Sẽ tổ chức Triển lãm dệt may hàng đầu khu vực tại Việt Nam
Với những lợi thế cạnh tranh cao của ngành Dệt may Việt Nam ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, Bộ Công Thương đã giao Cục Xúc tiến Thương mại (Vietrade) hợp tác với Tập đoàn Mess Frankfurt (CHLB Đức) tổ chức Triển lãm Thương mại Quốc tế về May mặc, Dệt may và Công nghệ Dệt may (VIATT 2024) hàng năm. Dự kiến, phiên bản VIATT lần đầu tiên sẽ được ra mắt từ ngày 28/2 – 1/3/2024 tại TP. Hồ Chí Minh. Triển lãm được kỳ vọng sẽ là sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế hàng đầu khu vực, góp phần quan trọng định hình tương lai ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam.
Tại Hội chợ Intertextile Thượng Hải 2023 - Kỳ mùa thu, phiên bản lớn nhất của chuỗi Triển lãm Intertextile toàn cầu mới đây, được sự uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) đã phối hợp với Công ty Messe Frankfurt (HK) tổ chức buổi Họp báo đầu tiên giới thiệu Hội chợ VIATT 2024.
Đồng chủ trì buổi Họp báo gồm Cục trưởng Cục XTTM Vũ Bá Phú, Uỷ viên Ban điều hành Tập đoàn Messe Frankfurt ông Uwe Behm và Giám đốc điều hành Công ty Messe Frankfurt Hồng Kông bà Wendy Wen. Buổi họp báo còn có sự tham dự của Tổng lãnh sự Việt Nam tại Thượng Hải Nguyễn Thế Tùng,
Tại buổi họp báo, đại diện của cả Messe Frankfurt và Vietrade thống nhất cao nhận định về tính thiết thực, cơ hội đối với toàn bộ chuỗi giá trị ngành dệt may do một sự kiện hàng đầu khu vực Đông Nam Á được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh. Được tổ chức đúng thời điểm doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung ứng vào mùa xuân.
Thông tin của Ban tổ chức, năm đầu tiên tổ chức, triển lãm dự kiến sẽ thu hút hơn 500 nhà trưng bày trên tổng diện tích khoảng 18.000 m2 và khoảng 35.000 khách tham quan. Bà Wendy Wen - Giám đốc điều hành của Messe Frankfurt Hồng Kông, đánh giá, với vai trò là thương mại bổ sung vào chuỗi các sự kiện hiện có của chúng tôi tại Trung Quốc, VIATT sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường của chúng tôi sang Đông Nam Á một cách hiệu quả, nhằm củng cố mạng lưới chuyên môn toàn cầu, Triển lãm bao phủ toàn bộ chuỗi giá trị dệt may. Mạng lưới của chúng tôi, với liên kết hơn nửa triệu chuyên gia dệt may trên toàn cầu và đã tổ chức hơn 50 hội chợ thương mại dệt may quốc tế trên 11 quốc gia khác nhau, sẽ hỗ trợ toàn diện cho VIATT.
Cũng theo bà Wen, với thỏa thuận này, chúng tôi sẽ tận dụng hơn 30 năm kinh nghiệm tổ chức Triển lãm Dệt may Intertextile tại Trung Quốc và mở rộng sang ngành dệt may đang phát triển với tốc độ cao ở Việt Nam. Cho đến nay, Intertextile đã trở thành chuỗi hoạt động có ảnh hưởng lớn nhất trong mạng lưới chuyên môn của Messe Frankfurt, với phạm vi rộng lớn nguồn tài nguyên về vải may mặc, hàng dệt gia dụng và hàng dệt may theo đơn đặt hàng.
“Với sân bay và cảng biển quốc tế lớn nhất Việt Nam cũng như vị trí gần với các quốc gia và khu vực sản xuất dệt may khác, Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí chiến lược để tổ chức sự kiện mang tầm vóc quốc tế này. Thành phố thu hút 35% dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam và là địa điểm được lựa chọn cho phần lớn các hội chợ thương mại của cả nước”- bà Wen đánh giá.
Trao đổi về tiềm năng của sự kiện, ông Vũ Bá Phú cho rằng Việt Nam đã nổi lên là một trong ba nước xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu thế giới, với mức tăng trưởng đặc biệt cao, bình quân gần 20% trong 10 năm qua.
Khi các công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Việt Nam có lợi thế tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, sẽ rất tiềm năng để thu hút đầu tư vào thị trường.
Thêm nữa, yếu tố sản xuất xanh và sản phẩm bền vững cũng đang ngày càng trở nên quan trọng. Do đó ông Phú cho rằng VIATT 2024 sẽ là nơi gặp gỡ của các nhà cung cấp và nhà mua hàng thuộc mọi hạng mục, nhằm tìm nguồn cung và khai thác tối đa tiềm năng của thị trường này. Bằng cách kết nối các công ty dệt may từ khắp châu Á, châu Âu… tới thị trường sôi động này, VIATT 2024 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam.
Theo Ban tổ chức, Hội chợ năm 2024 sẽ quy tụ các nhà trưng bày trong nước và quốc tế hoạt động trong nhiều phân ngành của thế giới từ hàng may mặc, vải và phụ kiện may mặc, sợi và xơ, in kỹ thuật số, hàng dệt gia dụng, hàng dệt kỹ thuật và sản phẩm không dệt, gia công hàng dệt, máy dệt....
Các nhà trưng bày và nhà mua hàng có thể sử dụng dịch vụ kết nối kinh doanh toàn cầu của Triển lãm, nơi việc kết nối được thực hiện dựa trên nhu cầu cụ thể của mỗi bên. Ngoài chức năng chính là một diễn đàn giao dịch quốc tế, các sự kiện bên lề Hội chợ cũng sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia kết nối với các nhà lãnh đạo trong ngành và cung cấp những thông tin đa dạng về thị trường thông qua các hội thảo, diễn đàn và các phiên thảo luận.