Sơn La: Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ trái cây
Việc ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ trái cây giúp mở thêm đầu ra cho bà con dân tộc thiểu số và miền núi địa phương.
“Quả ngọt” từ thương mại điện tử
Sơn La là một tỉnh miền núi, biên giới, có 12 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó: Thái chiếm 53,72%; Kinh 16,38%; Hmông 15,71%; Mường 7,01%; Dao 1,73%; Xinh Mun 2,14%; Khơ Mú 1,28%; Lào 0,33%; Kháng 0,83%; La Ha 0,77%; Tày 0,06%; Hoa 0,01%).
Thông tin tại Hội thảo phổ biến kiến thức "Ứng dụng thương mại điện tử trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả cho một số doanh nghiệp, HTX nông nghiệp tỉnh Sơn La" do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Sơn La phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam diễn ra mới đây cho thấy, hiện nay, tỉnh Sơn La có 399 doanh nghiệp, hợp tác xã trồng cây ăn quả; 11 doanh nghiệp khoa học và công nghệ về nông nghiệp; 100 HTX có liên kết sản xuất tiêu thụ với khoảng 22.000 hộ. Hết năm 2022, toàn tỉnh có 24 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó, 12 sản phẩm cây ăn quả. Nhiều sản phẩm trong đó là của bà con dân tộc thiểu số địa phương. Nhiều doanh nghiệp, HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả đã chủ động tham gia các chương trình tập huấn hỗ trợ thương mại điện tử do tỉnh tổ chức.
Thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa, nhất là sản phẩm hoa quả được đẩy mạnh, bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến với thị trường trong và ngoài nước; các chương trình livestream, chương trình bán hàng online, kết nối qua zalo, Facebook...; ứng dụng và phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các sàn thương mại điện tử lớn có uy tín trong và ngoài nước như Sendo, Shopee, Lazada, Alibaba, Voso...
Bà Đỗ Thị Bích Châu - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 3.250 doanh nghiệp và 806 hợp tác xã. Các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh vào các khâu trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh với mức độ khác nhau.
Trong giai đoạn 2020 - 2023 các Sở, ngành, địa phương của tỉnh, đặc biệt là Sở Công Thương Sơn La đã thường xuyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tập trung đẩy mạnh việc tập huấn, phổ biến các kiến thức, kỹ năng trong giao dịch thương mại điện tử cho các HTX, người dân trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng các công cụ như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để quảng bá cũng như tiêu thụ nông sản. Sở Công Thương đã thường xuyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tập trung đẩy mạnh việc tập huấn, phổ biến các kiến thức, kỹ năng trong thương mại điện tử cho HTX, doanh nghiệp và người dân.
Tích cực chuyển đổi số trong sản xuất, quảng bá và tiêu thụ nông sản, từ đầu năm đến nay, hàng trăm tấn trái cây của nông dân Sơn La đã tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử.
Đến nay, sản phẩm cây ăn quả của tỉnh được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu. Sản lượng hoa quả năm 2023 ước đạt 451.779 tấn, sản lượng ước tăng 28% (99.474 tấn). Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tiếp tục được phát triển trên diện rộng, ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa trong sản xuất.
Toàn tỉnh hiện có 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; có 22.459 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và tương đương; có 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ; 83 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Thị trường tiêu thụ các loại nông sản tiếp tục được mở rộng.
Thời gian qua, bên cạnh thị trường nội địa, trái cây Sơn La chinh phục được các thị trường khó tính như: EU, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, Nga, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Trung Đông, ASEAN chấp nhận.
Tăng cường tiêu thụ trái cây qua thương mại điện tử
Bên cạnh những thuận lợi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, viễn thông triển khai các hoạt động thương mại điện tử hạn chế về hạ tầng số; thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn. Phần lớn các trang thương mại điện tử của tỉnh mới chỉ dừng lại ở hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thiếu các dịch vụ hỗ trợ như tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng. Công tác phối hợp quản lý hoạt động kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử, nhất là quản lý chất lượng sản phẩm cây ăn quả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên theo Hội nông dân tỉnh Sơn La, việc chuyển đổi số với nông dân Sơn La còn nhiều khó khăn, vì bà con vốn quen với sản xuất truyền thống; để thay đổi tư tưởng, cách làm thì cần thời gian, quá trình; trình độ hội viên nông dân cũng khác nhau, đa số còn thấp, nhất là ở vùng cao, vùng sâu vùng xa... Vì vậy, thời gian tới Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao nhận thức cho người dân, để người dân hiểu chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản là xu thế tất yếu.
Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, Sơn La liên tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, đòi hỏi doanh nghiệp, HTX tiếp tục kết nối, tăng số lượng các sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, từng bước thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Phát huy hiệu quả các sàn thương mại điện tử, tỉnh Sơn La tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng và các khách hàng khi giao dịch, mua bán sản phẩm qua sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, đòi hỏi doanh nghiệp, HTX tiếp tục kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản; từng bước thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.