Xây dựng thương hiệu, nâng giá trị cho sản phẩm đồng bào dân tộc thiểu số
Quyết định 1719/QĐ-TTg được đánh giá là văn bản quan trọng khi đã đặc biệt quan tâm đến hỗ trợ đồng bào tiêu thụ sản phẩm nông sản. Tuy nhiên việc tạo dựng thương hiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn hạn chế, cần có giải pháp căn cơ để nâng giá trị cho sản phẩm.
Giá trị là phần người tiêu dùng sẵn sàng chi trả thêm cho sản phẩm
Tại tọa đàm “Định vị thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do Tạp chí Công Thương tổ chức mới đây, TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là cú huých cho phát triển kinh tế tại nhiều địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Nhờ văn bản này, cùng nhiều chính sách khác của Bộ Công Thương, đã có không ít sản phẩm của đồng bào dân tộc, miền núi đã tạo lập được thương hiệu, xây dựng được bản sắc để cạnh tranh và đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Nhìn chung, thương hiệu cho mỗi sản phẩm là một yếu tố vô cùng quan trọng vì đây chính là cái “giá” mà đối tác, khách hàng, người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm.
Riêng với các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chứa đựng hai giá trị rất lớn, là sự khác biệt bên cạnh cái chung. Thứ nhất, nói đến miền núi là những quang cảnh rất hùng vĩ, rất đẹp, rất ấn tượng. Nhưng đằng sau đó là khi nghĩ về sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người tiêu dùng thường nghĩ đến một điều rất gần gũi, thân thiện với thiên nhiên, với trời đất và những điều này rất hoà hợp với xu hướng hiện nay. Đó là xu hướng sống xanh, sản xuất xanh, an toàn. Đây cũng là xu hướng mà thế giới đang hướng tới.
Sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số có tiềm năng lớn để xây dựng thương hiệu
Bên cạnh đó, khi nghĩ về những sản phẩm miền núi, người tiêu dùng sẽ thấy được truyền thống, một nền tảng văn hóa mà bất kỳ nghề nào cũng muốn khám phá, trải nghiệm.
Chính hai giá trị này tạo nên tính lan toả không chỉ cho sản phẩm, doanh nghiệp làm ra sản phẩm mà là cả vùng miền. Không phải ngẫu nhiên mà sản phẩm ở khu vực này mang tính vùng miền rất rõ rệt. Đây cũng là chất liệu quan trọng để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay là sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa có nhiều thương hiệu uy tín được đưa ra thị trường. Các đơn vị sản xuất cũng như bà con chưa nhận thức được tầm quan trọng của thiết kế, tính mỹ thuật, văn hóa cũng như xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này.
Bên cạnh đó, một điểm hạn chế là người dân chưa biết cách khai thác và gìn giữ nên có nhiều thương hiệu sản phẩm đã chìm xuống và hiện nay có rất nhiều sản phẩm đặc sản chưa có thương hiệu riêng mà chỉ gắn với vùng miền và nguồn lực chưa đủ để phát triển toàn diện, bao trùm… Đây là những điều cần thiết để xây dựng và phát triển thương hiệu cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chung tay xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của đồng bào
Chia sẻ về giải pháp để định vị thương hiệu cho sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, TS. Võ Trí Thành cho rằng, điểm mạnh của các sản phẩm này là họ có truyền thống, có lịch sử, có nét văn hóa rất đáng trân trọng, đáng khám phá. Do đó, giải pháp để đẩy mạnh định vị thương hiệu cho sản phẩm vùng này cần có “tích truyện”, sản phẩm gắn với "tích truyện", gọi là câu chuyện văn hóa đằng sau. Bên cạnh đó, gắn với xu thế của thời đại, đó là câu chuyện xanh, lối sống, cách sống và đặc biệt là phân khúc tầng lớp trung lưu, tầng lớp trẻ hiện nay, sống xanh, an toàn, nhân văn…
Toạ đàm “Định vị thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do Tạp chí Công Thương tổ chức
“Sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chứa đựng cả 2 điều trên, vừa có dấu ấn văn hoá, có “tích truyện” rất hấp dẫn, lại vừa bắt nhịp được với xu thế, đòi hỏi hiện nay là lối sống, cách sống xanh, phát triển bền vững. Đây là nền tảng rất tốt cho xây dựng thương hiệu”, TS Võ Trí Thành chia sẻ
Là một trong những doanh nghiệp nằm ở vùng cà phê Arabica đặc sản của Sơn La, Công ty CP Cà phê Detech luôn mong muốn đưa giá trị của cà phê Arabica đến người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng biết đến vùng trồng cà phê với 80% là phụ nữ dân tộc thiểu số - những người trực tiếp tham gia vào thu hái, chế biến sản phẩm cà phê Arabica.
Với mục tiêu đó, cùng với quá trình hình thành chuỗi sản xuất cho ngành hàng cà phê, Cà phê Detech đã xây dựng được các sản phẩm chế biến chất lượng cao, sản phẩm đặc sản xuất khẩu gián tiếp và trực tiếp sang thị trường các nước châu Âu, New Zealand, thị trường Mỹ… Việc có được các chứng nhận đưa sản phẩm ra nước ngoài chính là yếu tố quan trọng để hình thành và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Đặc biệt, sản phẩm của đồng bào dân tộc không chỉ là kết nối của chính giá trị đem lại, cũng không hoàn toàn chỉ là kết nối với du lịch mà còn lớn hơn thế, nó là sức sống của nhiều dân tộc Việt, của đất nước này. Vì thế, nên nhìn nhận lại giá trị đó để hỗ trợ và làm cho giá trị đó nổi bật hơn, mang lại giá trị cao hơn cho bà con vùng dân tộc.