A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, tạo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương

Với sự chủ động của các địa phương trong việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, điều này đã tạo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương.

Mở rộng thị trường, gia tăng giá trị từ nền tảng số

Hợp tác xã nông nghiệp nông dân dứa Vĩnh Phú, huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) có 53 thành viên, sản xuất trên diện tích 67 ha, sản lượng dứa mỗi năm thu hoạch 1,4 triệu trái/ héc ta. Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp nông dân dứa Vĩnh Phú – cho hay, trước khi được công nhận sản phẩm OCOP, giá dứa bấp bênh và thương lái thường ép giá nên nông dân khó có lãi. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP đến nay, thương hiệu dứa Vĩnh Phú được một số công ty đặt hàng thu mua để cung ứng cho các siêu thị nên giá bán cao và ổn định hơn trước rất nhiều. Từ năm 2022 đến nay, giá dứa trái loại 1 từ 11.000-14.000 đồng/trái. Trung bình mỗi ha dứa, nông dân trong hợp tác xã thu nhập khoảng 150 triệu, sau khi trừ chi phí lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/vụ.

Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng, trên địa bàn huyện hiện có 28 sản phẩm OCOP và hầu hết được làm ra từ các loại nông sản như cây ăn trái, cá khô, bánh mứt từ hoa quả… Trong những năm qua, huyện chú trọng hỗ trợ nhãn mác, bao bì cho các sản phẩm OCOP để xúc tiến thương mại, mở rộng ra các thị trường; tổ chức tập huấn cho các chủ thể để người dân quảng bá và thực hiện bán hàng trực tuyến để tiêu thụ được nhiều sản phẩm.

Còn tại Lạng Sơn, trong xu hướng phát triển, cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh đã và đang linh hoạt sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội để đẩy mạnh tiêu thụ, phân phối sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đến người tiêu dùng.

Trước đây, sản phẩm khô heo mác mật của gia đình ông Dương Hữu Điện (thôn Bình Thượng, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) chủ yếu bán qua phương thức giao dịch truyền thống như trưng bày tại cửa hàng và giao cho các đại lý trong và ngoài huyện. Tháng 8/2023, sản phẩm heo dẻo mác mật được đánh giá, phân hạng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện, gia đình đã chủ động tham gia phát triển cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử qua các sàn thương mại điện tử. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, gia đình ông Dương Hữu Điện tiêu thụ khoảng 3.000 sản phẩm qua các kênh sàn thương mại điện tử. So với trước đây, thị trường được mở rộng ra rất nhiều tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh…

Không chỉ riêng gia đình ông Dương Hữu Điện, hiện nay, nhiều hợp tác xã (HTX) sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang tập trung cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm để đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.

Hiện nay, sản phẩm trà diếp cá Lụa Vy của HTX Chế biến nông sản Lụa Vy (xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng) đã được đánh giá, phân hạng đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện. Để phát triển cửa hàng số trên sàn thương mại điện tử, từ năm 2023 đến nay, HTX đang phối hợp với các nhà phân phối trong và ngoài tỉnh tổ chức các buổi livestream bán hàng, đưa sản phẩm trà của HTX lên Shopee, Tik Tok Shop... Từ khi tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, trung bình mỗi ngày HTX xuất bán từ 100 đến 200 sản phẩm, lúc cao điểm lên đến 500 - 600 sản phẩm, tăng gấp đôi so với trước đây.

Chị Vy Thị Lụa - Giám đốc HTX Chế biến nông sản Lụa Vy - cho biết, việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử không chỉ góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản ra ngoài tỉnh mà còn giúp các hộ nông dân tăng thu nhập, giảm bớt rủi ro khi “được mùa mất giá, được giá thì mất mùa”...

Hiện nay, toàn tỉnh đã thực hiện đánh giá, phân hạng và công nhận 106 sản phẩm OCOP, trong đó có 20% chủ thể phân phối các sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử. Ông Phạm Tuyến - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn) - cho biết, để tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, hằng năm, đơn vị phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 2 - 3 lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho các chủ thể OCOP về quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại số; tạo các mẫu mã, bao bì mới phù hợp với sản phẩm... Qua đó, góp phần mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm nông sản của tỉnh đối với việc quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị và phát triển thị trường.

Còn tại Lâm Đồng, thông tin từ Sở Công thương tỉnh cho biết, thương mại điện tử, kinh tế số phát triển trở thành một kênh phân phối quan trọng của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại trên toàn tỉnh. Riêng trong lĩnh vực nông sản chế biến, đã có 1.673 sản phẩm (chiếm trên 80% sản phẩm nông sản toàn tỉnh) của 564 đơn vị tham gia các sàn thương mại điện tử. Đây hầu hết là các nông sản thế mạnh, các sản phẩm OCOP của Lâm Đồng như: Trà, cà phê, atiso, rau, củ, quả sấy khô… được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Lâm Đồng đang tích cực thúc đẩy các cá nhân và doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào thương mại điện tử, tham gia chuỗi cung ứng từ người sản xuất - người tiêu dùng.

Tương tự, tại Quảng Ngãi, những năm qua, Sở Công thương đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; tổ chức tập huấn kỹ năng bán hàng, đặc biệt là live stream bán hàng trên mạng xã hội, thu hút đông đảo các bạn trẻ khởi nghiệp tham gia. Theo Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại (Sở Công thương Quảng Ngãi), nhiều doanh nghiệp thông qua giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử đã duy trì ổn định lượng khách hàng cũ, phát triển khách hàng mới. Thay vì phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, bỏ ra khá nhiều chi phí đi tiếp cận từng khách hàng, từng thị trường, doanh nghiệp chỉ cần đầu tư nghiêm túc khâu thiết kế và công tác quảng bá trên các sàn thương mại điện tử là đã có thể cắt được khâu trung gian, nâng cao giá trị thặng dư cho doanh nghiệp.

Đưa nông sản vùng miền vươn tầm quốc tế

Hiện cả nước có hàng nghìn sản phẩm nông nghiệp với 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, trong đó nhiều sản phẩm đã khẳng định chất lượng và được cấp nhãn hiệu tập thể. Đặc biệt, hơn 13.000 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng. Các sản phẩm này đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và mẫu mã, tạo được lòng tin với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Khi chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là con đường duy nhất để tồn tại và phát triển, các địa phương, HTX và doanh nghiệp đang khai thác tối đa sức mạnh của môi trường số, biến thách thức thành cơ hội, đưa nông sản vùng miền ra khỏi biên giới, vươn tầm quốc tế.

Có thể thấy, trong thời đại 4.0 như hiện nay, việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử đang là xu thế giúp sản phẩm có cơ hội đến gần hơn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, các chủ thể OCOP cũng cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo dựng niềm tin, từng bước khẳng định uy tín với người tiêu dùng.


Tác giả: Thu Trang

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website