A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội, thách thức đối với chuỗi cung ứng xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh thực thi các FTA thế hệ mới

Các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA được coi là các FTA thế hệ mới, phù hợp xu thế phát triển của thương mại hiện đại. Tính chất “mới” của các hiệp định này bao gồm mức độ tự do hóa cao cho thương mại và đầu tư cùng các quy tắc thương mại tiên tiến, các cam kết phi truyền thống.

Phát biểu tại hội thảo “Cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp và chuỗi cung ứng xuất khẩu của Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các Hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra các cơ hội thương mại tiềm năng với các nền kinh tế phát triển mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình cải cách thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp lý và thực thi về thương mại và đầu tư của nước ta. Đồng thời, các FTA được thực thi cho phép hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi tiếp cận thị trường ở trên 50 quốc gia, bao gồm hầu hết các đối tác thương mại lớn nhất, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.

FTA thế hệ mới trợ lực để Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng sau đại

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTAs), trong đó có 04 hiệp định chứa đựng cam kết lao động và được xếp vào loại “thế hệ mới”, bao gồm Hiệp định với Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do với Liên hiệp Vương quốc Anh (UKVFTA).

Dù đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam song theo ông Đặng Đức Anh, các FTAs thế hệ mới đặc biệt coi trọng mục tiêu phát triển bền vững cũng như lao động.

Điều này thể hiện ở các quy định không thuộc phạm trù thương mại (môi trường, lao động...) nhưng sẽ bị ràng buộc thực hiện. Đơn cử, CPTPP và EVFTA không đặt ra những yêu cầu mới so với các tiêu chuẩn quốc tế chung về lao động và môi trường. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tham gia các điều ước quốc tế cụ thể đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi trong lĩnh vực này.

Ở trong nước, để thực thi các cam kết phi truyền thống, cụ thể trong lĩnh vực lao động, Việt Nam đã và đang tiến hành nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế và từng bước triển khai trên thực tế.

Tuy không đặt ra những yêu cầu mới so với các tiêu chuẩn quốc tế chung về lao động và môi trường nhưng theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM), các quy định này vẫn sẽ tạo áp lực tuân thủ lên các doanh nghiệp Việt Nam.

Việc tăng cường thực thi các cam kết phát triển bền vững thông qua Luật thẩm định trách nhiệm chuỗi cung ứng, đòi hỏi doanh nghiệp tại nước họ có trách nhiệm truy soát chuỗi cung ứng. Để có thể tiếp cận các thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ phải chứng minh tuân thủ những tiêu chuẩn phát triển bền vững, trong đó có các tiêu chuẩn lao động quốc tế, bà Thảo nhấn mạnh.

Để khai thác hiệu quả các FTA và nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Minh Thảo đề xuất, đối với doanh nghiệp cần nâng cao mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin; có kế hoạch và sự chuẩn bị bài bản (bao gồm cả việc thực hiện các yêu cầu về lao động) để tận dụng cơ hội thị trường; đảm bảo tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của EU, của các nước trong CPTPP, Hoa Kỳ,... đồng thời, kết nối doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác, chuyên môn hóa, tạo chuỗi liên kết sản xuất, xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…

Bà Thảo cũng cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần cải cách thể chế theo thông lệ quốc tế; nội luật hóa các cam kết và triển khai thực thi hiệu quả; trong đó có cam kết về lao động. Cùng với đó, cần cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng đảm bảo quyền tự do kinh doanh, an toàn kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, khuyến khích sáng tạo; qua đó nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong nước và tạo đột phá trong thu hút FDI có chất lượng từ các nước thành viên tham gia FTA; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp thực thi các điều kiện theo cam kết và giảm chi phí tuân thủ các hàng rào thương mại.
Các bộ, ngàng lập danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của thị trường các nước thành viên trong FTAs. Hướng dẫn và quản lý hiệu quả quy tắc xuất xứ; cập nhật, chia sẻ thông tin và kết nối thị trường cho doanh nghiệp trong nước.

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng vai trò của truyền thông tuyên truyền, phổ biến các FTA (các cam kết, cơ hội, thách thức...), cập nhật các quy định mới của các nước thành viên đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp nắm bắt, triển khai và nâng cao vị thế trong thương mại quốc tế.


Tác giả: Ngọc Hân

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website