CPTPP như Canada hay các nước EU còn tương đối khiêm tốn.

Thời gian qua, mặc dù nhận thức về công tác hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và thực thi FTA nói riêng của một số cơ quan, địa phương đã được cải thiện nhưng công tác dự báo, sự quan tâm và đánh giá đúng mức phạm vi tác động của hội nhập và thực thi FTA còn nhiều hạn chế, chưa có tính hệ thống và kịp thời. Nhiều địa phương chưa thực sự chủ động vào cuộc trong việc xây dựng định hướng, chiến lược tận dụng FTA cho các doanh nghiệp tại địa phương mình.

Đáng chú ý, Quốc hội đã thực hiện vai trò giám sát thực thi FTA, nhưng đến nay chưa có các báo cáo đánh giá chi tiết và cụ thể về kết quả thực hiện của từng tỉnh, thành. Theo Bộ Công Thương, nếu có các chỉ số được xây dựng độc lập, khoa học và khách quan về việc thực hiện các FTA của các tỉnh, thành sẽ giúp cho công việc giám sát thực thi FTA hiệu quả hơn rất nhiều.

Ngoài ra, để giúp cho người dân nâng cao nhận thức và các doanh nghiệp có sự chuẩn bị đầy đủ, từ đó tận dụng tốt thời cơ và các cơ hội mà các Hiệp định FTA thế hệ mới mang lại, việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA là rất cần thiết.

Ngày 30/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó giao Bộ Công Thương thực hiện Đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA Index) hàng năm của các địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hàng năm của các địa phương. 

Theo Bộ Công Thương, Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA chính là thước đó khách quan để đánh giá kết quả thực hiện các FTA của các địa phương so với chương trình hành động do Chính phủ ban hành, cũng như các chương trình hành động mà chính các địa phương xây dựng, nhằm thực thi các FTA. 

Ngoài ra, Bộ chỉ số này còn tạo động lực tăng trưởng quan tâm và triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được nêu trong kế hoạch thực thi, cũng như biện pháp cần thiết để tận dụng hiệu quả các FTA.

Bên cạnh đó, FTA Index là công cụ để phản ánh mức độ hiệu quả của các FTA đem lại tới các địa phương; là thông tin bổ sung tin cậy giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhận định tiềm năng đầu tư vào các ngành sản xuất hàng hóa, ngành dịch vụ, địa phương có nhiều ưu đãi. Đặc biệt FTA Index là cơ sở quan trọng để Chính phủ và Quốc hội chỉ đạo và giám sát việc thực hiện FTA của các địa phương.


Tác giả: Tuệ Minh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website