Kết nối giao thương Việt Nam - châu Âu: Cơ hội doanh nghiệp Việt tiếp cận công nghệ xanh
Trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh năm 2024 (GEFE 2024), Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức "Hội nghị kết nối giao thương Doanh nghiệp Việt Nam - châu Âu" ngày 21/10, nhằm tăng cường hợp tác, giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam. Hội nghị tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các công nghệ xanh tân tiến và cơ hội học hỏi từ các doanh nghiệp xanh dẫn đầu thị trường. Từ đó thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng xanh, bền vững thông qua các sáng kiến, chia sẻ chuyên môn và chuyển giao công nghệ.
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, việc triển khai các hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh và chuyển giao công nghệ là hết sức quan trọng và cần được tăng cường.
Trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu chuyển dịch sang các mô hình kinh tế xanh, công nghệ sạch và kinh tế tuần hoàn, hai bên có tầm nhìn chung về phát triển bền vững. Tiềm năng hợp tác EU và Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất xanh, phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen xanh và công nghệ cao là vô cùng lớn.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với mục tiêu đạt trung hòa car bon vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tạo khung chính sách để phát triển bền vững, đẩy mạnh các hoạt động giảm phát thải, xanh hóa nền kinh tế và công nghệ từ EU sẽ không chỉ giúp nền kinh tế Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu xanh, hiện đại hóa quy trình sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh mà còn đóng góp tích cực vào nỗ lực chung vào giảm thiểu tác động môi trường phát triển bền vững toàn cầu.
Hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam – EU 2024 mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Thông qua các sáng kiến, chia sẻ chuyên môn từ các diễn giả về Thỏa thuận xanh châu Âu; đẩy mạnh liên kết vùng hướng tới xuất khẩu xanh và bền vững; nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm xanh thích ứng với bối cảnh mới… doanh nghiệp hai bên có cơ hội cùng nhau trao đổi, thảo luận về các dự án chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất xanh, năng lượng tái tạo và kinh tế tuần hoàn, từ đó mở ra các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực “kinh tế xanh”.
Trong khuôn khổ hội nghị, gần 80 doanh nghiệp hai bên đã tham dự phiên giao thương trực tiếp với 6 lĩnh vực: tư vấn công nghệ; vận tải& logistics; dược phẩm; năng lượng tài nguyên; bất động sản & xây dựng; tài chính.
Trong quan hệ hợp tác thương mại với thị trường châu Âu (EU), các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu, rộng hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng của thị trường này.
Hiện Việt Nam trở thành quốc gia có thị phần xuất khẩu vào EU lớn nhất trong số các quốc gia khu vực ASEAN.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 24,7 tỉ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu từ EU đạt 7,7 tỉ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Về hợp tác đầu tư, EU là khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 6 tại Việt Nam với 2.450 dự án, tổng số vốn đầu tư lũy kế đạt hơn 28 tỉ euro. Thời gian qua, tuy dòng vốn FDI toàn cầu đang suy giảm, các doanh nghiệp EU vẫn nghiên cứu và triển khai các dự án đầu tư quan trọng tại Việt Nam.