A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Tum: Xác định lợi thế, phát triển bền vững

Ngày 20/3, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và đoàn công tác đã có buổi làm việc đầu tiên với lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành tỉnh Kon Tum. Nhiều vướng mắc từ các lĩnh vực khai khoáng, điện, xúc tiến thương mại, kinh tế cửa khẩu, công nghiệp địa phương... đã được các lãnh đạo các cục, vụ, tập đoàn giải đáp, tìm giải pháp tháo gỡ. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đưa ra những định hướng và lộ trình thực hiện nhiều vấn đề mà tỉnh Kon Tum kiến nghị.

Đại diện tỉnh Kon Tum đã báo cáo với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và đoàn công tác về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp, thương mại… năm 2012 của tỉnh.

Năm qua, tăng trưởng kinh tế của Kon Tum đạt mức khá (trên 13%); giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách đạt 1.636 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 22,12 triệu đồng (năm 2011 đạt 18,6 triệu đồng). Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt một số kết quả quan trọng bước đầu, v.v...

Đáng chú ý, lĩnh vực công nghiệp, thương mại của Kon Tum có những bước phát triển mạnh trong những năm qua. Chỉ số phát triển công nghiệp năm 2012 tăng 27% , trong đó tăng chủ yếu ở lĩnh vực khai thác khoáng sản và sản xuất, phân phối điện. Sản xuất một số sản phẩm chủ yếu ngành công nghiệp (như khai khoáng,…) tăng cao và từng bước đi vào ổn định và phát triển. Về thương mại, tổng mức lưu chuyển hàng hóa năm 2012 đạt 6.378 tỷ đồng đạt…

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển tích cực, an ninh quốc phòng tỉnh ổn định.

Tuy nhiên, nhận định thực tế Kon Tum vẫn còn là tỉnh nghèo, có nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, còn nhiều bất cập; điểm xuất phát thấp, quy mô kinh tế nhỏ, đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Năm 2013, Kon Tum đề ra kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại với mục tiêu: Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế) đạt 2.950 tỷ đồng, chỉ số tăng trưởng công nghiệp trên 20%. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ dự kiến 8.170 tỷ đồng, tăng 27% so với thực hiện năm 2012, v.v…

Để góp phần thực hiện những mục tiêu đó, tỉnh Kon Tum đã có một số kiến nghị với Bộ Công Thương về việc đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh vào khu vực Tam giác phát triển (Việt Nam - Lào - Campuchia). Về lĩnh vực phát triển điện, cần cấp kinh phí để triển khai thực hiện dự án cấp điện cho các thôn, làng chưa có điện tỉnh Kon Tum giai đoạn 2012 - 2020; đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường dây 220KV Pleiku- Kon Tum và trạm biến áp 220KV Kon Tum. Về lĩnh vực hạ tầng thương mại, tỉnh Kon Tum đề xuất trung ương sớm phân bổ vốn đầu tư về địa phương để triển khai xây dựng chợ biên giới, v.v…

Đoàn công tác của Bộ Công Thương trong buổi làm việc

Ghi nhận những kiến nghị của tỉnh Kon Tum, liên quan đến từng lĩnh vực, đại diện các vụ, đơn vị chức năng của Bộ Công Thương tham gia đoàn công tác đã thông tin và đưa ra những giải pháp cùng địa phương tháo gỡ những khó khăn.

Liên quan đến lĩnh vực khuyến công, ông Đỗ Xuân Hạ- Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương- cho rằng, những năm qua, các đề án khuyến công của Kon Tum nhận hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công quốc gia thấp so với các địa phương khác (năm 2012 khoảng 150 triệu), v.v… Muốn đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp địa phương cần chủ động trong việc đưa ra các đề án gắn với thực tế và nếu đề án phù hợp thì Cục Công nghiệp địa phương sẽ ủng hộ nguồn kinh phí, v.v…

Ông Nguyễn Mạnh Quân- Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng- cho rằng, cần phải nhìn vào thực tế là công nghiệp của tỉnh Kon Tum phát triển còn hạn chế do điều kiện khó khăn. Kon Tum nên hướng phát triển công nghiệp vào lĩnh vực có thế mạnh như chế biến lâm sản, cao su vốn là thế mạnh của địa phương. Khi có các cơ chế, chính sách thu hút hợp lý, nhà đầu tư sẽ đến với Kon Tum. Với công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, do khoáng sản tại Kon Tum có trữ lượng hạn chế, phân tán, nên cần rà soát cụ thể và giao cho doanh nghiệp có tiềm năng thật sự để khai thác, chế biến cho hợp lý thì mới phát huy được hiệu quả.

Đại diện các vụ chức năng của Bộ Công Thương cũng đã đưa ra những giải pháp, hướng tập trung phát triển thương mại của tỉnh Kom Tum, phát huy lợi thế của Tam giác phát triển, phát triển thương mại gắn với du lịch, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa xuất khẩu…

Tiếp nhận ý kiến của đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Hùng- Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum- đánh giá cao những đóng góp của đoàn công tác. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, hiện tỉnh Kon Tum đã bước đầu đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại ở những lĩnh vực có lợi thế như chế biến giấy, cao su và phát triển các cụm công nghiệp có qui mô phù hợp, đẩy mạnh các hoạt động thương mại biên giới, v.v… Tỉnh Kon Tum mong muốn nhận được sự hỗ trợ thường xuyên của các đơn vị thuộc ngành Công Thương. Đề nghị các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương quan tâm, giúp đỡ 2 huyện nghèo thuộc diện 30a của Kon Tum, v.v…

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá cao những thành tựu về kinh tế- xã hội của tỉnh Kon Tum trong những năm qua. Trong điều kiện khó khăn nhưng tỉnh Kon Tum vẫn nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trất tự. Cùng với đó, một số chỉ tiêu đạt được hết sức đáng khích lệ như chỉ số phát triển công nghiệp cao, phát triển thương mại hàng hóa, dịch vụ, ổn định thị trường, v.v…  Kon Tum cần quan tâm đến các tiền đề, thế mạnh gắn phát triển công nghiệp với lợi thế về rừng, vị trí địa lý, du lịch.

Bộ trưởng gợi ý, với điều kiện cụ thể của tỉnh Kon Tum, nên đẩy mạnh phát triển lĩnh vực thương mại- dịch vụ, trong đó bao gồm du lịch, thương mại, kinh tế cửa khẩu, trung chuyển hàng hóa...

 

 

 


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website