Những nỗ lực triển khai Kinh tế xanh của Singapore
Singapore chính thức đưa ra Kế hoạch xanh Singapore từ tháng 2/2021 với 5 trụ cột: Thành phố trong Thiên nhiên, Tái quy hoạch năng lượng, Sống bền vững, Kinh tế xanh và Tương lai tự cường.
Trong Quý 3/2021, Singapore đã liên tục đưa ra các biện pháp để triển khai Kế hoạch này, đặc biệt là các biện pháp để triển khai Kinh tế xanh và giảm phát thải carbon.
Hiện nay, Singapore thải 52,5 triệu tấn khí nhà kính/năm, tức khoảng 0.1% lượng phát thải toàn cầu. Đến 2030, lượng phát thải đạt đỉnh là 65 triệu tấn; và dự kiến giảm xuống một nửa vào 2050 và tiến tới không phát thải khí carbon vào cuối thế kỷ. Singapore là quốc gia đầu tiên trên thế giới đặt mục tiêu giảm phát thải carbon cho bộ máy công vụ. Bộ máy công vụ được giao đi đầu trong việc đảm bảo tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải carbon và sử dụng năng lượng sạch. Ngành công vụ đặt mục tiêu sử dụng 1,5 GWP vào năm 2030, tức là khoảng 3/4 tổng sản lượng điện mặt trời của Singapore, nhờ vào việc phát triển, lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời ở các cơ quan, công sở.
Xe công vụ cũng được giao sử dụng hoàn toàn năng lượng sạch vào năm 2035. Giảm sử dụng các giao dịch bằng tiền mặt và chuyển đổi sang các hình thức thanh toán điện tử cũng là một phương pháp giúp giảm phát thải carbon. Ước tính riêng Cơ quan tiền tệ Singapore tạo ra khoảng hơn 8.000 tấn khí nhà kính trong 2020.
Để giảm lượng phát thải, Singapore đã chuẩn bị để “từ bỏ” vị thế là trung tâm dầu khí của thế giới với lộ trình cắt giảm sản lượng các nhà máy lọc dầu ở đây. Singapore cũng nhận thức được với sự cạnh tranh ngày càng lớn của Trung Quốc, Singapore sẽ dần mất đi vị thế đứng đầu về cung ứng nhiên liệu hàng hải. Vì vậy, Singapore đang rất nỗ lực và có điều kiện thuận lợi để vươn lên thành trung tâm năng lượng sạch của khu vực, trở thành nơi cung cấp LNG (và hydrogen) của khu vực Đông Nam Á. Singapore đã đầu tư rất lớn cho hạ tầng cảng và lưu trữ các nhiên liệu không phát thải carbon này. Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã lập nhiều chương trình tài trợ các dự án kinh tế xanh và các khoản vay phát triển bền vững. Ngoài ra, MAS còn lập quỹ quản lý với trị giá 2 tỷ đô la Mỹ để tài trợ các hoạt động tài chính xanh ngoài Singapore.
Một trong những định hướng chuyển đổi để khai thác mắt xích cao trong chuỗi giá trị “Kinh tế xanh” là nỗ lực biến Singapore thành trung tâm khu vực về buôn bán, trao đổi tín chỉ carbon; cung cấp các giải pháp tài chính xanh và các tư vấn dịch vụ môi trường, cung cấp giải pháp công nghệ ít phát thải, phát triển hạ tầng bền vững (chuyên môn về kỹ thuật và quản lý các hạ tầng hydrogen, LNG và các năng lượng tái tạo…). Với lợi thế hiện nay là nhà xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới với giá trị khoảng 23% thị trường toàn cầu và là nơi đóng trụ sở của hàng trăm công ty hóa dầu và buôn bán năng lượng, Singapore, việc thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon là rất thuận lợi.
Bộ Công Thương Singapore tại chất vấn Nghị viện kỳ họp cuối tháng 7 đã được yêu cầu phải rà soát lộ trình chuyển đổi cho lĩnh vực công nghiệp hàng hải và công nghiệp xa bờ, theo hướng chú trọng vào các nguồn năng lượng tái tạo xa bờ và các phương tiện vận tải hàng hải sử dụng hydrogen. Đến nay, Singapore vẫn ưu tiên LNG hơn hydrogen nhưng đã bắt tay vào nghiên cứu để loại bỏ những hạn chế công nghệ của hydrogen và chuẩn bị để trở thành trung tâm cung cấp hydrogen khu vực.
Để trở thành trung tâm cung cấp các giải pháp tài chính và đầu tư xanh, trong Quý 3, Singapore đã thành lập Văn phòng Chương trình trái khoán xanh trực thuộc Bộ Tài chính. Văn phòng có chức năng phát triển các chương trình trái khoán xanh và điều phối quan hệ đầu tư trong ngành. Cơ quan môi trường quốc gia Singapore là cơ quan nhà nước đầu tiên của Singapore phát hành 3 tỷ USD trái phiếu trung hạn xanh để đáp ứng nhu cầu tài chính cho các dự án hạ tầng như Tuas Nexus (dự án tích hợp nước và xử lý chất thải rắn).
Dự án này cũng cho phép sự tham gia đầu tư của các công ty tư nhân vào các dự án hạ tầng xanh. Văn phòng cũng có chức năng xây dựng năng lực nhằm đánh giá nguy cơ, xác định lỗ-lãi cho các dự án xanh. Cũng liên quan đến đầu tư xanh, trong tháng 9/2021, 6 định chế đầu tư đa quốc gia (EMEA, PGGM, PFF, Aviva, LGIM và Fidelity Int) đã cùng lập ra Nền tảng chuyển đổi châu Á (ATP) đặt tại Singapore với số vốn quản lý là 5,4 nghìn tỷ SGD. ATP nhằm khuyến khích các định chế tài chính khác cùng tham gia để thúc đẩy sự chuyển đổi năng lượng ở châu Á. ATP có mục tiêu hạn chế các hoạt động đầu tư tài chính vào các dự án sử dụng nhiều carbon và khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi theo các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Là nước đầu tiên ở châu Á áp dụng thuế carbon, trong thời gian tới, Singapore dự kiến sẽ nâng mức thuế carbon lên. Hiện nay, trong số những nước đã áp dụng thuế carbon, mức áp dụng tại Singapore là quá thấp, tương đương 3.75USD/tấn; trong khi ở các nước khác thương là 75USD. Nâng thuế carbon được cho là sẽ giúp các doanh nghiệp sớm tái cơ cấu kinh doanh, hướng tới năng lượng sạch và từ đó tăng năng lực cạnh tranh. Singapore sẽ nâng cấp thị trường tín chỉ carbon nội địa và mở rộng quy mô trao đổi.
Các doanh nghiệp Singapore và khu vực chưa thể giảm phát thải carbon buộc sẽ có nhu cầu mua tín chỉ carbon để bù đắp. Mới đây, Singapore đã thiết lập Thị trường trao đổi tín chỉ carbon CIX, là kết quả liên doanh giữa Temasek, DBS, Standard Charter, Sàn chứng khoán Singapore. Đây sẽ là sàn giao dịch điện tử để các bên mua bán có thể trao đổi tín chỉ carbon quy mô lớn, không chỉ giữa các doanh nghiệp sở tại mà cả các tập đoàn đa quốc gia và các định chế đầu tư. CIX dự kiến sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với các mô hình tương tự của Thụy Sĩ, Đức nhưng với lợi thế là trung tâm hàng hóa và tài chính của khu vực và thế giới, CIX sẽ có nhiều tiềm năng phát triển ở châu Á.
Đặc biệt, cùng với thành lập CIX, Singapore còn đang chuẩn bị thành lập Nhà kho khí hậu (Climate Warehouse) – một hạ tầng toàn cầu nhằm thúc đẩy sự minh bạch trong trao đỏi tín chỉ carbon. Singapore cũng lập Trung tâm đổi mới và thí nghiệm năng lượng đặt tại Đại học NTU để nghiên cứu các công nghệ mới liên quan đến lưu trữ năng lượng, năng lượng thay thế và sử dụng hydrogen làm năng lượng.