A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lần đầu tiên Việt Nam vươn lên vị trí đối tác xuất khẩu thuỷ sản lớn thứ 3 vào Singapore

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore, số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng giá trị nhập khẩu thủy sản từ thế giới của Singapore đạt gần 559,5 triệu SGD, tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ 2024.

Về nhu cầu các loại thủy sản chính, thị trường Singapore tiếp tục cho thấy nhu cầu tương đối đồng đều đối với 04 nhóm là cá tươi/ướp lạnh trừ phi lê cá và thịt cá (0302); Cá cấp đông trừ phi-lê cá và thịt cá (0303); Phi lê cá và thịt cá ướp lạnh/cấp đông (0304); Động vật giáp xác đã/chưa qua chế biến (0306) với giá trị nhập khẩu mỗi nhóm đều đạt trên 110 triệu SGD trong 6 tháng đầu năm 2025 (tương đương khoảng 18 triệu SGD/tháng).

Trong đó, động vật giáp xác đã/chưa qua chế biến (0306) là nhóm có giá trị nhập khẩu cao nhất, đạt 132,9 triệu SGD trong 6 tháng đầu năm (tương đương khoảng 22 triệu SGD/tháng), chiếm gần một phần tư tổng giá trị nhập khẩu thủy sản nói chung của Singapore. Tuy vậy, trong 04 nhóm chính này, hiện chỉ có nhóm cá cấp đông trừ phi-lê cá và thịt cá (0303) cho thấy tăng trưởng dương về giá trị xuất khẩu, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2024, còn lại các nhóm khác có dấu hiệu chững lại, với mức giảm nhẹ từ 1-3%, báo hiệu sự bão hòa của thị trường nội địa.

Hội nghị kết nối giao thương các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam và Singapore tại Thành phố Hồ Chí Minh 2024. Ảnh: (Thương vụ Việt Nam tại Singapore)

Ngoài 04 nhóm chính trên, số liệu thống kê cũng ghi nhận thị trường Singapore cũng có nhu cầu nhập khẩu đối với các nhóm cá sống (0301); Cá đã qua chế biến (0305); Động vật thân mềm đã/chưa qua chế biến (0307); Động vật thủy sinh không xương sống đã/chưa qua chế biến trừ giáp xác/thân mềm (0308). Trong số đó, có giá trị nhập khẩu cao nhất trong 6 tháng đầu năm là nhóm động vật thân mềm đã/chưa qua chế biến (0307), đạt trên 57,2 triệu SGD. Nhóm có giá trị nhập khẩu thấp nhất là động vật thủy sinh không xương sống đã/chưa qua chế biến trừ giáp xác/thân mềm (0308), chỉ 12,3 triệu SGD, đây cũng là nhóm tiếp tục chứng kiến nhu cầu giảm sâu tại thị trường Singapore, giảm đến 19,5% về giá trị nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2024 (06 tháng đầu năm 2024 cũng giảm đến gần 24% so với cùng kỳ năm 2023).

Về đối tác, trong 6 tháng đầu năm 2025, Malaysia và Indonesia hiện là đối tác cung ứng thủy sản lớn nhất và thứ hai cho thị trường Singapore với giá trị nhập khẩu hiện đạt tương ứng 75,2 triệu SGD và 63,2 triệu SGD, chiếm lần lượt 13,4% và 11,3% tổng thị phần thủy sản nhập khẩu tại thị trường này. Đối với thủy sản từ Malaysia và Indonesia, Singapore hiện tập trung nhập khẩu hai nhóm chính là Động vật giáp xác đã/chưa qua chế biến (0306) và Cá tươi/ướp lạnh trừ phi lê cá và thịt cá (0302).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam tạm thời vượt qua Na Uy, lần đầu tiên vươn lên là đối tác cung ứng thủy sản thứ 3 tại thị trường Singapore với giá trị nhập khẩu tới Singapore đạt 57,2 triệu SGD, chiếm 10,2% thị phần với 02 nhóm chính là phi lê cá và thịt cá ướp lạnh/cấp đông (0304) và động vật giáp xác đã/chưa qua chế biến (0306).

Mặc dù tạm thời xếp sau Việt Nam nhưng Na Uy hiện vẫn là một trong những nguồn cung thủy sản chính tới Singapore, tiếp tục dẫn đầu đối với nhóm cá tươi/ướp lạnh trừ phi lê cá và thịt cá (0302) với 43,2% thị phần nhập khẩu của Singapore đối với nhóm này.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore, trong 6 tháng đầu năm 2025, giá trị nhập khẩu thủy sản nói chung (HS03) từ Việt Nam của Singapore đạt 57,2 triệu SGD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2024, chiếm 10,2% tổng thị phần thủy sản nhập khẩu tại thị trường này. Như đã nêu, Việt Nam tạm thời giữ vị trí là nguồn cung thủy sản đứng thứ 3 tới Singapore chỉ sau Malaysia, Indonesia.

Hiện phi lê cá và thịt cá ướp lạnh/cấp đông (0304) là nhóm có giá trị nhập khẩu cao nhất trong số các nhóm thủy sản của Việt Nam vào thị trường Singapore, trong 6 tháng đầu năm 2025, đạt 29 triệu SGD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2024, chiếm 29,6% thị phần. Đây cũng là nhóm thủy sản nhập khẩu mà sản phẩm từ Việt Nam đang duy trì được vị trí thống lĩnh tại thị trường Singapore.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, ngoài phi lê cá và thịt cá ướp lạnh/cấp đông (0304), Việt Nam hiện chỉ có hai nhóm khác có giá trị nhập khẩu đáng kể vào thị trường Singapore là động vật giáp xác đã/chưa qua chế biến (0306) và động vật thân mềm đã/chưa qua chế biến (0307), đạt tương ứng 12,5 triệu SGD và 7,1 triệu SGD, chiếm lần lượt 9,4% và 12,4% thị phần. Với giá trị nhập khẩu vào Singapore khiêm tốn và còn dư địa, hai nhóm này hiện cũng đang ghi nhận tăng trưởng dương (13,3% và 172,1%) trong 6 tháng đầu năm 2025.

Theo ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore, trong thời gian tới, với việc quy mô thị trường thủy sản nhập khẩu tại Singapore được duy trì ổn định, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục giữ được thị phần cao đối với nhóm Phi lê cá và thịt cá ướp lạnh/cấp đông (0304). Tuy vậy, đối với các nhóm khác, đặc biệt là hai nhóm động vật giáp xác đã/chưa qua chế biến (0306) và động vật thân mềm đã/chưa qua chế biến (0307), ngoài chịu sự cạnh tranh từ thủy sản xuất xứ Malaysia và Indonesia, thủy sản Việt Nam cũng sẽ phải tiếp tục cạnh tranh với thủy sản từ một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore và ghi nhận của Thương vụ, những năm gần đây các hoạt động xúc tiến thương mại tại địa bàn Singapore đã có những kết quả tốt, thủy sản Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể tại thị trường Singapore. Năm 2024, Việt Nam vượt qua Nhật Bản liên tục duy trì vị trí đối tác lớn thứ 5 trong suốt 12 tháng. Sang quý I/2025, Việt Nam tiếp tục vươn lên vượt qua Trung Quốc và trở thành đối tác xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 vào Singapore. Và với kim ngạch ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã tạm thời vượt qua Na Uy để trở thành nguồn cung thủy sản lớn thứ ba cho Singapore, chỉ đứng sau Malaysia và Indonesia.

Để tiếp tục duy trì được thị phần tại địa bàn Singapore, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tuân thủ tốt các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, cải tiến công nghệ nhằm ổn định sản lượng, giảm giá thành sản phẩm, tăng sự hiện diện sản phẩm tại địa bàn, tăng cường quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, qua đó góp phần tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

 


Nguồn:Thương vụ Việt Nam tại Singapore Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website