A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực trạng và khuyến nghị chính sách phát triển chợ đô thị tại Việt Nam

Nhằm huy động những đóng góp kỹ thuật của các chuyên gia và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về phát triển và quản lý chợ truyền thống Việt Nam, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chính sách phát triển chợ truyền thống trong đô thị Việt Nam và góp ý Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý chợ” từ 28 – 29/6/2022 tại Ninh Bình.

  

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và bà Nguyễn Thị An Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam chủ trì hội thảo, cùng với sự tham gia của các đại diện đến từ các Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Xây dựng; đại diện Sở Công Thương một số tỉnh, thành phố; hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng và quản lý chợ, một số chuyên gia trong lĩnh vực phát triển chợ và các cơ quan thông tấn báo chí.

Thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội đã xuất hiện nhiều kênh phân phối hàng hóa hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, bán hàng online… Tuy nhiên, trên thực tế chợ vẫn là kênh lưu thông thực phẩm chính (gần 70% thực phẩm lưu thông qua chợ) của người tiêu dùng Việt Nam. Chợ có vai trò quan trọng trong việc giúp người dân thành phố dễ dàng tiếp cận thực phẩm tươi sống có lợi cho sức khỏe với giá cả phải chăng, kết nối nền kinh tế nông thôn và thành thị, mang lại những cơ hội kinh tế và việc làm cho nhiều người dân. Chợ cũng là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử và tạo ra những không gian công cộng tích cực, gắn kết người dân. Vì vậy, việc xây dựng các chính sách phát triển và quản lý chợ trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng.

Tại phiên thứ nhất của Hội thảo, bà Lê Thu Hiền, Trưởng phòng hạ tầng thương mại – Vụ Thị trường trong nước nước đã trình bày về thực trạng mô hình tổ chức và quản lý chợ hiện có tại một số tỉnh, thành phố Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Hội An và Thành phố Hồ Chí Minh (tập trung vào các chợ kinh doanh thực phẩm) và chính sách hiện hành liên quan tới phát triển và quản lý chợ kinh doanh thực phẩm trong đô thị tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, đưa ra các khuyến nghị bổ sung, sửa đổi tại các quy định về chính sách phát triển và quản lý chợ truyền thống trong đô thị. 

Theo bà Hiền, về tổng thể, công tác quản lý nhà nước về phát triển chợ đã đạt được một số kết quả, đó là đã xây dựng quy hoạch, kế hoạch, phương hướng phát triển chở từng thời kỳ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, đáp ứng nhu cầu của sản xuất, lưu thông hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân; đã ban hành các chính sách về đầu tư, xây dựng, khai thác và quản lý hoạt động chợ; tổ chức quản lý các chợ do Nhà nước đầu tư xây dựng theo quy định về phân cấp quản lý; thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn các Ban quản lý chợ, doanh nghiệp kinh doanh, khai thác và quản lý chợ về chính sách, nghiệp vụ quản lý chợ; đồng thời, tổ chức công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước cho mọi người trong phạm vi chợ.

Hội thảo đã được nghe chuyên gia của tổ chức HealthBridge chia sẻ về xu hướng và kinh nghiệm quốc tế phát triển chợ kinh doanh thực phẩm trong đô thị ở các nước như Trung Quốc, Anh, Tây Ban Nha, Bắc Mỹ… Barcelona quy hoạch và xây dựng được một mạng lưới chợ thực phẩm phân phối trên toàn thành phố. Chợ cũng được sử dụng như một trung tâm của các hoạt động xã hội, giúp phát triển kinh tế. London thành lập Ban phát triển chợ thực phẩm, chịu trách nhiệm quy hoạch, cải tạo và nâng cao năng lực của các chợ.

Dựa trên những tham khảo quốc tế này để đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam. Các đại biểu cũng đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển chợ, đặc biệt là chợ truyền thống trong đô thị tại Việt Nam; đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ công tác phát triển chợ nói chung, chợ đô thị nói riêng theo hướng văn minh, đảm bảo chất lượng – an toàn thực phẩm.

Tại phiên thứ hai, Hội thảo tập trung vào lấy ý kiến góp ý Dự thảo 3 Nghị định phát triển và quản lý chợ (thay thế các Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2004 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ).

Phát biểu khai mạc phiên thứ hai, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Phó Trưởng ban soạn thảo nhấn mạnh, Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP là căn cứ pháp lý quan trọng cho phát triển và quản lý chợ thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cùng với sự thay đổi của các quy định pháp luật liên quan, Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, gây khó khăn cho công tác phát triển và quản lý chợ tại các địa phương, đòi hỏi phải ban hành Nghị định mới.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã rà soát, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Nghị định về phát triển và quản lý chợ thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP. Dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng: giải quyết ngay các vấn đề cấp bách trong công tác phát triển và quản lý chợ, tạo điều kiện cho các địa phương kịp thời tận dụng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho công tác đầu tư phát triển chợ, bảo đảm tính đồng bộ ngay cả trong trường hợp có sự thay đổi của các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân và đã nhận được 83 ý kiến của các tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã hoàn thiện Dự thảo 3 Nghị định về phát triển và quản lý chợ.

Phiên làm việc thứ 2 của Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã có những đóng góp để hoàn thiện Dự thảo Nghị định, đặc biệt đối với các nội dung về xử lý tài sản công, về cơ chế tài chính áp dụng cho việc chuyển đổi các Ban quản lý chợ, đây là các vướng mắc lớn nhất mà các địa phương đã phản ánh trong thời gian qua cũng đã được đại diện của Bộ Tài chính làm rõ tại Hội thảo.

Kết luận Hội thảo, ông Trần Duy Đông cho biết, Bộ Công Thương ghi nhận các ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tham dự Hội thảo. Theo đó, Vụ Thị trường trong nước là đơn vị đầu mối sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định, trình Chính phủ ban hành theo đúng kế hoạch.

Hội thảo là một trong những hoạt động trong khuôn khổ thực hiện Bản ghi nhớ về Hợp tác xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và phát triển và quản lý chợ truyền thống trong đô thị tại Việt Nam giữa Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam. Quan hệ hợp tác giữa Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và tổ chức HealthBridge Canada đã được bắt đầu từ năm 2011 thông qua việc cùng phối hợp tổ chức một số cuộc tọa đàm và hội thảo về bảo vệ và phát triển chợ truyền thống trong đô thị. 

Theo nội dung bản ghi nhớ, phía Canada sẽ hỗ trợ Vụ Thị trường trong nước thực hiện nghiên cứu, đánh giá chính sách phát triển và quản lý chợ truyền thống trong đô thị tại Việt Nam, tập trung vào chợ kinh doanh thực phẩm; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn phát triển chợ truyền thống trong đô thị của một số nước; tổ chức hội thảo, hội nghị tham vấn chính sách và truyền thông định hướng chính sách phát triển và quản lý chợ trong đô thị tại Việt Nam.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website