A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gắn với sự khác biệt để xây dựng và phát triển thương hiệu

Nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng xây dựng và có sự đầu tư thích đáng. Chính vì vậy, nhiều thương hiệu hàng đầu Việt Nam không chỉ có những cải tiến vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh mà còn dần bắt kịp với xu thế toàn cầu. 

Những thách thức trong xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp

Thống kê cho thấy, giai đoạn từ 2019- 2023, Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới là 102%. Nếu như năm 2019 giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá là 247 tỷ USD nhưng năm 2023 đã đạt 498,13 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng liên tục về phần trăm giá trị thương hiệu hai con số.

Điều này cho thấy chủ trương, chính sách đúng đắn và nỗ lực của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng quan hệ song phương và đa phương, hỗ trợ xuất nhập khẩu. Đi liền đó nỗ lực không ngừng từ doanh nghiệp để vượt qua nhiều khó khăn nhằm xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần gia tăng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó nâng cao hơn khả năng cạnh tranh của của sản phẩm, thu hút đầu tư và phát triển ngoại thương. Mặc dù vậy, nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra như chiến lược xuất khẩu chưa bền vững, tranh chấp thương mại quốc tế về thương hiệu vượt quá khả năng giải quyết của một doanh nghiệp, một ngành hay địa phương, sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng hàm lượng công nghiệp chế biến và giảm tỷ trọng nguyên liệu thô vẫn chưa rõ rệt, giá trị gia tăng trong sản phẩm còn chưa cao, mà một trong những nguyên nhân yếu kém là về thương hiệu.

Vì vậy, để xây dựng và phát triển thương hiệu một cách hiệu quả thì cần tìm ra những giá trị cốt lõi, nổi bật. Thương hiệu phải gắn với sự khác biệt.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, thương hiệu chính là tài sản lớn nhất của DN, song quá trình xây dựng thương hiệu mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Trong bối cảnh thị trường thế giới và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội cho DN nhưng đi liền đó là khó khăn, thách thức lớn, thậm chí đào thải DN không quan tâm phát triển thương hiệu.

Vì vậy, cần nhận diện rõ thách thức thường gặp trong xây dựng thương hiệu của DN hiện nay là thiếu chiến lược thương hiệu tổng thể khiến mọi hoạt động truyền thông quảng bá sẽ mất định hướng và trở nên lãng phí.

Đồng quan điểm, ông Bạch Ngọc Văn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) – cũng chia sẻ, trong quá trình xây dựng thương hiệu, khó khăn lớn nhất chính là chi phí thực hiện bộ nhận diện thương hiệu. Về chi phí đầu vào, giai đoạn đầu thật sự rất khó khăn cho doanh nghiệp nhưng nhìn về tổng thể 1 năm hay nhiều năm sau đó lại không phải là quá lớn mà cần thời gian.

Đặc biệt, với ngành gạo, đối thủ cạnh tranh quá nhiều, cả trong nước cũng như quốc tế. Chính vì vậy, để tạo ra sự khác biệt về thương hiệu cần một nguồn lực tổng thể không chỉ ở trong kinh doanh mà cả trong đầu tư hệ thống máy móc thiết bị đến liên kết bao tiêu với nông dân rồi đến mẫu mã bao bì, kết hợp lại thành một chuỗi để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Tập trung giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm

Theo ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance châu Á-Thái Bình Dương cho hay việc xây dựng được một câu chuyện hấp dẫn là “chìa khóa” để xây dựng thương hiệu và hình ảnh Quốc gia Việt Nam. Cùng với đó là lời hứa được đưa ra để tạo sự tin tưởng, uy tín và thân thuộc với thương hiệu.

Có thể thấy, xây dựng thương hiệu đòi hỏi sự bền bỉ, liên tục không ngừng nghỉ và phải luôn đổi mới; xây dựng thương hiệu phải gắn chặt với quản trị thương hiệu. Đặc biệt, doanh nghiệp phải khắc phục tư duy hàng tốt xuất khẩu, hàng kém bán trong nước; chinh phục người tiêu dùng Việt Nam trên cơ sở xây dựng mạng lưới phân phối rộng khắp, khép kín với sự phối hợp của hiệp hội ngành nghề và sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa thị trường và nhà nước.

Mặt khác, phải đáp ứng mọi yêu cầu chất lượng, giá cả và thỏa mãn thị hiếu đa dạng, ngày càng khắt khe, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần xây dựng niềm tin thương hiệu bằng chất lượng, giá trị sản phẩm;khai thác tốt hơn tiềm năng thế mạnh, tận dụng mạnh mẽ thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu, kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia, tạo giá trị gia tăng.

Từ góc độ Bộ Công Thương, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt có năng lực để xây dựng, quản trị và phát triển các thương hiệu sản phẩm nhằm tiệm cận, đáp ứng được các tiêu chí của Chương trình Thương hiệu Quốc gia, từ đó hình thành các thương hiệu mạnh mang lại giá trị gia tăng lớn hơn.

Với việc phát triển và xây dựng các thương hiệu mạnh như vậy và với giá trị của các sản phẩm được nâng cao, Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ đóng góp một phần vào việc tăng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.

Cùng với đó, đẩy mạnh, tuyên truyền quảng bá cho các sản phẩm đạt tiêu chí của chương trình Thương hiệu Quốc gia, từ đó để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. “Điều này không chỉ mang lại hiệu quả lớn hơn cho công tác phát triển ngoại thương mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia Việt Nam,” ông Hoàng Minh Chiến nhấn mạnh.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website