Trợ lực cho các địa phương, gia tăng hiệu quả thực thi FTA
Thời gian qua, việc tham gia nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA,… đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng và đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, mang lại những tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên cả nước, nhất là thúc đẩy tăng trưởng giá trị thương mại. Tuy nhiên, công tác triển khai thực thi FTA tại các địa phương thời gian qua còn nhiều tồn tại và khó khăn. Mức độ quan tâm tới triển khai các FTA của mỗi địa phương vẫn chưa đủ và chưa đồng đều.
Các địa phương nỗ lực triển khai FTA
Các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA là các FTA mà Chính phủ có kế hoạch thực thi và giao cho các bộ, ngành, các địa phương thực thi. Kế hoạch thực thi tập trung vào 05 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp về tuyên truyền; nhóm giải pháp về pháp luật; nhóm giải pháp về hỗ trợ; nhóm giải pháp liên quan đến phát triển bền vững và nhóm giải pháp liên quan đến các vấn đề về xã hội.
Tại Tọa đàm "Trợ lực cho các địa phương, gia tăng hiệu quả thực thi FTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 31/10, ông Ngô Chung Khanh - cho biết, trong báo cáo gần đây gửi Chính phủ dựa trên báo cáo tổng hợp của các địa phương, về cơ bản tất cả các địa phương đều cố gắng triển khai đủ 5 nhóm giải pháp nhưng kết quả thực hiện không đồng đều.
"Có địa phương tích cực ở nhóm tuyên truyền; có địa phương tích cực ở nhóm hỗ trợ, có địa phương tích cực liên quan đến vấn đề về phát triển bền vững..."- ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh và dẫn chứng về các hoạt động của địa phương trong việc kết nối giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp Việt Nam, kết nối doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu, như Hà Nội đã có kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với Italia; Đà Nẵng thực hiện kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với thị trường Hà Lan ở TP. Hồ Chí Minh. Hoạt động này đã thể hiện kết quả chung trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Đồng tình với các ý kiến, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cũng cho rằng, trong thời gian qua, các địa phương đã có những hoạt động, kế hoạch để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do, trong đó tập trung vào các FTA thế hệ mới. Đó là các địa phương đều ban hành các kế hoạch hành động để thực hiện các FTA này; phối hợp với các bộ, ngành, các chuyên gia và các hiệp hội doanh nghiệp cung cấp những thông tin trực diện liên quan đến doanh nghiệp trên địa bàn; tập trung vào cơ hội, thách thức, khả năng tận dụng các hiệp định thương mại tự do; thông tin bên lề liên quan đến những xu hướng mới mà các FTA gần đây trong quá trình thực hiện có thể ảnh hưởng... Đặc biệt là những nỗ lực của các địa phương trong thực hiện các hoạt động kết nối doanh nghiệp bao gồm cả hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và kể cả doanh nghiệp trên địa bàn với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương (Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam) cũng thông tin, tại nhiều tỉnh, thành phố, việc kết nối các doanh nghiệp lớn, hỗ trợ doanh nghiệp ngành điện tử đào tạo nâng cao tay nghề, nâng cấp nhà máy thông minh, quy trình hoạt động được triển khai rất thường xuyên. Nhờ vậy, cộng đồng doanh nghiệp ngành điện tử đã đạt kết quả sản xuất, kinh doanh rất ấn tượng, dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Năm 2022, ngành điện tử đạt giá trị xuất khẩu 114 tỷ USD, xuất siêu 11,24 tỷ USD.
Trong khi đó, ở góc độ địa phương, bà Tô Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình - cũng chia sẻ, ngay khi FTA được ký kết và có hiệu lực, Sở Công Thương Thái Bình đã kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện FTA mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Trong đó Sở Công Thương đã tập trung vào công tác tuyên truyền, đặc biệt đã phối hợp với các đơn vị Cục, Vụ của Bộ Công Thương tổ chức một số hội nghị tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nắm được những thông tin cũng như những quy định của các hiệp định.
Bên cạnh đó, Sở tổ chức với nhiều hình thức khác nhau như biên soạn sổ tay, cẩm nang hoặc phối hợp với các cơ quan truyền thông để xây dựng các chuyên đề, chuyên mục về hội nhập kinh tế, về các FTA để người dân và doanh nghiệp cùng nắm được.
Đặc biệt trong những năm gần đây, Sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin được chuyển đổi số vào các hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao năng lực cũng như quy mô sản xuất đối với một số mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực của tỉnh.
Cùng với đó là công tác cải cách thủ tục hành chính và đặc biệt là Sở Công Thương Thái Bình được Bộ Công Thương thành lập Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Thái Bình để thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và một số doanh nghiệp xung quanh.
"Công tác tuyên truyền về các FTA đã góp phần không nhỏ vào nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh và cũng góp phần vào thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của tỉnh Thái Bình trong thời gian vừa qua"- bà Tô Thị Hương Lan nhấn mạnh.
Sẽ xây dựng các khóa đào tạo chuyên gia về FTA
Mặc dù các địa phương đã có những nỗ lực trong việc triển khai các FTA, song theo ông Nguyễn Anh Dương còn có những khác biệt giữa các địa phương với nhau trong khai thác FTA. Chẳng hạn như Cần Thơ rất tích cực mời các chuyên gia để để tham gia trình bày cho cộng đồng doanh nghiệp và cũng như mời các chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trong những vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải khi thực thi các FTA. Tuy nhiên, có các địa phương khác thì sự quan tâm đối với các FTA thế hệ mới dường như không đều.
“Tôi đã từng đến một số địa phương và khi hỏi về những hiệp định như CPTPP và EVFTA thì doanh nghiệp cũng nói thật, sự quan tâm của họ là tháo gỡ được những khó khăn trước mắt, còn đối với họ thì những hiệp định EVFTA hay CPTPP vẫn được các chuyên gia nói là có vẻ như tiêu chuẩn rất cao và vẫn là một thứ gì đó rất xa vời. Bởi vì bản thân một số doanh nghiệp còn chưa quan tâm đúng mức thì rõ ràng việc thực thi ở địa phương cũng có phần bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn đang tập trung nhiều vào phần thông tin tuyên truyền những nội dung chính trong Hiệp định”- ông Nguyễn Anh Dương nói.
Thẳng thắn nhìn nhận công tác tuyên truyền mặc dù nhiều song hiệu quả chưa cao, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, chúng ta có nhiều hội nghị chung chung quá, những hội nghị mà những buổi hội thảo hay tọa đàm chuyên đề đi sâu vào các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm, đi sâu vào vấn đề mới thì chúng ta chưa có nhiều.
"Thực tế chúng ta thấy rằng nhiều hội nghị, hội thảo không có đại diện của lãnh đạo doanh nghiệp đến. Đây cũng là một điểm cần nhìn lại, doanh nghiệp có thể chưa thực sự quan tâm. Tuy nhiên, từ góc độ cơ quan tổ chức còn cần chú ý nhiều hơn đến vấn đề chất lượng của tuyên truyền"- ông Khanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Khanh, hiện nay, số lượng cán bộ trực tiếp triển khai thực hiện nhiệm vụ thực thi FTA ở tỉnh thành còn rất hạn chế; chuyên môn về các FTA hay hướng dẫn doanh nghiệp còn chưa được như nhu cầu; chưa có một chương trình hỗ trợ cụ thể từ phía các địa phương. Hay việc chú ý tập trung của tất cả các tỉnh thành trong việc tối ưu hóa các FTA cũng là một điểm mà chúng ta cần cố gắng.
"Theo thống kê, tỷ trọng của các thị trường FTA thế hệ mới như là EU, Canada, Mexico hay là Vương quốc Anh trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh còn khiêm tốn. Có những tỉnh tổng kết chưa đến 10%, còn có những tỉnh nhiều hơn khoảng 20%, nhưng tính trung bình, kể cả cấp độ quốc gia đối với EU thì khoảng 20%, còn đối Canada, Mexico trung bình thì 1,4% - 1,5%, Vương quốc Anh là 1,35%. Trong khi đó, tiềm năng khai thác các thị trường này còn rất lớn"- ông Khanh chia sẻ.
Thông tin thêm về việc triển khai thực thi các FTA, ông Ngô Chung Khanh cho biết, hiện nay, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đồng ý giao Bộ Công Thương xây dựng Kế hoạch tuyên truyền tổng thể, lấy ý kiến các bộ, ngành, phối hợp với các địa phương để định vị được thời gian tới chúng ta sẽ tuyên truyền những gì và các bộ, ngành, các địa phương sẽ cùng phối hợp với nhau để không bị chồng chéo, đi sâu vào những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm.
Ngoài ra, đơn vị đã đề xuất xây dựng kết nối hệ sinh thái để làm sao cho các tỉnh chia sẻ với nhau, sẽ xây dựng các khóa đào tạo chuyên gia về FTA. Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ, các bộ, ngành có liên quan để đào tạo các chuyên gia về FTA không chỉ cho cơ quan, địa phương mà kể cả các doanh nghiệp, các hiệp hội. Tiến tới cũng xây dựng các chương trình đào tạo với các trường đại học để tạo nguồn cho các doanh nghiệp, cho cơ quan quản lý.
Ông Khanh cũng cho hay, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng và công bố Bộ chỉ số FTA Index. Dự kiến cuối năm nay, FTA Index có thể được công bố... “Chúng tôi hy vọng rằng với tư duy tương tự như chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) thì FTA Index giúp cho các tỉnh quan tâm hơn, chú ý trọng nhiều hơn đến việc tận dụng hiệu quả các FTA”- ông Ngô Chung Khanh nói.