A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Algeria

Doanh nghiệp Việt Nam và Algeria đánh giá cao việc Bộ Công Thương Việt Nam đã tổ chức Hội nghị và hi vọng cuộc gặp này sẽ mở ra các cơ hội kinh doanh và đầu tư trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Ngày 13/7/2022, Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã phối hợp tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Algeria với sự tham gia của đại diện 60 cơ quan, doanh nghiệp hai nước. 

https://image.bnews.vn/MediaUpload/Org/2022/07/13/1-20220713194407.jpeg

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại đã giới thiệu thông tin về thị trường Algeria cho doanh nghiệp Việt Nam và nhấn mạnh hội nghị giao thương trực tuyến lần này sẽ là cầu nối giúp doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội và tận dụng hiệu quả năng lực cung ứng sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam và Algeria.

Nhân dịp này, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã chia sẻ thông tin về thị trường Việt Nam, tình hình hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước cũng như triển vọng thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương.

Sau phiên toàn thể, các doanh nghiệp hai bên đã tiến hành các cuộc gặp B to B trực tuyến để giới thiệu về công ty, sản phẩm và nhu cầu xuất nhập khẩu.

24 doanh nghiệp Algeria tham dự mong muốn nhập khẩu các mặt hàng như nông sản thực phẩm (gạo, cà phê, rau), thủy sản đông lạnh (cá tra, tôm), giấy và nguyên liệu thô cho ngành in ấn, hóa chất, nguyên liệu chất dẻo, gỗ ván ép MDF dạng thô, khoáng sản và phân bón, kinh kiện phụ tùng ô tô... Về xuất khẩu, doanh nghiệp Bạn muốn tìm kiếm khách hàng mua xi măng, phốt phát, đá marble, mực in, dầu ôliu, quả ôliu, trái cây (chà là), rau, bánh bích quy, da và lông cừu, chân gà… Ngoài ra, các công ty Algeria cũng mong muốn thiết lập quan hệ đối tác đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực trồng chuối, trồng nấm, xây dựng…

Doanh nghiệp Việt Nam và Algeria đánh giá cao việc Bộ Công Thương Việt Nam đã tổ chức Hội nghị và hi vọng cuộc gặp này sẽ mở ra các cơ hội kinh doanh và đầu tư trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Tiếp theo sự kiện này, Cục XTTM, Thương vụ Việt Nam tại Algeria và Cục Xúc tiến Ngoại thương Algeria dự kiến sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến về thương mại và đầu tư giữa hai nước vào tháng 8/2022.

Những năm gần đây, Algeria chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu nhưng vẫn là thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam bởi thị trường này có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản nước ngọt… là những sản phẩm mà nước này không sản xuất được. Tuy nhiên, dù là thị trường tiềm năng nhưng thương mại song phương giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2021 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt 151,1 triệu USD; trong 5 tháng đầu năm 2022, đạt 65,2 triệu USD, tăng 17,6% với cùng kỳ năm 2021.
Trong cơ cấu xuất khẩu sang Algeria, cà phê chiếm 65% tổng giá trị xuất khẩu. Algeria là thị trường còn nhiều dư địa cho cà phê Việt Nam và trong tương lai gần đây cũng là mặt hàng xuất khẩu số 1 vào thị trường này.
Tiếp đến là mặt hàng gạo, mỗi năm Algeria nhập khẩu 100.000 tấn gạo chủ yếu là gạo 5% tấm, gạo đồ, phục vụ cho người châu Á sinh sống và làm việc tại Algeria. Gạo là mặt hàng được trợ giá nên thuế nhập khẩu khá thấp so với mặt bằng chung, chỉ 16%.
Ngoài ra, các loại gia vị như hạt tiêu, quế cũng là những loại nông sản có nhu cầu cao tại Algeria cùng với hạt điều nhân. Thủy hải sản cũng nằm trong Top 5 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam sang Algeria.
Khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Algeria, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ về thị trường cũng như các chính sách về thuế quan, luật lao động, phương thức thanh toán tiền, tranh chấp, không trả tiền và thu hồi nợ.
Chính vì vậy, các chuyên gia thương mại cho rằng hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam – Algeria 2022 là cơ hội tốt để nắm được những thông tin về nhu cầu thị trường cũng như tập quán kinh doanh. Từ đó, tăng cường hợp tác thương mại với Algeria nói riêng và thị trường châu Phi rộng lớn nói chung./.


Tác giả: Hoàng Hương

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website