A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vinatex: Chuẩn bị đón đầu các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực

Ngày 16/12/2015, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức gặp mặt báo chí công bố kết quả sản xuất kinh doanh năm 2014 và kế hoạch năm 2015 của Tập đoàn dưới sự chủ trì của ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn.

 

Báo cáo về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2014 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ông Trần Việt, Trưởng ban Thị trường Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 50.930 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,26 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,28 USD, tăng 5% so với cùng kỳ. Doanh thu nội địa ước đạt trên 20 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận tăng 5% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân đạt 5,47 triệu VNĐ/người/tháng, tăng 8% so với cùng kỳ.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may chủ trì cuộc họp

Một số đơn vị có kết quả sản xuất kinh doanh tốt như: Tổng công ty Phong Phú, Tổng công ty Việt Tiến, Tổng công ty May 10, Tổng công ty May Đức Giang, Tổng công ty Dệt may Hà Nội, Tổng công ty May Hưng Yên, Tổng công ty May Phương Đông, Công ty May Đáp Cầu, v.v…

Về xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang các thị trường chính, thị trường Mỹ tiếp tục đạt sức tăng trưởng khá, ước đạt 9,8 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2013. Kim ngạch xuất khẩu dệt may sang EU ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Nhật Bản, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2013.

Tình hình kinh doanh tại thị trường nội địa, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Tập đoàn đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục. Đáng chú ý, cuối năm 2014, Tập đoàn tổ chức thành công Hội chợ Thời trang Việt Nam tại TP.HCM và Hà Nội nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam giới thiệu bộ sưu tập và các thương hiệu mới, mang đến hiệu ứng tích cực cho ngành thời trang Việt Nam. Năm qua, Tập đoàn đã nỗ lực duy trì doanh thu nội địa ở mức tương đương năm 2013, ước đạt trên 20 nghìn tỷ đồng trong bối cảnh thị trường khó khăn.

Bàn về tiến trình Cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường cho biết thêm, từ ngày 01/02/2015, Tập đoàn Dệt may Việt Nam chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần. Tập đoàn đã tích cực thực hiện và đạt hiệu quả cao trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp do Chính phủ phê duyệt. Đến nay, đã thoái xong 21/37 doanh nghiệp cần thoái, lượng vốn đã thoái bằng 90% lượng vốn phải thoái, bảo toàn vốn nhà nước (có lãi trên 60 tỉ đồng). Theo kế hoạch năm tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục sắp xếp lại doanh nghiệp, tiến hành dịch chuyển vốn đầu tư theo mục tiêu hiệu quả về đồng vốn, về quản lý, nhất là trong liên kết hình thành chuỗi sản xuất theo hướng ODM. Mối quan hệ giữa Tập đoàn và các Công ty đã thể hiện sự gắn kết chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí liên quan đến kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết,  năm 2015, Tập đoàn phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế toàn Tập đoàn tăng trưởng trên 10% so với cùng kỳ; Doanh thu toàn Tập đoàn tăng trưởng trên 12% so với cùng kỳ; Kim ngạch xuất khẩu (tính đủ NPL) tăng trên 12% so với cùng kỳ; Cổ tức năm 2015 cho cổ đông tối thiểu 5%, phấn đấu trên 6%. Lộ trình phấn đấu chia cổ tức đến năm 2017 lần lượt là 8% (năm 2016), và 10% (năm 2017); Thu nhập người lao động tăng trên 8% so với cùng kỳ.

 

Trước các câu hỏi về vấn đề phát triển thị trường, ông  Lê Tiến Trường khẳng định sẽ củng cố thị phần tại thị trường xuất khẩu truyền thống, khai thác các thị trường ngách, thị trường mới nổi; Tích cực chủ động tham gia chuỗi liên kết để chuyển dịch sản xuất theo hướng FOB, ODM nhằm tận dụng lợi ích của các Hiệp định thương mại tự do. Song song với đó, Tập đoàn sẽ chủ động đàm phán với khách hàng mới, thị trường mới trong khối TPP và EU, tìm kiếm đối tác lâu dài, đồng thời có thời gian lựa chọn hướng sản phẩm phù hợp để thống nhất, nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp.

Bắt đầu từ tháng 2/2015, Công ty mẹ Tập đoàn chính thức chuyển sang hoạt động theo loại hình công ty cổ phần, do vậy cần đổi mới một cách căn bản hoạt động của Công ty mẹ. Toàn bộ Cơ quan Điều hành và cán bộ nhân viên trong Tập đoàn cần hướng tới mục tiêu của Tập đoàn với phương châm “quản trị chặt chẽ, tăng tốc đầu tư, phát triển thị trường, tăng cường nhân sự”, bước vào năm 2015 với tâm thế mới, tư duy mới, phong cách, phương thức, trách nhiệm mới, để đạt được các chỉ tiêu đã đặt ra, đồng thời có thể cam kết với các cổ đông về giá trị doanh nghiệp khi Tập đoàn niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung; Đưa ra các giải pháp cụ thể để xây dựng bức tranh tổng thể mới đảm bảo tiến độ, xuyên suốt nhằm cải thiện chỉ số, cương quyết giải quyết mọi tồn tại và những “điểm” không sinh lời.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website