A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường chè thế giới dưới tác động bởi đại dịch Covid-19

Thị phần chè của Việt Nam giảm trong tổng lượng nhập khẩu chè của thị trường Đài Loan. Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, lượng và trị giá xuất khẩu chè giảm mạnh trong tháng 8/2021.

Xuất khẩu chè của Kê-ni-a trong nửa đầu năm 2021 đạt 296,7 nghìn tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020, bất chấp tình hình thời tiết bất lợi. Trong 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè của Trung Quốc đạt 194,16 nghìn tấn, trị giá 120,48 triệu USD, giảm 5,5% về lượng và tăng 0,05% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần chè của Việt Nam giảm trong tổng lượng nhập khẩu chè của thị trường Đài Loan. Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, lượng và trị giá xuất khẩu chè giảm mạnh trong tháng 8/2021.

Kê-ni-a: Theo Ủy ban chè Kê-ni-a, xuất khẩu chè của Kê-ni-a trong nửa đầu năm 2021 đạt 296,7 nghìn tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020, bất chấp tình hình thời tiết bất lợi. Sản lượng chè của Kê-ni-a trong nửa đầu năm 2021 đạt 274,1 nghìn tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2020. Do thời tiết bất lợi từ đầu năm đến nay, hiện tại nhiệt độ lạnh hơn và thời kỳ khô hạn đã tới, vì vậy trong những tháng cuối năm 2021 sản lượng sản xuất dự kiến giảm. Tính riêng trong tháng 6/2021, xuất khẩu chè của Kê-ni-a đạt 15,2 nghìn tấn, giảm 11% so với tháng 5/2021.

Trong tháng, Kê-ni-a xuất khẩu chè tới 43 thị trường, giảm 8 thị trường so với tháng 5/2021. Kê-ni-a xuất khẩu chè nhiều nhất tới thị trường Pa-ki-xtan; tiếp theo là Ai Cập, Anh, Xu-đăng, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất.

Trung Quốc: Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong tháng 7/2021 Trung Quốc xuất khẩu chè đạt 29,36 nghìn tấn, trị giá 217,91 triệu USD, giảm 1,3% về lượng và tăng 3,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè của Trung Quốc đạt 194,16 nghìn tấn, trị giá 120,48 triệu USD, giảm 5,5% về lượng và tăng 0,05% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 7/2021 đạt 7,42 USD/kg, tăng 5,04% so với tháng 7/2020.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, giá chè xuất khẩu bình quân đạt 6,21 USD/kg, tăng 5,92% so với cùng kỳ năm 2020. Chè xanh là chủng loại xuất khẩu chính trong 7 tháng đầu năm 2021, đạt 163,3 nghìn tấn, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 84,1% tổng lượng chè xuất khẩu. Tiếp theo là chủng loại chè đen xuất khẩu đạt 15,7 nghìn tấn, giảm 4,4%, chiếm 8,1%; chè ô long đạt 10,4 nghìn tấn, giảm 4,1%, chiếm 5,4%; chè hương vị đạt 3,02 nghìn tấn, giảm 16,2%, chiếm 1,6%; chè Phổ nhĩ được làm từ lá của cây chè Shan tuyết cổ thụ đạt 1,42 nghìn tấn, giảm 21,6%, chiếm 0,7%.

Tình hình xuất khẩu chè của Việt Nam 

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 8/2021 đạt 10,3 nghìn tấn, trị giá 17,4 triệu USD, giảm 22,2% về lượng và giảm 20,2% về trị giá so với tháng 8/2020. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè đạt 79,9 nghìn tấn, trị giá 133 triệu USD, giảm 5,6% về lượng và giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 8/2021 đạt 1.685,9 USD/tấn, tăng 2,5% so với tháng 8/2020. 

Trong 8 tháng đầu năm 2021, giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.664 USD/tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến thời điểm này kinh tế toàn cầu đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng nặng nề nhất và đang nỗ lực duy trì đà hồi phục nhờ việc đẩy mạnh tiến trình tiêm chủng vắc xin. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến nhiều nhà máy chế biến chè phải tạm dừng sản xuất, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu. Do đó, lượng và trị giá xuất khẩu chè trong tháng 8/2021 giảm mạnh. Triển vọng xuất khẩu chè trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.

Đáng chú ý, trong tháng 8/2021 lượng và trị giá xuất khẩu chè sang các thị trường chính như Pa-ki-xtan, thị trường Đài Loan, Nga và Trung Quốc đều giảm mạnh. Trong khi đó, lượng và trị giá xuất khẩu chè sang các thị trường: I-rắc, Hoa Kỳ, In-đô-nê-xi-a, Ả rập xê út, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Đức tăng trưởng rất mạnh. Trong đó, xuất khẩu tới thị trường I-rắc đạt 599 tấn, trị giá 918,6 nghìn USD, tăng 106,6% về lượng và tăng 98,9% về trị giá; tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ đạt 509 tấn, trị giá 696,2 nghìn USD, tăng 76,1% về lượng và tăng 86% về trị giá… Tuy nhiên, lượng xuất khẩu chè sang các thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nên không bù đắp được mức giảm mạnh từ các thị trường xuất khẩu chè chính của Việt Nam. 

Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, lượng và trị giá xuất khẩu chè sang thị trường Pa-ki-xtan và thị trường Đài Loan vẫn tăng khá. Trong đó, chè xuất khẩu sang Pa-ki-xtan đạt 24,5 nghìn tấn, trị giá 47,9 triệu USD, tăng 0,4% về lượng và tăng 3,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Chè xuất khẩu sang thị trường Đài Loan đạt 12,1 nghìn tấn, trị giá 18,56 triệu USD, tăng 10,3% về lượng và tăng 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Lượng chè xuất khẩu sang 2 thị trường này chiếm 45,9% tổng lượng chè xuất khẩu.

Dung lượng thị trường nhập khẩu chè của Đài Loan và thị phần Việt Nam

Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Đài Loan, nhập khẩu chè của thị trường Đài Loan trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 19,1 nghìn tấn, trị giá 51,9 triệu USD, tăng 15,8% về lượng và tăng 18% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè nhập khẩu bình quân đạt 2.718,6 USD/tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Về thị trường: Việt Nam, Xri Lan-ca và Ấn Độ là 3 thị trường cung cấp chè lớn nhất cho thị trường Đài Loan trong 7 tháng đầu năm 2021, trong đó dẫn đầu là Việt Nam đạt 10 nghìn tấn, trị giá 15,7 triệu USD, tăng 15,3% về lượng và tăng 14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè nhập khẩu bình quân từ Việt Nam ở mức thấp, đạt 1.568,2 USD/tấn, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 52,5% tổng lượng chè nhập khẩu, giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. 

Tiếp theo là nhập khẩu từ thị trường Xri Lan-ca đạt 3,2 nghìn tấn, trị giá 13,5 triệu USD, tăng 23,2% về lượng và tăng 32,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè nhập khẩu bình quân từ Xri Lan-ca đạt 4.25,8 USD/tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu chè từ Ấn Độ đạt 2,1 nghìn tấn, trị giá 4,4 triệu USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 23,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; Giá chè nhập khẩu bình quân đạt 2.104,5 USD/tấn, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Về mặt hàng: Chè đen là chủng loại chính thị trường Đài Loan nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2021, đạt 13,5 nghìn tấn, trị giá 34,1 triệu USD, tăng 16,2% về lượng và tăng 23% về trị giá so cùng kỳ năm 2020. Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng chè đen đạt 2.522,2 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam, Xri Lan-ca, Ấn Độ và In-đô-nê-xi-a là những thị trường cung cấp chính mặt hàng chè đen cho thị trường Đài Loan. 

Tiếp theo là chủng loại chè xanh thị trường Đài Loan nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 5,55 nghìn tấn, trị giá 17,7 triệu USD, tăng 14,9% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so cùng kỳ năm 2020. Việt Nam là thị trường cung cấp chính chủng loại chè xanh cho thị trường Đài Loan trong 7 tháng đầu năm 2021, với tỷ trọng chiếm 78,9% tổng lượng chè xanh thị trường Đài Loan nhập khẩu, tăng 2,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.

Nhật Bản là thị trường cung cấp chè xanh lớn thứ 2 cho thị trường Đài Loan, giá chè xanh nhập khẩu bình quân từ Nhật Bản ở mức rất cao, đạt 10.498,7 USD/tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Nhật Bản chiếm 17,5% tổng lượng chè xanh nhập khẩu, giảm 2,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website