A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khẳng định giá trị Gạo Một Bụi Đỏ Hồng Dân trên thị trường

Gạo một bụi đỏ Hồng Dân được đánh giá là gạo nổi tiếng của vùng đất Bạc Liêu. Hạt gạo dài, thon, nhỏ hai đầu, hương thơm tự nhiên, màu vàng sẫm hơi ánh đỏ, gạo ít bị vỡ khi xay xát. Khi nấu cơm có mùi thơm, nở mềm, nhiều chất dinh dưỡng, được xếp trong top đầu của danh sách gạo ngon Việt Nam.

Huyện Hồng Dân được chính quyền cách mạng của lực lượng Việt Minh thành lập vào năm 1947, ban đầu thuộc tỉnh Rạch Giá, do đổi tên từ huyện Phước Long trước đó. Năm 1952, huyện Hồng Dân được giao cho tỉnh Bạc Liêu. Tháng 10 năm 1954, huyện Hồng Dân trở lại thuộc tỉnh Rạch Giá. Tháng 10 năm 1957, huyện Hồng Dân thuộc tỉnh Sóc Trăng. Tháng 11 năm 1973, Khu uỷ Tây Nam Bộ quyết định tái lập tỉnh Bạc Liêu, khi đó huyện Hồng Dân lại thuộc tỉnh Bạc Liêu cho đến năm 1976.

Ngày 29/12/1978, Hội đồng Chính phủ phân định lại địa giới hành chính các huyện và thị xã thuộc tỉnh Minh Hải. Theo đó huyện Hồng Dân được chia thành 2 huyện, lấy tên là huyện Hồng Dân và huyện Phước Long.

Những người đến khai hoang Đồng chó ngáp từ hơn 30 năm trước, kể rằng hồi đó do đất bị nhiễm phèn, mặn nặng nên làm lúa trầy trật lắm, cho đến khi họ có được giống lúa Một bụi bờ đìa (MBBĐ).  Đó là một giống lúa mùa, năng suất thấp nhưng hạt gạo thơm, ngon. Khi phong trào nuôi tôm ở Bạc Liêu phát triển mạnh, người dân thi nhau lấy nước mặn vào Đồng chó ngáp nuôi tôm, đến  cây khóm cũng không sống nổi. Vậy mà lúa MBBĐ vẫn cho năng suất cao; đồng thời  nuôi tôm dưới chân lúa lại rất hiệu quả. 

Năm 2003, tỉnh Bạc Liêu đã xúc tiến xây dựng thương hiệu gạo “Một bụi đỏ Hồng Dân”, từ giống lúa MBBĐ. Khi đó, lãnh đạo địa phương phải “khăn gói” đến Đại học Cần Thơ và Viện lúa ĐBSCL để nhờ các nhà khoa học giúp đưa giống lúa MBĐ trở về thuần chủng ngày xưa, sinh trưởng ổn định và cho năng suất cao trong điều kiện đất đai phèn mặn cao của Hồng Dân. UBND huyện cũng đã phối hợp với Viện lúa ĐBSCL tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, nâng cao nhận thức cho nông dân trong việc sản xuất nông sản sạch, an toàn. Nhờ đó, diện tích lúa MBĐ không ngừng được nhân rộng, đến nay đã tăng lên hơn 21.000 ha. Ngày 25/6/2008, gạo MBĐ Hồng Dân đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ KH- CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn thương hiệu độc quyền.

Gia tăng tính bền vững cho thương hiệu

Lâu nay người nông dân Bạc Liêu thường quen canh tác theo kinh nghiệm và không tuân thủ lịch thời vụ, chọn giống cũng như chưa xác định được hướng đi bền vững cho cây trồng, vật nuôi. Một vấn đề tồn tại nhiều năm qua là nông dân thiếu thông tin, dự báo, dự đoán thị trường còn hạn chế. Kể từ khi gạo MBÐ được công nhận thương hiệu góp phần thay đổi tư duy mới, cách làm ăn mới của nhiều hộ nông dân trong tỉnh. Ðặc biệt, diện tích sản xuất lúa MBÐ của tỉnh không chỉ dừng lại hơn 21.000 ha mà trong tương lai có thể sẽ tăng thêm hàng chục nghìn ha. Khi đó, chính quyền, ngành nông nghiệp và nông dân đã chủ động đề ra các giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng gạo, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Ngoài ra để mạnh mẽ khẳng định thương hiệu gạo MBÐ Bạc Liêu song song với mở rộng diện tích, chính quyền, ngành nông nghiệp, khoa học - công nghệ tỉnh đã thực hiện tốt quy hoạch vùng sản xuất, đầu tư thủy lợi, giống..., nhằm khẳng định thương hiệu gạo MBÐ của tỉnh được giữ vững và phát triển trên thị trường trong và ngoài nước.

Thời gian qua cùng với hoạt động xây dựng, quản lý, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chủ động xúc tiến, quảng bá thương hiệu gạo MBĐ Hồng Dân bằng cách hỗ trợ các HTX tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ; giới thiệu sản phẩm gạo MBĐ tại hội chợ thương mại và một số siêu thị, đồng thời giới thiệu rộng rãi sản phẩm đến một số địa phương phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng và tìm kiếm các đối tác nước ngoài. Những nỗ lực quảng bá thương hiệu của chính quyền tỉnh Bạc Liêu là rất quan trọng. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia để sản phẩm gạo MBĐ của địa phương luôn đứng vững trên thị trường, ngoài việc tập huấn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch… thì việc trang bị cho nông dân ý thức xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm của mình là vô cùng cần thiết.


Tác giả: Huy Dương

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website