A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm gì để khai thác thành công thị trường các nước Bắc Âu?  

Các nước Bắc Âu có nền kinh tế mở, xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng cao, cùng với động lực từ Hiệp định EVFTA nên còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy định, hàng hóa của chúng ta sẽ có chỗ đứng vững chắc tại thị trường này.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm các nước Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia trao đổi với Tạp chí Công Thương xung quanh những vấn đề đó. 

EVFTA mở rộng cơ hội kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và Bắc Âu

PV: Xin bà cho biết tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam với thị trường các nước Bắc Âu hiện nay?

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy: Trong vòng ba năm qua, thế giới đã và đang trải qua hàng loạt các cuộc khủng hoảng chồng chéo, kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại quốc tế như chiến tranh thương mại Trung Quốc – Hoa Kỳ, đại dịch Covid 19, và cuộc xung đột quân sự giữa Nga – Ukraina. Mặc dù vậy, trong năm 2022, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước Bắc Âu (chưa tính Phần Lan) vẫn tăng trưởng ở mức 14,2%, đạt 3,26 tỷ USD, trong đó xuất khẩu Việt Nam đạt 2,23 tỷ USD, tăng 16,1%, nhập khẩu đạt 1,03 tỷ USD, tăng 10,1%. Việt Nam xuất siêu 1,2 tỷ USD. Hàng hóa Việt Nam ngày càng hiện diện nhiều tại thị trường khu vực này. 

PV: Từ quan sát thực tế thị trường sở tại, bà thấy việc tận dụng Hiệp định EVFTA của doanh nghiệp Việt Nam, những thuận lợi, khó khăn so với trước khi Hiệp định có hiệu lực như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là một hiệp định toàn diện, đã và đang giúp mở rộng hơn nữa các cơ hội kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và Bắc Âu thông qua cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và giải quyết các rào cản thương mại mà các doanh nghiệp có thể gặp phải. Các quy tắc và thực tiễn minh bạch cung cấp sự ổn định và cải thiện khả năng dự báo cho các doanh nghiệp, cho phép các doanh nghiệp yên tâm triển khai các kế hoạch dài hạn. Thuận lợi có thể nhận thấy rõ ràng nhất đó là ưu đãi về thuế giúp nhiều mặt hàng của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ tại thị trường. Ví dụ, mặt hàng gạo, trước đây gần như vắng bóng tại Thụy Điển, kim ngạch chỉ vài chục ngàn đến hơn một trăm ngàn USD do không cạnh tranh được giá với gạo Campuchia và Thái Lan thì đến nay kim ngạch đã tăng lên khoảng 3 triệu USD và đang dần từng bước tăng thị phần tại khu vực này. Tương tự một số mặt hàng nông, thủy sản thuế về 0% ngay năm đầu tiên cũng cho thấy lợi thế cạnh tranh rõ rệt.

Đối với một số mặt hàng chế biến, chế tạo, Hiệp định EVFTA không những mang lại lợi ích về thuế mà còn giúp các doanh nghiệp Bắc Âu hào hứng với thị trường Việt Nam hơn, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp này có nhu cầu lớn trong việc tìm kiếm thị trường mới để chuyển dịch đầu tư và kinh doanh. Ví dụ, các doanh nghiệp Bắc Âu bắt đầu quan tâm đầu tư vào Việt Nam, trong đó, Đan Mạch nổi lên là một nhà đầu tư mới, chỉ riêng Lego trong năm 2022 đã đầu tư hơn 1,3 tỷ USD để xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Ngoài thuận lợi, cũng không thể không nói đến khó khăn. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu nếu muốn hưởng ưu đãi thuế quan trước hết phải tuân thủ các qui định về xuất xứ từ giai đoạn sản xuất nguyên liệu. Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam lại chưa chủ động được nguồn nguyên liệu nên đây sẽ là một khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tuân thủ các qui định khắt khe khác, ví dụ như, các nước Bắc Âu là vấn đề môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật. Vượt qua được các khó khăn này, hàng hóa của chúng ta sẽ có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Bắc Âu nói riêng và thị trường EU nói chung.

Thỏa thuận Xanh châu Âu - trung tâm của hàng loạt quy định mới

PV: Bà vừa thông tin về các tiêu chuẩn, quy định của các nước Bắc Âu. Vậy xin bà cho biết cụ thể những quy định mới nào doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy: Một trong những quy định đáng chú ý nhất hiện nay của EU nói chung đó là Chương trình Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal, viết tắt là EGD). Năm 2019, Ủy ban châu Âu đã công bố Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD). Đây là một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi đạt được tăng trưởng kinh tế. Điều này có nghĩa là các sản phẩm được bán tại thị trường EU sẽ cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cao hơn. Thỏa thuận này có tác động vượt ra ngoài lãnh thổ của EU, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất và xuất khẩu toàn cầu, trong đó có Việt Nam. 

Theo đó, hàng loạt các Chiến lược, kế hoạch được đưa ra, trong đó có một số nội dung đáng lưu ý.

Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn: Chiến lược này nhằm mục đích làm cho thực phẩm trở nên thân thiện với môi trường. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất là giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu vào năm 2030. Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn: Kế hoạch này nhằm mục đích biến các sản phẩm bền vững trở thành tiêu chuẩn ở EU, thông qua các qui định về qui trình tuần hoàn, thiết kế sản phẩm bền vững, hạn chế lãng phí, tái sử dụng hoặc tái chế tất cả các loại bao bì vào năm 2030. 

Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030: EU muốn giảm tổn thất đa dạng sinh học và phát thải khí nhà kính bằng cách thúc đẩy các nhà sản xuất tạo ra các sản phẩm không ảnh hưởng đến nạn phá rừng. Việc bán hàng hóa được sản xuất trên đất bị phá rừng và suy thoái sẽ bị cấm. Các sản phẩm bị ảnh hưởng bao gồm cà phê, thịt bò, dầu cọ, đậu nành, ca cao và các sản phẩm gỗ. 

Cơ chế điều chỉnh carbon: Cơ chế nhằm mục đích ngăn chặn rò rỉ carbon bằng cách áp thuế carbon đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài EU. Điều quan trọng là mặc dù CBAM ban đầu sẽ chỉ áp dụng cho phân bón, sắt, thép và năng lượng, nhưng không có gì đảm bảo rằng các hàng hóa khác sẽ không được áp dụng ở giai đoạn sau. 

Ngoài Thỏa thuận xanh châu Âu là trung tâm của việc thay đổi hàng loạt các quy định của EU trong thời gian tới, EU cũng đang tiến hành rà soát và sửa đổi Chỉ thị An toàn sản phẩm chung. Chỉ thị chung về an toàn sản phẩm của châu Âu quy định rằng tất cả các sản phẩm được bán trên thị trường châu Âu phải an toàn khi sử dụng. Chỉ thị cung cấp một khuôn khổ cho tất cả các luật liên quan đến các sản phẩm và vấn đề cụ thể. 

Hội đồng Liên minh châu Âu và Nghị viện châu Âu đã công bố thỏa thuận tạm thời về Quy định An toàn sản phẩm chung (GPSR) vào ngày 29/11/2022. GPSR nhằm mục đích đảm bảo rằng các sản phẩm được bán cả trực tuyến và trực tiếp đều an toàn và đạt tiêu chuẩn châu Âu. Hiện nay, quy định này đang bước vào giai đoạn lập pháp cuối cùng. Sau khi chính thức được thông qua, dự kiến trong năm 2023, các nước thành viên EU sẽ có 18 tháng để áp dụng các quy tắc mới. Như vậy, dự kiến qui định mới sẽ có hiệu lực hoàn toàn vào cuối năm 2024. 

Đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường và an toàn cho người sử dụng

PV: Có thể thấy, thị trường Bắc Âu còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác, tuy nhiên cũng đòi hỏi tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa. Bà có lưu ý gì để các doanh nghiệp Việt Nam giao thương thành công với khu vực thị trường này?

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy: Các nước Bắc Âu đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và an toàn của người sử dụng. Trong thời gian tới, rất nhiều qui định mới sẽ được ra đời đều hướng tới hai mối quan tâm này. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề.

Thứ nhất, thường xuyên cập nhật thông tin về những diễn biến mới nhất trong Thỏa thuận Xanh châu Âu và bất kỳ quy định, chính sách, chiến lược hay kế hoạch mới nào nhằm thực hiện Thỏa thuận này, cũng như các qui định mới của EU.

Thứ hai, chủ động tìm hiểu, đánh giá tác động tiềm năng của các chính sách mới đối với hoạt động và xuất khẩu của doanh nghiệp, đồng thời xác định lĩnh vực nào, công đoạn nào cần được cải thiện để đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và an toàn mới của thị trường khu vực này. 

Thứ ba, các doanh nghiệp nên cân nhắc áp dụng các biện pháp bền vững và thân thiện với môi trường hơn, chẳng hạn như giảm phát thải khí nhà kính, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và sử dụng vật liệu tái chế. Ví dụ, đối với Cơ chế điều chỉnh carbon, thay vì mua chứng chỉ carbon của EU, các doanh nghiệp nên bắt đầu thực hiện các bước để giảm khí thải carbon trong quá trình sản xuất.

Thứ tư, doanh nghiệp có thể cân nhắc việc thay đổi mô hình sản xuất, chuyển từ mô hình sản xuất và xuất khẩu chỉ tập trung vào sản lượng sang mô hình sản xuất hiện đại, chú trọng tới yếu tố môi trường và phát triển bền vững, đồng thời với việc chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động sản xuất.

Thứ năm, doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư nguồn lực nghiên cứu để phát triển các công nghệ và sản phẩm mới đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững do Thỏa thuận Xanh châu Âu đặt ra. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bà về cuộc trao đổi này.


Nguồn:Tạp chí Công Thương Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website