A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao năng lực và phát triển ngành dịch vụ phân phối tại Việt Nam

Ngày 14/11/2022, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức World Together Hàn Quốc (đơn vị được nhà tài trợ ủy quyền vận hành và giải ngân Dự án) đã tổ chức Hội thảo Tổng kết Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực và phát triển ngành dịch vụ phân phối tại Việt Nam (giai đoạn 2)”, nhằm tổng kết, đánh giá kết quả đã đạt được và đề xuất về việc tiếp tục triển khai Dự án trong thời gian tới.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương Việt Nam; Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc; Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc, Tập đoàn LOTTE cùng đại diện các tổ chức, Hiệp hội và doanh nghiệp, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các Trường Đại học và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Nâng cao năng lực phát triển thị trường truyền thống

Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực và phát triển ngành dịch vụ phân phối tại Việt Nam (giai đoạn 2) do Cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Tập đoàn LOTTE tài trợ, được thực hiện trong thời gian từ tháng 5 năm 2021 đến tháng 11 năm 2022 (theo Quyết định số 1450/QĐ-BCT ngày 25 tháng 5 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương). Dự án được chia thành 02 hợp phần gồm: (i) “Đào tạo nhân lực phù hợp và nâng cao năng lực cạnh tranh của người lao động trong ngành dịch vụ phân phối”; và (ii) “ Nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhà bán lẻ nhỏ”.

Mục tiêu của Dự án nhằm nâng cao năng lực cho ngành dịch vụ phân phối tại Việt Nam bằng cách tham gia đào tạo nghề và tạo cơ hội việc làm cho các lao động hiện tại trong ngành và những người tìm việc (bao gồm cả những người có hoàn cảnh khó khăn). Ngoài ra, Dự án cũng hỗ trợ đào tạo cho các nhà bán lẻ nhỏ, cán bộ, công chức của Bộ Công Thương nâng cao năng lực để phát triển thị trường truyền thống tại Việt Nam.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, triển khai Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc về hợp tác trong lĩnh vực phân phối và logistics, từ năm 2013 tới nay, hai bên đã thúc đẩy nhiều các hoạt động hợp tác song phương như tổ chức các Hội nghị đối thoại chính sách, các khóa đào tạo cho công chức Việt Nam tại Hàn Quốc, hỗ trợ xây dựng báo cáo nghiên cứu, cung cấp các chương trình đào tạo cho người lao động Việt Nam trong ngành dịch vụ phân phối… Thông qua các hoạt động hợp tác, Việt Nam đã học hỏi được những kinh nghiệm quý báu của phía Hàn Quốc trong việc xây dựng chính sách pháp luật để phát triển và quản lý ngành dịch vụ phân phối; đồng thời cũng giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành dịch vụ phân phối tại Việt Nam.

Căn cứ vào hiệu quả giai đoạn 1, Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực và phát triển ngành dịch vụ phân phối tại Việt Nam giai đoạn 2” đã được triển khai nhằm mở rộng chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ phân phối tới nhiều đối tượng và đến nhiều tỉnh thành hơn tại Việt Nam.

Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi bối cảnh dịch bệnh covid, các hoạt động của Dự án đã được triển khai theo đúng Văn kiện Dự án đã được phê duyệt. Các khóa đào tạo cho giảng viên các trường thuộc Bộ Công Thương đã thu hút được đông đảo đối tượng đăng ký tham gia và được đánh giá cao về nội dung đào tạo cũng như mức độ hài lòng thông qua khảo sát là trên 85%. Các lớp nghiệp vụ nghề về quản trị bán lẻ và lớp đào tạo nghiêp vụ nghề Bakery và Delica cũng đã đào tạo được cho gần 300 học viên. Giáo trình đào tạo được chuẩn bị bài bản bởi các chuyên gia từ Hàn Quốc. Trong khuôn khổ Dự án đã tổ chức được 03 Khóa đào tạo tại Hàn Quốc cho các đối tượng gồm: công chức của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; giảng viên của Trường đại học và học viên tham gia các khóa đào tạo đạt kết quả tốt.

Tạo thuận lợi cho hoạt động phân phối, lưu thông hàng hóa

Việt Nam là quốc gia đang trên đà phát triển, được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng với lợi thế dân số đông gần 100 triệu người, trong đó người trẻ chiếm tỷ lệ cao. Do vậy, Việt Nam luôn là thị trường bán lẻ có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về thương mại nói chung và thương mại nội địa nói riêng, Bộ Công Thương xác định việc cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển, hiện đại hóa ngành phân phối là yêu cầu thiết yếu, tuy nhiên cần phát triển cân bằng giữa các kênh phân phối hiện đại và kênh phân phối truyền thống.

Bên cạnh việc tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được của Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực và phát triển ngành dịch vụ phân phối tại Việt Nam giai đoạn 2”, Hội thảo cũng đã được nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, đặc biệt kinh nghiệm của Hàn Quốc là một trong số những nước có ngành phân phối bán lẻ phát triển hàng đầu thế giới, về những giải pháp giúp cho cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy ngành phân phối Việt Nam phát triển theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn đảm bảo phát triển cân bằng giữa các loại hình phân phối truyền thống và hiện đại và hài hòa lợi ích giữa các Tập đoàn lớn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế.

Kết luận Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga cho biết, Bộ Công Thương ghi nhận các ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tham dự Hội thảo. Các nội dung thảo luận đã gợi mở cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp những vấn đề cần quan tâm để có những giải pháp, chính sách phù hợp thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa các kênh phân phối truyền thống và hiện đại, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động phân phối, lưu thông hàng hóa, phát triển và mở rộng thị trường.


Tác giả: Ngọc Hân

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website