A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngọt thơm sản phẩm quế Yên Bái

Quế là 1 trong 10 cây trồng chủ lực của tỉnh Yên Bái, chiếm tới 1/3 diện tích rừng trồng của tỉnh. Với vùng nguyên liệu rộng trên 81.000 ha, việc chế biến quế thành đa dạng các sản phẩm không những nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần tiêu thụ quế bền vững cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương.

Cây giảm nghèo của địa phương

Tính đến thời điểm hiện tại, Yên Bái là tỉnh có diện tích trồng và sản lượng quế lớn nhất miền Bắc Việt Nam, với trên 81 ngàn ha, chiếm 1/3 diện tích rừng trồng của tỉnh, tập trung chủ yếu tại huyện Văn Yên (45,2 nghìn ha; chiếm 55,7% diện tích quế toàn tỉnh) và huyện Trấn Yên (19 nghìn ha; chiếm 23,4% diện tích quế toàn tỉnh); ngoài ra phân bố không nhiều ở một số huyện như Văn Chấn (9 nghìn ha), Lục Yên (5,9 nghìn ha) và Yên Bình (2,1 nghìn ha). Từ một loại cây trồng để phủ xanh đất trống đồi trọc, thế nhưng những năm qua, cây quế đã đem lại thu nhập cao cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Yên Bái, thậm chí đưa nhiều hộ trở thành tỷ phú. Vì thế mà đồng bào nơi đây coi cây quế như “vàng xanh”.

Tại huyện Văn Yên, nơi được xem là “thủ phủ” của cây quế tại Yên Bái, với diện tích trồng quế khoảng 52.000ha (chiếm hơn 55,7% diện tích quế toàn tỉnh Yên Bái). Cây quế được người Dao của huyện Văn Yên mệnh danh là "vàng xanh", cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào và cũng là cây phát triển kinh tế chủ lực của huyện. Số hộ đồng bào người Dao có thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng từ trồng quế ở huyện Văn Yên giờ không phải là hiếm.

Hàng năm nông dân huyện Văn Yên xuất bán ra thị trường khoảng 5.000 tấn vỏ quế khô các loại; sản lượng cành lá quế đạt khoảng 65.000 tấn/năm; sản lượng tinh dầu đạt khoảng 300 tấn/năm; sản lượng gỗ quế đạt gần 51.000m3/năm; cây quế giống trên 150 triệu cây. Tổng doanh thu các sản phẩm từ quế năm 2022 của huyện, đạt tới gần 1.000 tỷ đồng.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), thời gian qua, huyện Văn Yên đã vận động người dân trồng quế theo từng vùng và sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng người dân làm "nông nghiệp xanh" nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm quế gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại địa phương. Đến nay, huyện còn có trên 4.500ha quế hữu cơ đạt chứng nhận châu Âu, Châu Mỹ. Từ việc sản xuất quế hữu cơ, đời sống của đồng bào các dân tộc, đặc biệt đối với các hộ dân tham gia dự án sản xuất quế hữu cơ đều có thu nhập cao, ổn định giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 16 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế với quy mô tương đối lớn sử dụng công nghệ lò hơi để chiết xuất tinh dầu, tổng công suất 1.000 tấn sản phẩm tinh dầu/năm. Đây là quy trình công nghệ tách triết tinh dầu quế khép kín có sử dụng tác nhân là nhiệt độ bằng hệ thống nồi hơi, không sử dụng hóa chất hoặc các tác nhân khác.

Ngoài ra, còn có hơn 400 cơ sở chế biến tinh dầu quế quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình (khoảng 300 kg sản phẩm/năm, nhưng hoạt động không thường xuyên), chủ yếu hoạt động theo phương pháp thủ công, sản lượng chế biến tinh dầu mỗi năm bình quân 300-800 kg/cơ sở.

Thời gian qua, việc liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người trồng quế được chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm nhằm tập trung phát triển, hình thành các chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm từ quế, quế hữu cơ. Đến nay, toàn tỉnh có trên 6.757 ha quế được cấp chứng nhận hữu cơ. Trong đó, huyện Văn Yên 4.612 ha và Trấn Yên 2.145 ha (Công ty Sơn Hà Văn Yên: 3.541.5 ha, Công ty OLam Văn Yên: 1.071 ha, Hợp tác xã Quế Hồi Việt Nam: 2.100 ha, Hợp tác xã tổng hợp dịch vụ Hồng Ca: 45 ha).

Từ vỏ, gỗ, lá đến gốc rễ quế đều có giá trị sử dụng nên cây quế được coi là cây trồng đa lợi ích, cho giá trị kinh tế cao. Các sản phẩm từ quế là một trong những sản phẩm chính tham gia vào thị trường xuất khẩu nông - lâm sản của tỉnh Yên Bái, ngoài tinh dầu quế thì một số sản phẩm khác đã được sản xuất từ quế có xu hướng phát triển như: Trà quế, nước tẩy rửa quế, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ quà lưu niệm....

Đến nay, thương hiệu quế Yên Bái đã khẳng định được giá trị trên thị trường trong nước và quốc tế, tiêu biểu là quế Văn Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ tháng 01/2010 và được Vương quốc Thái Lan bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế vỏ tại Thái Lan từ năm 2020. Đây là điều hiếm thấy trên thế giới, một quốc gia khác bảo hộ sản phẩm của Việt Nam trên đất nước họ. Điều đó khẳng định chất lượng sản phẩm quế Văn Yên nổi tiếng bên ngoài lãnh thổ. Đặc biệt, từ 1/8/2020, quế Văn Yên, tỉnh Yên Bái là một trong 39 mặt hàng của Việt Nam được EU bảo hộ khi thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Với sản lượng khai thác trung bình hàng năm khoảng 18.000 tấn vỏ quế, 85.000 tấn cành, lá để chế biến tinh dầu với sản lượng khoảng 600 tấn/năm và 200.000 m3 gỗ quế, các sản phẩm từ quế là một trong những sản phẩm chính tham gia vào thị trường xuất khẩu nông lâm sản của tỉnh Yên Bái. Hiện nay, các sản phẩm từ quế đã xuất khẩu đi trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Mỹ, Nga... Đặc biệt, sản phẩm quế điếu thuốc được dùng như một loại ống hút khi uống cà phê đang được người tiêu dùng tại thị trường Ấn Độ ưa chuộng, trở thành cây xoá đói giảm nghèo quan trọng của bà con trên địa bàn tỉnh.


Tác giả: Lâm Minh

Tin nổi bật

Liên kết website