A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu dệt may sang Anh: Cần đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn để tận dụng hiệu quả Hiệp định UKVFTA

Trong thời gian tới, Anh sẽ tiếp tục giảm nhập khẩu hàng may mặc từ thị trường EU, thay vào đó, Anh sẽ đẩy mạnh nhập khẩu từ thị trường ngoại khối EU, trong đó có Việt Nam. Do đó, để có thể tận dụng hiệu quả lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng tốt các yêu cầu, tiêu chuẩn đối với hàng dệt may nhập khẩu của Anh.

Dệt may là mặt hàng xuất khẩu quan trọng, là nhóm ngành hàng xuất khẩu có tỷ trọng kim ngạch lớn thứ 3 của Việt Nam sang Vương quốc Anh, chiếm 13,25% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu. Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu hàng dệt may với kim ngạch 803,99 triệu USD sang Anh, tăng 35,5% so với năm 2021

6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Anh đạt kim ngạch 318,3 triệu USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong cuốn sách “Thị trường Anh – Những điều cần biết” do Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Anh biên soạn, thị trường dệt may Vương quốc Anh có tiềm năng tốt. Trong 10 năm, từ 2009 đến 2020, chi tiêu của người tiêu dùng Anh cho quần áo đã tăng thêm gần 17 tỷ bảng Anh. Năm 2019, chi tiêu cho quần áo của dân Anh đạt mức cao nhất mọi thời đại là 61,2 tỷ bảng Anh. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tiêu dùng quần áo ở Anh đã giảm đi gần 8,2 tỷ bảng xuống còn 53,01 tỷ bảng. Năm 2021, tiêu dùng quần áo ở Anh đã dần hồi phục và đạt mức 57,32 tỷ bảng, trong đó nhập khẩu đạt 17,03 tỷ bảng (chiếm 35% tiêu thụ).  Năm 2022, Vương quốc Anh đã chi tiêu 60,1 tỷ bảng hàng may mặc và phụ kiện quần áo, nhập khẩu (35%) trị giá 21,25 tỷ bảng (25,86 tỷ USD), tăng 23,5% so với năm 2021.

Năm 2023, nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu quần áo ở Anh có xu hướng giảm sút khi lạm phát cao kỷ lục khiến người dân hạn chế chi tiêu. Cụ thể 4 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu quần áo vào Anh trị giá 5.298 tỷ bảng, giảm 20,9% so cùng năm 2022.

Theo Statista, dự báo doanh số hàng may mặc thời trang của Anh sẽ tăng trưởng trung bình 7,58% giai đoạn từ năm 2023 – 2027.

Tại Anh, hàng may mặc của Việt Nam đang phải cạnh tranh trực tiếp với các thị trường thuộc khu vực châu Á như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Pakistan, Campuchia và một số thị trường thuộc khu vực EU như Ý, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp

Hiện nay, Việt Nam có lợi thế hơn so với các thị trường nhờ có UKVFTA, tuy vậy, hàng may mặc Trung Quốc vẫn có lợi thế lớn hơn nhờ giá cả cạnh tranh hơn tại Anh. Đối với Bangladesh, hiện Bangladesh vẫn được hưởng ưu đãi miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào Anh do thuộc diện các quốc gia kém phát triển.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, nếu đến năm 2026, Bangladesh được đưa ra khỏi diện các quốc gia kém phát triển để tiến lên là quốc gia đang phát triển thì Bangladesh vẫn được hưởng những đặc quyền cho sự chuyển đổi này.

Trong thời gian tới, Anh sẽ tiếp tục giảm nhập khẩu hàng may mặc từ thị trường EU, thay vào đó, Anh sẽ đẩy mạnh nhập khẩu từ thị trường ngoại khối EU, trong đó có Việt Nam. Do đó, để có thể tận dụng hiệu quả lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng tốt các yêu cầu, tiêu chuẩn đối với hàng dệt may nhập khẩu của Anh.

Ngoài ra, để tăng cường xuất khẩu, các công ty dệt may cần nắm bắt xu hướng thời trang, thị hiếu tiêu dùng của người dân Anh (màu sắc, kiểu cách). Xu hướng sử dụng nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường. Xu hướng sử dụng nguyên liệu thông minh: điều hòa nhiệt độ cơ thể phù hợp với điều kiện thời tiết, nhu cầu mùa vụ.

Cùng với đó, cải tiến, hiện đại hóa công nghệ dệt may để tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm nhẹ sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải cũng như giảm thiểu các ảnh hưởng bất lợi của quá trình sản xuất đến môi trường, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần áp dụng các công cụ marketing hiện đại; tiêu chuẩn xanh hóa và phát triển bền vững.

Các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi UKVFTA có hiệu lực tập trung vào mặt hàng nguyên liệu và các sản phẩm may mặc như đồ lót, áo choàng tắm, quần áo ngủ, mặc trong nhà, đồ bơi, khăn tay, khăn choàng và cavat (trừ loại tơ tằm), găng tay, quần tất, quần áo trẻ em, áo blouse hoặc sơ mi dệt kim dành cho nữ hoặc trẻ em gái, một số bộ comple, bộ đồ, áo jackets…

 


Tác giả: Phương Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website