A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủy sản Việt Nam học gì từ cá hồi Na Uy?

Trong khuôn khổ hội thảo “Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thủy sản Việt” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức, đại diện Hội đồng Thủy sản Na Uy, ông Asbjorn Warvik Rortveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á cho rằng, cải thiện chuỗi giá trị trong ngành thủy sản có thể mang lại nhiều lợi ích, bao gồm tăng lợi nhuận, tiếp cận thị trường tốt hơn, nâng cao uy tín thương hiệu, tính bền vững và đổi mới. Những lợi ích này có thể giúp đảm bảo sự thành công lâu dài của ngành và góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về sản xuất và xuất khẩu thủy sản. 

Ông Asbjorn Warvik Rortveit đã chia sẻ kinh nghiệm của Na Uy với tư cách là quốc gia đi đầu thế giới trong việc phát triển ngành thủy sản bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm. Với sự tương đồng về nền tảng vững chắc để phát triển ngành thủy sản và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu trên thế giới về xuất khẩu thủy sản, Việt Nam và Na Uy nhìn thấy cơ hội trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau phát triển trên bản đồ thủy sản thế giới. 

Ông Asbjorn Warvik Rortveit cho biết, ngành thủy sản Na Uy rất chú trọng đến tính bền vững, chất lượng và an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi giá trị. Na Uy đã phát triển một khung pháp lý mạnh mẽ để đảm bảo rằng hải sản được thu hoạch bền vững, chế biến an toàn và vận chuyển theo các tiêu chuẩn cao nhất. Ngành cũng đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển để cải thiện quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Năm 2022 là năm tốt nhất từ trước đến nay đối với xuất khẩu thủy sản của Na Uy. Na Uy đã xuất khẩu 2,9 triệu tấn thủy sản với giá trị khoảng 14,5 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu thủy sản đã tăng 2,9 tỷ USD, tương đương 25% so với năm kỷ lục năm 2021. Điều đặc biệt là mặc dù giá trị xuất khẩu thủy sản tăng đáng kể nhưng về tổng thể thì khối lượng vẫn không đổi. Việc xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt cho thấy ngành thủy sản Na Uy có khả năng thích ứng tốt trong chuỗi giá trị. Trong giá trị xuất khẩu, cá hồi chiếm lượng lớn với giá xuất khẩu ở mức 10 USD/kg. Theo khảo sát, giá bán mặt hàng này tại thị trường Việt Nam là 30 USD/kg. Na Uy luôn đặt ra trần sản xuất và đánh bắt hải sản chung, không thể tăng sản lượng tùy ý nhưng có thể tăng giá trị bằng việc xây dựng chuỗi giá trị, ông Asbjorn Warvik Rortveit cho biết.  

Lấy thành công từ việc nuôi và phân phối cá hồi Na Uy, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Công ty đầu tư thủy sản Nam Miền Trung cho rằng, đó là bài học cho ngành thủy sản Việt Nam. “Đó là họ có tiêu chuẩn, có tiêu chí sản phẩm, có chất lượng sản phẩm nên họ tự tin đưa sản phẩm của mình ra thế giới”, ông Nguyễn Hoành Anh chỉ ra. Trong khi đó, ngành hàng tôm Việt Nam trong nhiều năm qua chỉ loay hoay ở con số 3-4 tỷ USD. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, muốn nâng tầm thương hiệu thì phải ổn định chất lượng và số lượng. Từng đơn vị trong mắt xích phải có tiêu chí và phải được công bố tiêu chí. 

Để nâng giá trị của con tôm Việt trên bàn ăn thế giới, ông Vũ Đức Trí, Phó tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Việt Úc cho rằng, cần phát triển ngành tôm Việt Nam công nghệ cao bền vững, có chuỗi giá trị khép kín. Ngành tôm Việt Nam cần phải hướng đến bền vững cho người dùng và nâng tầm giá trị thương hiệu con tôm Việt Nam thông qua việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu nuôi trồng đến chế biến. Khi đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe nhất của các thị trường khó tính thì sẽ góp phần giúp nâng tầm thương hiệu Việt, ông Vũ Đức Trí cho hay. 

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng vụ Nuôi trường thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cũng đánh giá, ngành thủy sản Việt Nam phát triển tương đối tốt song có điểm yếu là liên kết. Bên cạnh đó, các ngành kinh tế khác đi đến đâu thì ngành thủy sản thu hẹp đến đó, đặc biệt là ngành du lịch.


Nguồn:Bnews/TTXVN Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website