A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả

Điện năng là loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt, khác so với các mặt hàng khác, không có bán thành phẩm, không thể tồn kho, sản xuất ra là phải tiêu thụ ngay. “Dùng càng nhiều giá điện càng cao” vẫn là khuyến cáo của các chuyên gia ngành điện.

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành chia theo 6 bậc thang áp dụng từ 2014. Theo đó, người dùng 0-50kWh trả mức giá thấp nhất là 1.678 đồng/kWh, người dùng chịu giá cao nhất khi sử dụng từ 401 số điện trở lên với mức giá 2.927 đồng/kWh.

Điều này khiến không ít người thắc mắc tại sao giá điện càng dùng nhiều càng đắt, đi ngược lại quy luật thị trường.

Trên thực tế, điện là hàng hóa đặc thù, khác biệt so với nhiều loại hàng hóa thông thường khác. Chuyên gia ngành điện cho biết, dùng càng nhiều càng phải trả giá cao hơn thực chất là logic kinh tế đi từ đặc trưng của hệ thống điện. Phương thức đó là để giải bài toán về chi phí sản xuất điện, kể cả ở thời điểm bình thường và cả thời kỳ gia tăng phụ tải cao điểm; phải huy động các nguồn điện có giá thành khác nhau đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Đây chính là do Quy luật khan hiếm nguồn lực chi phối, bởi điện là loại tài nguyên được chuyển hóa từ nhiều loại tài nguyên không tái tạo sang, mà các loại tài nguyên này không phải là vô tận, thậm chí có loại đang cạn kiệt dần (dầu, than, khí đốt tự nhiên,... ) dẫn đến điện không phải là nguồn tài nguyên vô tận mà sử dụng lãng phí.

Nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả rất nhiều nước trên thế giới áp dụng giá điện theo các bậc để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân với giá điện của các bậc tăng dần. Cụ thể, người đân sử dụng điện càng nhiều, không tiết kiệm điện, sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng sẽ phải áp dụng giá điện cao hơn.

Các nước phát triển và đang phát triển đều áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt theo giá luỹ tiến bậc thang. Cụ thể, Nhật Bản, Mỹ (California), Hàn Quốc, Trung Quốc giá luỹ tiến từ 3-5 bậc, một số nước trong khu vực ASEAN như Malaysia, Indonesia, Lào đều tính giá điện luỹ tiến trong khoảng 3, 8 bậc thậm chí 10 bậc.

Thực tế áp dụng trong những năm qua cho thấy việc áp dụng giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là đơn giản trong áp dụng nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.

Ngoài ra, để chủ động nâng cao hiệu quả trong công tác chăm sóc khách hàng khi thời tiết chuyển dần sang giai đoạn nắng nóng kéo theo nhu cầu sử dụng điện có thể sẽ tăng cao, Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương cũng đã có công văn gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu Tập đoàn đẩy mạnh công tác truyền thông về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; tuyên truyền phổ biến chính sách giá điện và quy định về biểu giá bán điện; nâng cao hiệu quả trong công tác chăm sóc khách hàng như: i) Thực hiện tốt công tác ghi chỉ số công tơ; công tác kiểm tra, phúc tra chỉ số công tơ và thông tin kịp thời đến khách hàng sử dụng điện; ii) Tăng cường, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra và giải quyết các vụ việc về áp giá bán lẻ điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà để ở; iii) Tăng cường phổ biến, hướng dẫn người dân về các thức sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thực tế thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao công tác chăm sóc khách hàng và công tác truyền thông qua đó giúp người dân hiểu và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Việc áp dụng công nghệ thông tin được EVN áp dụng hiệu quả, các ứng dụng về theo dõi tiền điện giúp khách hàng biết rõ lượng điện tiêu thụ để có thể điều chỉnh hợp lý trong sử dụng hằng ngày. Bên cạnh đó, ứng dụng cũng sẽ cảnh báo nếu lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng cao.

Bộ Công Thương khuyến cáo các hộ gia đình, cơ quan, công sở, doanh nghiệp và người dân sử dụng điện áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện. Sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt), tắt bớt các thiết bị không sử dụng, không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện…) để đảm bảo hiệu quả sử dụng điện cho khách hàng, đồng thời cũng hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do mức sử dụng điện quá cao so với bình thường.

Dưới đây là một số biện pháp tiết kiệm điện sinh hoạt trong gia đình rất đơn giản nhưng sẽ giúp chúng ta sử dụng đúng cách các thiết bị điện gia dụng và tiết kiệm điện hiệu quả ngay trong nhà mình. 

Đối với các thiết bị điện gia dụng mua mới: Khách hàng nên lựa chọn những thiết bị có nhãn xác nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng (là nhãn được dán lên sản phẩm tiêu thụ năng lượng có hiệu quả cao nhằm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng lựa chọn khi mua hàng).

Đối với các sản phẩm điện gia dụng đang sử dụng: Khách hàng có thể áp dụng các biện pháp dưới đây sẽ tiết kiệm được từ 15% - 20% lượng điện năng tiêu thụ trong mỗi tháng: 

1. Các thiết bị điện: Rút tất cả các thiết bị điện khỏi ổ cắm khi không sử dụng. 

2. Đối với bóng đèn: Nên thay các loại bóng đèn sợi đốt bằng các thiết bị chiếu sáng có hiệu xuất cao như bóng đèn compact, hay đèn led tiết kiệm điện; Tắt đèn khi ra khỏi phòng. 

3. Ti vi: Điều chỉnh ánh sáng và âm lượng phù hợp; Xem tivi cùng nhau thay vì bật đồng loạt tivi ở các phòng; Khi không xem nên tắt bằng nút power ở tivi và rút phích cắm ra khỏi ổ cắm. 

4. Điều hòa nhiệt độ: Nên đặt nhiệt độ trung bình 27oC, vệ sinh màng lọc bụi thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ 6 tháng/lần; Không ủi quần áo trong phòng khi đang mở máy lạnh. 

5. Quạt điện: Mở quạt ở tốc độ thích hợp để tiết kiệm điện vì quạt càng chạy nhanh càng tốn điện; Rút phích cắm điều khiển từ xa ở quạt sau mỗi lần sử dụng.  

6. Tủ lạnh: Giảm thiểu số lần mở tủ lạnh và thời gian mở tủ lạnh để tránh mất độ lạnh trong tủ. Không đặt tủ lạnh gần các vật phát nhiệt (bếp ga, bếp lò…) và những nơi có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào; Không để thức ăn còn nóng vào tủ lạnh.

7. Nồi cơm điện: Không nấu cơm quá sớm, chỉ nấu trước khi ăn khoảng 30 - 45 phút để hạn chế thời gian hâm nóng; Thường xuyên lau rửa sạch đáy nồi và làm vệ sinh mâm nhiệt để đảm bảo tiếp xúc nhiệt tốt.

8. Bàn là: Nên dùng bàn là vào những giờ thấp điểm (sáng sớm hoặc tối muộn), tập trung nhiều đồ ủi một lần để tiết kiệm điện, không nên ủi quần áo khi còn đang ướt, thường xuyên lau sạch bề mặt kim loại của bàn ủi. 

9. Máy giặt: Giặt khối lượng đồ phù hợp với công suất máy, đặt máy giặt ở nơi thông thoáng, thường xuyên vệ sinh lồng giặt. 

10. Máy nước nóng:  Nên sắp xếp thời gian tắm rửa bằng nước nóng của các thành viên trong gia đình gần nhau để tiết kiệm điện. Không nên cài đặt nhiệt độ nước quá nóng; Nên dùng vòi sen lưu lượng thấp; Sử dụng máy nước nóng trực tiếp thay cho máy nước nóng gián tiếp, có điều kiện nên sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời.


Tác giả: Thu Ngân

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website