A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những đổi thay toàn diện sau 15 năm thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc tại Hà Nội

15 năm thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc tại Hà Nội (2017-2022), Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu lớn về kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc.

Những đổi thay toàn diện

Là một trong 7 xã miền núi nằm ở phía Tây huyện Ba Vì, xã Ba Trại có diện tích tự nhiên lên đến 2.017 ha, quy mô dân số đạt trên 15.000 người với 3.722 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm 48%.

Dù trước đây, Ba Trại gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đến nay đời sống đã được cải thiện rõ rệt, bởi những chính sách hỗ trợ hợp lý, cùng với sự vươn lên của người dân. Không những giảm nghèo bền vững, nhiều hộ gia đình còn mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng để làm giàu trên “vùng đất khó”... Trong đó, cây chè là một trong những cây trồng chủ lực.

Ông Đinh Văn Chư - xóm Đô, thôn Ba, xã Ba Trại, người gắn bó với cây chè từ thuở còn lọt lòng nói với chúng tôi: Dễ trồng trên đất khô cằn, cây chè đã trở thành cây "xóa đói, giảm nghèo". Năm nay, chè phát triển tốt, trung bình mỗi mẫu có thể thu từ 70kg đến 80kg búp tươi/lứa, một năm 7 lứa, trừ chi phí gia đình cũng thu được vài chục triệu đồng.

Xã Ba Trại – huyện Ba Vì là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống hiện đang hưởng lợi từ các chính sách dân tộc của địa phương. Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc tại Hà Nội diễn ra mới đây, Ban Dân tộc TP Hà Nội thông tin, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 108 nghìn người dân tộc thiểu số, thuộc 50 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống. Tuy chỉ chiếm trên 1,3% về dân số, song vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô có diện tích trên 30 nghìn hecta (chiếm gần 10% diện tích toàn Thành phố), địa hình chủ yếu là đồi núi, cách xa trung tâm Thành phố, nơi xa nhất đến 100 km. Dân cư sinh sống phân tán, trình độ dân trí nhìn chung còn hạn chế, điều kiện cơ sở hạ tầng còn khó khăn so với các vùng còn lại của Thành phố. Do đó, Hà Nội đã dành nguồn lực không nhỏ để phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, Ban Dân tộc Thành phố đã tham mưu với Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương vùng dân tộc thiểu số miền núi tập trung triển khai thực hiện, căn cứ nhu cầu và tình hình thực tế của địa phương để tự cân đối thực hiện chính sách về đất sản xuất, đất ở đảm bảo các hộ nghèo có đất sản xuất, đất ở so với bình quân chung của địa phương. Kết quả, có 1286 hộ được thụ hưởng, tổng kinh phí trình Thành phố để thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt là 43.387 triệu đồng.

Đối với lĩnh vực thương mại, thực hiện Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 và Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 03/01/2002 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện có các xã dân tộc thiểu số miền núi rà soát nhu cầu các mặt hàng được trợ giá, trợ cước vận chuyển, tập trung hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách trợ cước vận chuyển 3 mặt hàng chính sách xã hội là muối i-ốt, dầu hỏa và giấy vở học sinh để phục vụ đồng bào vùng dân tộc tại 7 xã của huyện Ba Vì với kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Còn các xã khác thực hiện theo phương thức kết hợp của các đơn vị bán hàng bình ổn giá; triển khai đầu tư mới, cải tạo 18 chợ tại các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất, Chương Mỹ.

Đáng chú ý, các chính sách vùng dân tộc Hà Nội còn tập trung thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho bà con vùng dân tộc thông qua việc lựa chọn các cây trồng, vật nuôi có giá trị. Đồng thời tăng cường các giải pháp kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm.

Nhờ đó, theo thống kê của UBND TP Hà Nội, trong 15 năm qua, các xã vùng dân tộc miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt khoảng 12%, thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng đạt khoảng 50 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm, Công tác giảm nghèo được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo đến nay giảm còn 0,42%, tỷ lệ hộ cận nghèo 1,9%. Người dân yên tâm vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của Thành phố và đời sống của cũng đã có nhiều khởi sắc nhờ các chính sách đúng đắn của Thủ đô.

Phát triển nhanh, bền vững kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc

Phát huy những chính sách đặc thù dành cho vùng đồng bào dân tộc, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 là phát triển toàn diện, nhanh, bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và tinh thần tự lực của đồng bào; bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố.

Cụ thể, mức sống và thu nhập của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố; giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 60% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt trên 40%, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ. Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hằng năm thu hút trên 3% lao động sang làm việc các ngành, nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đến năm 2030 có 40% lao động người dân tộc thiểu số biết làm các ngành nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ. Ngày càng kéo gần khoảng cách thu nhập của người khu vực miền núi, vùng dân tộc với các vùng trung tâm.

Với Thủ đô Hà Nội, thực tế hiện nay, sự chênh lệch về thu nhập, giàu nghèo giữa vùng dân tộc thiểu số miền núi và vùng đồng bằng trên địa bàn Thành phố còn có khoảng cách khá xa. Vùng dân tộc thiểu số miền núi và miền núi vẫn là vùng kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chậm phát triển và dễ bị tổn thương nhất. Trước tình hình đó, các chuyên gia cho rằng, cơ quan công tác dân tộc, đội ngũ những người làm công tác dân tộc từ Thành phố đến cơ sở cần chủ động, tích cực tham mưu cho Thành phố đề ra chủ trương sát, đúng tình hình thực tế, phù hợp nguyện vọng của đồng bào, góp phần khắc phục hạn chế, bất cập, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn.


Tác giả: Bảo Lâm

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website