A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sắp diễn ra Hội nghị giao thương trực tuyến thực phẩm Việt Nam – Châu Phi 2022

Nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng thực phẩm của Việt Nam tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh và xuất khẩu thực phẩm sang thị trường các nước Châu Phi, trong hai ngày 14 và 15/6/2022, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại Châu Phi (Thương vụ Việt Nam tại Algeria (kiêm nhiệm Mali, Senegal, Niger, Zambia, Tunisia), Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi (kiêm nhiệm Namibia, Zimbabwe, Botswana, Lesotho, Swaziland, Mozambique) và Thương vụ Việt Nam tại Nigeria (kiêm nhiệm Ghana, Cameroon, Togo, Chad, Sierra Leone và Liberia)) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến thực phẩm Việt Nam – Châu Phi 2022.

Hội nghị sẽ bao gồm Phiên toàn thể và các Phiên giao thương doanh nghiệp. Tại phiên toàn thể, đại diện một số Thương vụ Việt Nam tại các nước Châu Phi sẽ giới thiệu về tiềm năng, nhu cầu và cơ hội đối với các loại thực phẩm, cá và thuỷ hải sản khác của Việt Nam tại thị trường Châu Phi.

Sau phiên toàn thể sẽ diễn ra các Phiên giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp từ các nước Châu Phi. Đây chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam giới thiệu, quảng bá về doanh nghiệp và sản phẩm, phát triển thêm các mối khách hàng tiềm năng từ thị trường Châu Phi. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng là dịp để doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm tìm hiểu kỹ về yêu cầu thị trường, hàng rào kỹ thuật của các nước khu vực Châu Phi.

Thời gian qua, thông qua hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại với khu vực thị trường Châu Phi cho thấy, đa phần các nước Châu Phi đánh giá cao và tin tưởng vào chất lượng nhiều mặt hàng thực phẩm Việt Nam. Thị trường Châu Phi cũng có nhu cầu nhập khẩu đa dạng các loại thực phẩm phục vụ số dân đang tăng nhanh và có thu nhập ngày càng cải thiện, đồng thời bù đắp những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất do dịch Covid-19. Đặc biệt, những quốc gia nằm sâu trong lục địa Châu Phi chịu ảnh hưởng của khí hậu sa mạc ở Tây và Trung Phi rất khó khăn về trồng trọt, sản xuất lương thực, thực phẩm nên nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Như vậy, còn nhiều dư địa phát triển xuất khẩu cho nhóm hàng thực phẩm của Việt Nam sang thị trường Châu Phi, nhất là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng lớn, sản xuất nội khối của Châu Phi chưa đủ đáp ứng như sản phẩm chế biến từ cà phê, hạt tiêu, gạo…

Tuy nhiên, để xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm, sang Châu Phi, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn như vấn đề vận chuyển và bảo quản hàng phù hợp để di chuyển qua chặng đường xa, nhiều thủ tục, luật lệ trong thương mại của hầu hết các quốc gia Châu Phi còn chưa phát triển như các thị trường ở Châu Âu, Châu Mỹ. Do đó, doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, tìm ra những mặt hàng không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu thị trường mà còn giải quyết được các bài toán liên quan đến các khâu logistics cho hàng thực phẩm.

Trong chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường hợp tác với Châu Phi trên hầu hết tất cả các phương diện. Với các hoạt động hợp tác thuộc “Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Châu Phi giai đoạn 2004-2010”; “Đề án thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Đông giai đoạn 2008-2015” và “Đề án Phát triển quan hệ giữa Việt Nam - Châu Phi và các nước Trung Đông - Châu Phi giai đoạn 2016-2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10/2016, quan hệ Việt Nam - Châu Phi đã không ngừng được củng cố và tăng cường, thu được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ.

Trong năm 2020, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Phi đã bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến cho kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh.

Tuy nhiên, năm 2021, sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam đã dần phục hồi, nối lại các hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Châu Phi, giúp kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Châu Phi đạt 2,24 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2020. 

5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Phi đạt 1,15 tỷ USD, giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia, hiện nay, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Châu Phi là gạo (chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Phi). Vấn đề an ninh lương thực vốn được các nước Châu Phi quan tâm, và càng được quan tâm hơn trong bối cảnh đại dịch Covid 19 đang hoành hành. Trong khi đó, sản xuất gạo của các nước Châu Phi chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của khu vực này. Do đó, gạo Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước Châu Phi, đặc biệt là Bờ Biển Ngà, Ghana, Mozambique.

Bên cạnh gạo, Châu Phi cũng có nhu cầu lớn về mặt hàng cà phê và hạt tiêu. Hàng năm, Châu Phi dành khoảng 750 triệu USD để nhập khẩu cà phê. Trong đó, Việt Nam là 1 trong 5 thị trường cung ứng chính.  Ngoài xuất khẩu thô, một số thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam như Trung Nguyên, King Coffee cũng được quan tâm tại khu vực này.

Dù có nhu cầu lớn, nhưng theo các chuyên gia, khi làm ăn tại thị trường Châu Phi, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ tập quán kinh doanh của thị trường cũng như các quy định pháp lý để tránh rủi ro.

Tình trạng lừa đảo ở các nước Châu Phi khá phổ biến như thông qua hình thức đấu thầu, đối tượng dễ đồng ý mua hàng Việt Nam với giá cao, đề nghị Việt Nam gửi tiền để lo thủ tục. Hoặc đối tượng chào bán hàng cho doanh nghiệp Việt Nam với giá thấp, yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam đặt cọc… Sau khi nhận được tiền từ doanh nghiệp Việt Nam, đối tượng sẽ đóng website và bỏ trốn.

Ngoài hiện tượng lừa đảo, tại Châu Phi, hàng Việt Nam còn phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nhiều nước Châu Á khác như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…

Hội nghị giao thương trực tuyến thực phẩm Việt Nam - Châu Phi 2022 sẽ tổ chức vào 15h00 ngày 14/6/2022 

Địa điểm: 

+ Trực tiếp tại Phòng họp tầng 2, 20 Lý Thường Kiệt, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

+ Trực tuyến trên Zoom: 

https://us02web.zoom.us/j/87128658189?pwd=L1QvSXBqcXc0czZvUzRQdFdHcytEUT09 Webinar ID: 871 2865 8189 Passcode: 226


Nguồn:Cục Xúc tiến thương mại Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website