A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lào Cai: Tăng cường kết nối, tiêu thụ sản phẩm miền núi

Trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Lào Cai sẽ có 22 hội chợ, triển lãm thương mại được tổ chức trong năm 2024, gồm: Thành phố Lào Cai 6; thị xã Sa Pa 3; huyện Bảo Yên 3; huyện Bảo Thắng 2; huyện Văn Bàn 3; huyện Bắc Hà 1; huyện Si Ma Cai 1; huyện Bát Xát 2; huyện Mường Khương 1 hội chợ, triển lãm thương mại.

Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm

Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 2354/QĐ-UBND công bố Danh mục địa điểm và lĩnh vực ưu tiên được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Theo đó, lĩnh vực ưu tiên được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trong năm 2024 là các sản phẩm thực phẩm; sản phẩm cây, hoa; sản phẩm nông sản đặc hữu; các sản phẩm OCOP; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; ẩm thực địa phương; hàng thủ công mỹ nghệ; đồ gỗ; mây tre đan; gốm sứ; sản phẩm du lịch; sản phẩm, sản phẩm vùng miền, sản phẩm đặc trưng, hàng hóa nông sản của các địa phương trong và ngoài tỉnh; các sản phẩm hàng hóa nông sản của đồng bào dân tộc thiểu số…

Theo Sở Công Thương Lào Cai, việc tổ chức hội chợ triển lãm, mở các gian hàng giới thiệu sản phẩm, kết nối để các hợp tác xã tham gia chuỗi cung ứng đưa sản phẩm ra thị trường… là những giải pháp hiệu quả thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đơn cử, vào cuối tháng 8 vừa qua, tại khu vực sân Lễ hội đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên) sôi động hơn bởi là nơi diễn ra Hội chợ giới thiệu sản phẩm xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.

Hội chợ thu hút 120 gian hàng của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và một số doanh nghiệp, hợp tác xã có vùng nguyên liệu, nhà máy, cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh. Mỗi gian hàng đều có những sản phẩm đặc trưng của địa phương, gồm nông sản đặc hữu, các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm ẩm thực địa phương... Hội chợ được tổ chức gắn với Lễ hội đền Bảo Hà nên thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm, trong 5 ngày có hơn 3.000 lượt người; doanh thu bán hàng ước đạt gần 1 tỷ đồng.

Sự kiện cũng góp phần hỗ trợ phát triển, mở rộng kênh phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm và tạo hiệu ứng lan tỏa, sức hút, sự quan tâm, chú ý của người tiêu dùng, cộng đồng xã hội đối với các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.

Bên cạnh việc chủ trì tổ chức các sự kiện trong tỉnh, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ Hội Nông sản an toàn tỉnh và doanh nghiệp đăng ký tham gia 45 gian hàng của 28 kỳ hội chợ tại các tỉnh, thành phố trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã hỗ trợ các đơn vị: Hợp tác xã Tả Củ Tỷ (Bắc Hà), Hợp tác xã kinh doanh tổng hợp Mường Khương, Hợp tác xã Nậm Dù (Bảo Thắng), Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sapa tham gia hội chợ và các hoạt động bên lề tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 32-VIETNAM EXPO 2023. Tại hội chợ, mỗi ngày, các gian hàng của tỉnh Lào Cai thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan và mua sắm sản phẩm.

trung tâm đã tổ chức tập huấn kỹ năng tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại huyện Bát Xát; kỹ năng tiếp cận thị trường, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Bắc Hà; kỹ năng truyền thông, quảng bá sản phẩm cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai; tổ chức khóa tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho kinh tế tập thể và hợp tác xã; kỹ năng phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm trên internet cho các hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh…

Tăng cường tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử

Bên cạnh xúc tiến tiêu thụ trực tiếp, trong thời gian qua, Lào Cai đã từng bước khơi thông và lan tỏa mạnh mẽ “dòng chảy” chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo tiền đề hình thành chuyển đổi số, kinh tế số.

Theo đó, Lào Cai là 1 trong 4 địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng phần mềm truy xuất nông sản từ năm 2017, đến nay Lào Cai đã có 327 dòng nông sản an toàn được cấp mã QR Code. Hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có trên 183 doanh nghiệp/HTX/cơ sở sản xuất. Trong đó có nhiều cơ sở của đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá các sản phẩm trên hệ thống với 311 dòng sản phẩm tham gia, nhất là các loại nông sản thế mạnh và đặc sản của 124 chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống thông tin quản lý chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận trên địa bàn tỉnh đảm bảo các chức năng hỗ trợ trong công tác quản lý, hỗ trợ người sản xuất, cung cấp sản phẩm và hỗ trợ người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, người tiêu dùng toàn quốc có thể đặt hàng nông sản của Lào Cai trên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Lazada,Tiki, Sendo…

Lào Cai cũng đã giới thiệu 75 cơ sở sản xuất nông sản đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn, Voso… và qua trang tin điện tử “Phiên chợ Khuyến nông”; các trang mạng xã hội zalo, facebook... nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, hỗ trợ chăm sóc khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, giúp các hộ tiếp cận thị trường, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.


Tác giả: Phương Minh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website