A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại

Công tác phối hợp thực hiện xúc tiến thương mại giữa Cục Xúc tiến thương mại với các địa phương, giữa các Cục Xúc tiến thương mại, các trung tâm xúc tiến thương mại các địa phương với các tổ chức, đơn vị khác còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả. Để hoạt động xúc tiến thương mại hiệu qua hơn, đề nghị tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Cục Xúc tiến thương mại, các đơn vị xúc tiến thương mại các địa phương với các đơn vị, tổ chức của Bộ Công Thương.

Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Hội nghị giao ban Công tác Xúc tiến thương mại khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2023 chiều ngày 11/5. Hội nghị này có sự tham dự của các Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công – Xúc tiến thương mại 16 tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên.

Hoạt động xúc tiến thương mại sôi động trở lại

Báo cáo về tình hình hoạt động xúc tiến thương mại khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2022, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 ghi nhận nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại trên cả nước đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại chủ động sáng tạo trong triển khai, thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kết nối cung cầu hàng hóa, duy trì và tăng cường các hoạt động hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu.

Trong năm, hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại đã triển khai hơn 755 đề án Xúc tiến thương mại, đạt 82% kế hoạch. Tổng kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến thương mại năm 2022 của các Trung tâm xúc tiến thương mại địa phương hơn 250 tỷ đồng; kinh phí thực hiện trong năm ước tính 199 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho hơn 15.000 lượt doanh nghiệp tham gia quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường, giá trị hợp đồng và giao dịch tại các sự kiện đạt gần 300 tỷ đồng và 20 triệu USD đơn hàng xuất khẩu.

Trong các tháng đầu năm 2023, các địa phương trên cả nước nói chung, khu vực Miền Trung – Tây Nguyên nói riêng đã hướng dẫn và tổ chức cho các các doanh nghiệp địa phương tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong nước và ở nước ngoài như giới thiệu doanh nghiệp địa phương tham dự các Hội chợ triển lãm chuyên ngành lớn ở thị trường EU (Hội chợ Biofach, Fruit Logistica, Hội chợ thủy sản toàn cầu), Hội chợ công nghiệp Hannover Messe...), Trung Đông (HC thực phẩm Gulfood, HC chuyên ngành da giày...), Mỹ (HC Thủy sản Boston), Nhật Bản (HC Foodex), các chương trình Hội nghị quốc tế ngành hàng, kết nối các nhà cung ứng địa phương với các nhà nhập khẩu nước ngoài, các nhà mua hàng xuất khẩu...

Các hoạt động từ đầu năm đến nay thể hiện sự sôi động trở lại của hoạt động xúc tiến thương mại và góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn về thị trường trong các tháng qua.

Mặc dù đã có sự sôi động trở lại của các hoạt động xúc tiến thương mại, tuy nhiên, nhiều địa phương miền Trung – Tây Nguyên cho rằng Cục Xúc tiến thương mại nên có thông tin sớm hơn đến các địa phương về các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại trong năm để các địa phương căn cứ vào đó có kế hoạch và làm dự toán.

Ông Nguyễn Thanh Tòng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Đắk Nông cho biết kinh phí xúc tiến thương mại của tỉnh không nhiều. Trong khi đó, kế hoạch tổ chức các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại của Cục Xúc tiến thương mại lại thông báo muộn, vì vậy, đơn vị gặp khó khăn trong tham gia các chương trình.

Ngoài ra, để hoạt động xúc tiến thương mại khu vực hiệu quả hơn, có ý kiến cho rằng, cần sớm có hướng dẫn kỹ hơn về định mức kinh tế kỹ thuật của hoạt động xúc tiến thương mại để các địa phương căn cứ theo đó có cơ sở cân đối kinh phí hàng năm. Hay hỗ trợ hướng dẫn chương trình thương mại xanh, chuyển đổi xanh; có quy định cơ chế tài chính cũng như hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số; tổ chức thêm chương trình kết nối cung cầu, kết nối giao thương; mời thêm các nhà phân phối địa phương như chợ đầu mối trong các chương trình kết nối giao thương; hỗ trợ tổ chức các hội chợ OCOP, hội chợ Việt – Lào….

Tăng cường phối hợp

Thắng thắn chỉ ra những tồn tại của hoạt động xúc tiến thương mại miền Trung – Tây Nguyên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, đó là sự thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả trong công tác phối hợp thực hiện xúc tiến thương mại giữa Cục Xúc tiến thương mại với các địa phương, giữa các Cục Xúc tiến thương mại, các trung tâm xúc tiến thương mại các địa phương với các tổ chức, đơn vị khác.

Khi xây dựng một chương trình trước tiên phải có định hướng đối với thị trường nào, mặt hàng nào, hay thị trường nội địa là gì. Sau đó phối hợp với các địa phương, hiệp hội, ngành hàng thậm chí là một số doanh nghiệp lớn xây dựng chương trình khả thi. Cần phải rất lưu ý sự phối hợp giữa Cục Xúc tiến thương mại với các địa phương để tăng tính hiệu quả trong công tác xúc tiến thương mại”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu và đề nghị tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Cục Xúc tiến thương mại, các đơn vị xúc tiến thương mại các địa phương với các đơn vị, tổ chức của Bộ Công Thương.

"Công tác xúc tiến thương mại không phải của riêng một Bộ hay ngành nào, cấp nào. Xúc tiến thương mại muốn thành công thì Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại là đơn vị chủ trì, là đơn vị điều phối, hỗ trợ để các tổ chức khác (như vụ thị trường trong nước, các vụ thị trường nước ngoài), các địa phương thực hiện”-Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Về định hướng công tác xúc tiến thương mại trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đề nghị các đơn vị xúc tiến thương mại cần tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết; khẩn trương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại đã được phê duyệt; Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc, gắn với xây dựng thương hiệu để xuất khẩu bền vững; tiếp tục chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mai; thúc đẩy chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; khuyến khích các hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy nhập khẩu thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ nguồn…phục vụ tạo những sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Trong năm 2023, tổng kinh phí thực hiện xúc tiến thương mại của các tỉnh thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên là 49.583 tỷ đồng. Trong đó, sẽ tổ chức 8 hội chợ triển lãm cấp vùng; 103 hội chợ triển lãm cấp tỉnh, thành phố; tổ chức cho doanh nghiệp tham gia 7 hội chợ triển lãm nước ngoài và thực hiện 22 phiên chợ hàng Việt về miền núi, hải đảo. Cùng với đó, dự kiến tổ chức 11 đoàn khảo sát thị trường nước ngoài, tổ chức 14 đoàn khảo sát thị trường trong nước; tổ chức 3 đoàn nhập khẩu đến địa phương mua hàng. Ngoài ra còn thực hiện các hoạt động đào tạo, tập huấn, thông tin thương mại…

 


Tác giả: Huy Dương

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website