A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình kinh tế Singapore Quý 3/2021

Nhìn chung, do dịch bệnh chỉ bùng phát vào cuối Quý 3, nền kinh tế Singapore vẫn giữ được nhịp hồi phục tốt trong toàn Quý.

Tính đến ngày 30/9/2021, Singapore có tổng cộng trên 96.521 ca nhiễm, Kể từ giữa tháng 9/2021, dịch Covid bùng phát trở lại với số ca nhiễm hàng ngày giữ mức cao, liên tục trung bình 2000-3000 ca/ngày. Đến nay, 82% dân số Singapore đã tiêm đủ 2 mũi, 85% đã tiêm ít nhất một mũi. Singapore đã mở rộng độ tuổi tiêm chủng cho tất cả các nhóm tuổi từ 12 trở lên. Mặc dù Singapore không quay trở lại trạng thái đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế, tuy nhiên, những biện pháp thắt chặt áp dụng trở lại từ cuối tháng 9 đã “đóng sập” mọi hy vọng mở cửa lại hàng không và quay trở lại trạng thái bình thường ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Nhìn chung, do dịch bệnh chỉ bùng phát vào cuối Quý 3, nền kinh tế Singapore vẫn giữ được nhịp hồi phục tốt trong toàn Quý. Mặc dù không giữ được mức tăng trưởng kỷ lục như trong Quý 2, tăng trưởng Quý 3 vẫn đạt 6.5% so với cùng kỳ năm 2020. Tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế vẫn giữ mức tăng trưởng tốt dù chỉ bằng một nửa so với Quý 2. Xét tuyệt đối, GDP trong Quý 3 tăng 0.8% so với Quý 2. Xuất khẩu không dầu mỏ của Singapore tăng trưởng liên tục và giữ ở mức cao trong Quý 3, trung bình trên 17% so với cùng kỳ 2020.

Động lực của tăng trưởng Singapore trong Quý 3 vẫn là công nghiệp và xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp Quý 3 tiếp tục mức tăng trưởng dương, đánh dấu mức tăng sản lượng liên tục trong 10 tháng kể từ cuối 2020. Hầu hết các lĩnh vực mặt hàng đều có mức tăng trưởng tốt: y sinh, hóa chất, công nghệ giao tong, điện tử, cơ khí chính xác… Trong Quý 3, chỉ số PMI của Singapore vẫn giữ được mức trên 50 điểm, thể hiện triển vọng tích cực cho sản xuất công nghiệp cả về triển vọng các đơn hàng, tiêu thụ và giá cả. Đặc biệt chỉ số PMI trong lĩnh vực điện tử đã có sự tăng trưởng liên tục kể từ tháng 5, lên 51.2 điểm.

Tình hình việc làm của Singapore trong Quý 3 vẫn tiếp tục các xu hướng của Quý 2: sụt giảm trong các lĩnh vực hướng vào thị trường nội địa (ăn uống, bán lẻ, xây dựng); trừ các lĩnh vực y tế xã hội; gia tăng trong các lĩnh vực hướng vào xuất khẩu (công nghệ thông tin, dịch vụ nghề chuyên môn). Do sự bù trừ này, tỷ lệ thất nghiệp trong Quý 3 đã giảm xuống 2.7% (từ mức 2.9% trong Quý 2).

Thăm dò lòng tin kinh doanh cũng cho thấy mức độ lạc quan rất khác nhau giữa các ngành nghề, trong khi công nghiệp điện tử y sinh, bảo hiểm, viễn thông vẫn tiếp tục giữ mức lạc quan kinh doanh cao, các lĩnh vực khác như hàng không, tài chính, thương mại bán buôn có mức lạc quan vừa phải; thì lĩnh vực ăn uống, lưu trú, và hóa dầu tiếp tục thể hiện sự quan ngại.

Lạm phát toàn phần trong Quý 3 đã tăng từ 2.4 lên 2.5%. Mặc dù vậy, MAS dự kiến lạm phát cả năm 2021 trong khoảng 1-2%, tăng từ 0.5-1.5% so với dự báo trước đây (cân nhắc các yếu tố lạm phát bên ngoài như giá dầu tăng cáo hay tình trạng lạm phát ở các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc).

Lạm phát cơ bản cũng tăng từ 0.6% lên 1% trong Quý 3; đây là mức cao nhất kể từ 6/2019. Lạm phát trong Quý 3 tăng do các yếu tố: giá thực phẩm, giá nhà giá điện và gas tăng. Tuy nhiên, MAS giữ nguyên mức dự báo lạm phát cơ bản cả năm là từ 0-1% và theo các chuyên gia kinh tế, Singapore sẽ chỉ thắt chặt chính sách tiền tệ từ năm 2022.

Singapore kiên quyết nhưng thận trọng mở cửa dần nền kinh tế, đặc biệt là ngành hàng không. Hiện nay, số lượng khách chu chuyển qua sân bay Changi chỉ đạt 3% so với mức trước dịch. Số lượng khách sử dụng dịch vụ của Singapore Airlines đạt 4% so với 2019. Nếu tiếp tục đóng cửa, sẽ không chỉ tổn hại cho ngành hàng không mà còn cho vị thế của Singapore và toàn bộ nền kinh tế. Singapore liên tục đưa ra thông điệp cam kết tiếp tục ủng hộ mở cửa, lưu chuyển thương mại và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Đặc biệt, Singapore kêu gọi các nước hợp tác để đảm bảo thương mại quốc tế tránh đứt gẫy và sớm nối lại lưu chuyển con người, tránh đẩy tình trạng “co cụm tự cường” đi quá xa. Mở cửa biên giới quốc tế cần sớm thực hiện thông qua việc cùng xây dựng các tiêu chuẩn chung cho chứng chỉ vaccine số và nhận dạng số.

Singapore đã có nhiều biện pháp nhằm nới lỏng chu chuyển hàng không nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bản địa và doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, từ ngày 8/9/2021 chương trình Làn du lịch đã vacxin (VTL) cho phép hành khách đã tiêm đủ liều vacxin được đi đến Đức, Brunei và quay trở lại Singapore mà không phải thực hiện cách ly. Hành khách sau khi đã tiêm đủ liều vacxin sau 14 ngày kể từ ngày tiêm, các loại vacxin Pfizer-BioNTech/Comirnaty, Moderna hoặc các vacxin khác được WHO công nhận. Khi bay đến Singapore, hành khách phải đăng ký chuyến bay VTL, là các chuyến bay chỉ dành cho hành khách đã tiêm chủng đủ liều vacxin. Đến nay, Singapore đã mở cửa hàng không (VTL) với 10 nước (trong tháng 11, sẽ mở thêm với Hàn Quốc).

Quy định về bay quá cảnh và nối chuyến cũng được nới lỏng. Công dân của các nước đến từ những vùng dịch nặng (Nhóm 4) cũng có thể bay quá cảnh và nối chuyến qua Singapore trên những chuyến bay của Singapore Airlines. Quy định về cách ly cũng được nới lỏng cho nhiều nước thuộc Nhóm 2. Từ ngày 20/8, hành khách đã tiêm đủ liều vacxin, từ 8 quốc gia gồm: Úc, Áo, Canada, Đức, Ý, Na-uy, Hàn Quốc và Thụy Sỹ có thể đăng ký cách ly tại nơi cư trú của họ “nếu đáp ứng được một số yêu cầu”, như: đã tiêm đủ liều vacxin sau 14 ngày kể từ ngày tiêm, các loại vacxin Pfizer-BioNTech/Comirnaty, Moderna hoặc các vacxin khác được WHO công nhận (bao gồm cả Sinovac-Coronavc, Sinopharm and AstraZeneca); ở các quốc gia trên 21 ngày trước khi đến Sing; nơi ở đăng ký là riêng biệt, chỉ có các thành viên gia đình và tất cả đều đã tiêm vacxin và có cùng lịch sử đi lại; và một số điều kiện riêng khác. Thời gian cách ly cũng được giảm từ 10 ngày xuống 7 ngày cho các nước thuộc nhóm này. Dự kiến, các biện pháp này sẽ được mở rộng cho các nhóm nước khác sau thời gian áp dụng thử nghiệm.

Với mục tiêu tăng tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế, Singapore tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng khu công nghiệp. Bất chấp bối cảnh Covid, Singapore dự kiến sẽ đưa vào sử dụng thêm 1.7 triệu m2 diện tích công nghiệp vào cuối năm 2021. Trong giai đoạn 2022-2024, Singapore sẽ hoàn thiện thêm khoảng 3 triệu m2 diện tích công nghiệp. Tính đến nay, Singapore có khoảng trên 50 triệu m2 hạ tầng khu công nghiệp. Giá thuê đất hạ tầng tăng 0.3% so với 2020 và giá mua đất tăng 1.6%. Mức độ bao phủ khu công nghiệp cũng tăng 0.7% so với 2020 và đạt mức 90.1% hiện nay. Giá thuê văn phòng tại Singapore cũng có xu hướng tăng trong 2021 so với các quý trước (khoảng 1.3%)

Để giữ vững vị trí là trung tâm thương mại hàng hải, Singapore dự kiến đẩy nhanh và đưa vào sử dụng hai bến cảng đầu tiên trong dự án siêu cảng Tuas vào cuối 2021. Singapore cũng thúc đẩy nhiều dáng kiến như Digital-Oceans, một dự án số nhằm  xây dựng những tiêu chuẩn chung về trao đổi dữ liệu xuyên biên giới, giúp giảm phát thải carbon nhờ giảm thời gian đợi cập cảng. Ngoài ra, trong lĩnh vực hàng hải, Singapore tiếp tục nhiều chính sách hỗ trợ về các giải pháp chuyển đổi số, đổi mới công nghệ an toàn, giảm phát thải carbon để nâng cao năng lực ngành. Singapore vừa đầu tư hơn 200 triệu SGD vào hạ tầng số phục vụ công nghiệp vận tải hàng hải nhằm tối ưu hóa quy trình, giảm tắc nghẽn ở kho bãi. Hạ tầng này giúp các doanh nghiệp trao đổi và có thông tin ngay lập tức về vị trí thực của hàng hóa vận chuyển. Trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng sẽ được sử dụng để phát triển hạ tầng số này. Với tên gọi Singapore Trade Data Exchange, hạ tầng số này sẽ giúp khơi thông chuỗi cung ứng, hoàn thiện các dịch vụ hỗ trợ thương mại. SGTradex dự kiến đi vào hoạt động vào đầu năm 2022.

Do nhận thức được cơ hội từ những đứt gẫy do Covid gây ra, Singapore đang đầu tư mạnh để trở thành trung tâm đổi mới công nghệ và phân tích số liệu nằm ngoài thung lũng Silicon. Bên cạnh đó, cạnh tranh Mỹ-Trung cũng thúc đẩy Singapore dựa vào kết nối số hóa để tham gia vào định hình chuỗi cung cầu toàn cầu mới. Hiện nay, lĩnh vực số được cho là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Singapore trong thập kỷ tiếp theo (năm 2020, khi nền kinh tế suy thoái 5.4%, ngành công nghệ thông tin vẫn tăng trưởng 4.8%).

Với việc đầu tư mạnh để xây dựng hai mạng băng thông cao tốc 5G, Singapore thúc đẩy năng lực kết nối và sáng tạo của mình để trở thành trung tâm giao thương không giới hạn của mọi lĩnh vực mặt hàng và dịch vụ nhằm làm giảm bớt những bất lợi về quy mô của mình.

Singapore chú trọng thu hút các nhà đầu tư sản xuất bán dẫn và các sản phẩm công nghệ cao như robots, điện thoại thông minh, xe điện. Singapore đặt mục tiêu trở thành trụ sở bên ngoài Hoa Kỳ và EU của các tập đoàn công nghệ cao, vì vậy bất chấp các ý kiến trái chiều, Singapore vẫn duy trì chính sách thu hút nhập cư nhân lực chất lượng cao. Trong Quý 3, Singapore đã khánh thành giai đoạn 1 của Dự án Trung tâm số hóa Punggol. Dự án nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là các doanh nghiệp blockchain và phân tích dữ liệu; trên cơ sở kết nối doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, đào tạo như một phòng lab diện rộng, cho phép thử nghiệm đồng thời các giải pháp số trong thực tế.

Singapore cũng vừa công bố sẽ mở Viện đào tạo Cà phê ASEAN vào cuối 2021. Viện được thành lập nhằm đào tạo các người pha cà phê chuyên nghiệp nhằm tạo ra tiêu chuẩn chung ASEAN về định loại cà phê. Viện đào tạo sẽ giúp nâng cao năng lực và mở rộng quy mô ngành cà phê trong khu vực (rang xay, đóng gói, cấp chứng chỉ…). Đây cũng là nỗ lực để biến Singapore thành trung tâm thương mại khu vực về cà phê và nâng giá trị ngành cà phê của Singapore lên gấp đôi trong vài năm tới (hiện là 270 triệu). Singapore cũng có tham vọng biến ASEAN thành trung tâm quyền lực tối cao về cà phê chứ không chỉ là nơi sản xuất cà phê lớn nhất.


Nguồn:Thương vụ Việt Nam tại Singapore Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website