A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với kinh tế và thương mại Việt Nam

Nhằm phổ biến kết quả nghiên cứu và giới thiệu Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, được phê duyệt theo quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10 tháng 4 năm 2012 Dự án EU-Việt Nam MUTRAP III tổ chức Hội thảo “Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với kinh tế, thương mại Việt Nam. Khuyến nghị chính sách thực hiện Chiến lược Xuất –Nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030”.

Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên chủ trì. Tham gia Hội thảo gồm gần 200 đại biểu từ các cơ quan, Bộ ngành, các Viện nghiên cứu và trường Đại học, hiệp hội doanh nghiệp, đại diện các đại sứ quán, một số tổ chức nước ngoài tại Hà Nội, và đông đảo các phóng viên báo đài trung ương và Hà Nội.

Mở cửa và hội nhập kinh tế đã đặt nền kinh tế Việt Nam trước những cơ hội và thách thức lớn lao. Cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam trao đổi thương mại với các thị trường hấp dẫn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, v.v.. Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế, nhất là kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO và tham gia mạnh mẽ hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA), còn làm bộc lộ rõ hơn những yếu kém nội tại của nền kinh tế Việt Nam. Tình hình hiện nay đang đòi hỏi phải có một chiến lược xuất nhập khẩu hiệu quả nhằm thực sự góp phần cải thiện hiệu quả phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả như đã đề ra trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.

Trong khuôn khổ hoạt động của Dự án EU-Việt Nam MUTRAP III, nhóm chuyên gia gồm ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại và các cán bộ cao cấp, các chuyên gia kinh tế ở các viện nghiên cứu chuyên ngành của Việt Nam đã nghiên cứu “Tác động của mở cửa thị trường trong WTO và các Hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA) đến hoạt động sản xuất, thương mại của Việt Nam và các biện pháp hoàn thiện cơ chế điều hành xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2015”.

Nghiên cứu tập trung vào các cam kết mở cửa thị trường Việt Nam, đánh giá tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với tăng trưởng, đầu tư và đặc biệt là thương mại trong 10 năm gần đây, đồng thời tập trung phân tích tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa. Trên cơ sở đó, cùng với việc dự báo bối cảnh trong những năm tới, báo cáo đề xuất, đưa ra những kiến nghị chính sách, cơ chế quản lý xuất nhập khẩu Việt Nam cần xem xét và thực thi nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, hạn chế nhập siêu giai đoạn 2011-2015, mục tiêu đến 2020.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng các kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia đã đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.

Tại Hội thảo, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (trưởng nhóm nghiên cứu) đã trình bày tóm tắt các kết quả nghiên cứu về những cam kết mở cửa thị trường trong WTO và các hiệp định thương mại tự do, diễn biến tác động của hội nhập đến nền kinh tế và hoạt động thương mại của Việt Nam và một số khuyến nghị chính sách phát triển xuất khẩu, hạn chế nhập siêu giai đoạn 2011-2015, mục tiêu đến năm 2020. Các tác động được phân tích thông qua chính sách đầu tư, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách thương mại. Về tác động đối với tăng trưởng kinh tế, ông cho biết tốc độ tăng trưởng hàng năm của nền kinh tế nước ta tăng dần kể từ năm 2001 cho đến năm 2005 và đạt ở mức cao, trên 8%, cho đến năm 2007. Đáng lưu ý, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, dòng vốn nước ngoài đổ vào nền kinh tế mạnh mẽ và đã có những tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ngay sau đó tác động tiêu cực lên nền kinh tế và làm cho tốc độ tăng trưởng suy giảm mạnh.

Về sự tăng trưởng xuất khẩu, ông Tuyển chỉ ra hai nhân tố quan trọng là: tăng trưởng thương mại toàn cầu và tự do hóa/cải thiện khả năng cạnh tranh. Khác với xuất khẩu, nhập khẩu dường như có những diễn biến tăng trưởng nhanh hơn hẳn sau khi nước ta gia nhập WTO. Ông Tuyển phân tích, nhập khẩu tăng trước hết là do đầu tư tăng. Bên cạnh đó, nhập khẩu hàng tiêu dùng “tăng mạnh” là do thu nhập tăng cộng với hiệu ứng thu nhập từ tài sản tăng cùng việc cắt giảm thuế quan đối với một số mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đã trình bày về tác động của hội nhập kinh tế đến cân đối vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và hoạt động thương mại. Ông cho biết, khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, vấn đề các doanh nghiệp khối ASEAN quan tâm là: thuận lợi hóa thương mại, thuận lợi hóa đầu tư và hài hóa tiêu chuẩn. Theo TS. Thành, năm 2012, Việt Nam khó đạt được giá trị xuất khẩu 100 tỷ USD vì nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm, giá nhiều hàng hóa xuất khẩu giảm và doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn.

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đã có tham luận đánh giá thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2001-2010. Theo báo cáo, một trong những thành tựu đạt được của chiến lược 10 năm này là tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vượt so với mục tiêu chiến lược 2001-2010; đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, chủ thể tham gia xuất khẩu và thị trường xuất khẩu; v.v.. Đồng thời ông Chinh cũng nêu ra nhưng yếu kém, hạn chế trong chiến lược 2001-2010, đã được rút kinh nghiệm xây dựng chiến lược cho 10 năm tiếp theo.

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của các đại biểu. Phần thảo luận của Hội thảo đã diễn ra sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến góp ý xây dựng chương trình hành động cho Bản chiến lược quan trọng của Chính phủ.

 


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website