A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vietnam Foodexpo 2023: Nhiều hoạt động kết nối thị trường cho sản phẩm công nghiệp thực phẩm Việt

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành công nghiệp thực phẩm, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với nhiều đơn vị liên quan đẩy mạnh nhiều hoạt động, giải pháp phát triển thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và từng bước gia tăng giá trị xuất khẩu thực phẩm Việt trên thị trường quốc tế.

Vì vậy, trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2023 - Vietnam Foodexpo 2023 vừa qua, một chuỗi các chương trình, hội nghị nhằm bàn về giải pháp kết nối thị trường cho sản phẩm công nghiệp thực phẩm Việt đã được diễn ra sôi nổi, đã có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm kết nối giao thương thành công với các nhà nhập khẩu nước ngoài. 

Doanh nghiệp kết nối giao thương 1:1 với nhà nhập khẩu

Ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy xúc tiến thương mại

Trong khuôn khổ Triển lãm Vietnam Foodexpo 2023, ngày 22/11/2023, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) TP. Hồ Chí Minh, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức hội nghị "Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại với chủ đề: Nông sản, thực phẩm Việt Nam trong kỷ nguyên số”.

Tại Hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã nhấn mạnh các phương thức xúc tiến thương mại trên môi trường số mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành hàng nông sản thực phẩm đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng là rất cần thiết trong lúc này. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay và ngành hàng nông sản thực phẩm Việt không thể đứng ngoài cuộc.

Hội nghị Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong XTTM thu hút đông đảo khách tham dự

Theo các chuyên gia, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng nhìn chung, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là ngành nông sản thực phẩm sang các thị trường lớn vẫn luôn được đánh giá khả quan. Nhiều doanh nghiệp đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số như: Mở rộng kênh bán hàng, tăng đầu tư vào công nghệ số, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại, tăng trưởng xuất khẩu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp nội địa trong ngành hàng nông sản thực phẩm cần nâng cao nhận thức về sự cần thiết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Đặc biệt là cần có nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh thương hiệu và các sản phẩm tiêu biểu của các doanh nghiệp thông qua môi trường số.

Là đơn vị phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương trong việc thực hiện Gian hàng Quốc gia Việt Nam (Vietnam Pavilion) trên Alibaba.com tập hợp sản phẩm và doanh nghiệp tiêu biểu tham gia thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) toàn cầu, nhằm thúc đẩy thương hiệu Việt vươn ra thị trường thế giới, bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Marketing sàn Thương mại Điện tử Alibaba.com Việt Nam, thông tin, hiện chỉ Top 100 doanh nghiệp Việt Nam được lựa chọn dựa trên Bộ tiêu chí tuyển chọn doanh nghiệp tiêu biểu của Gian hàng Quốc gia Việt Nam do Cục Xúc tiến Thương mại và Alibaba.com Việt Nam thiết lập mới đủ tiêu chuẩn tham gia.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị này cũng đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại) và TikTok Việt Nam nhằm cụ thể hóa các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp và xúc tiến xuất khẩu.

Kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc trong lĩnh vực nông, thủy sản

Trong khi đó, tại Hội nghị Xúc tiến Thương mại Kết nối Giao thương Doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc về lĩnh vực Nông, Thủy sản, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho hay triển vọng và tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc còn dư địa rất lớn trong thời gian tới.

8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 103,92 tỷ USD và đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Dự báo kim ngạch thương mại hai nước trong năm 2023 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt đẹp và đạt nhiều kết quả khả quan.

Ông Lê Hoàng Tài nhận định: Thời gian tới, triển vọng và tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước còn rất lớn, xuất phát từ những nhân tố như sau: Quan hệ hợp tác chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển tốt đẹp thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa Lãnh đạo hai Đảng và Lãnh đạo Chính phủ hai nước. Thêm vào đó, với vị trí địa lý đặc thù, hai nước có lợi thế to lớn trong hoạt động logistics, vận chuyển hàng hóa bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Ngoài ra, Việt Nam đã ký kết và đang tham gia 16 FTA trong đó có nhiều FTA mở ra nhiều cơ hội tại các khu vực thị trường tiềm năng, có quy mô dân số lớn như CPTPP, RCEP. Đây sẽ là cơ hội thu hút doanh nghiệp Trung Quốc sang đầu tư tại Việt Nam để tận dụng các lợi thế này trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường mà Việt Nam tham gia FTA để hưởng các ưu đãi mà FTA mang lại.

Tuy vậy, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc - cho rằng, việc giao thương giữa hai quốc gia, cụ thể là xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc, bao bì đóng gói theo quy định của Trung Quốc (Lệnh số 248, 249). Các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại từ các quốc gia khác và ngay cả với các sản phẩm nông sản cùng loại do chính Trung Quốc sản xuất. Số lượng sản phẩm nông sản được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc vẫn khá khiêm tốn và công tác mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới diễn ra chậm và gặp không ít khó khăn; các doanh nghiệp hai bên vẫn thiếu thông tin thị trường, sản phẩm hàng hóa và thông tin về đối tác..., điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp hai bên.

Vì vậy, Hội nghị “Xúc tiến thương mại và kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc trong lĩnh vực nông, thủy sản” được tổ chức với mục đích nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao dịch với trên 50 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, thủy sản, bao bì đóng gói, thực phẩm chế biến của Trung Quốc đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản, trái cây, thực phẩm chế biến đến các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu Trung Quốc để qua đó thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch.Đồng thời, đây cũng là cơ hội để thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực thực phẩm chế biến, nông sản nghiên cứu, đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Đẩy mạnh kết nối giao thương các đối tác

Nhằm tăng cường giao thương kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác, doanh nghiệp, nhà nhập khẩu đến từ các nước trên thế giới, trong khuôn khổ Vietnam FoodExpo 2023, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại các nước:  Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Malaysia tổ chức các chương trình kết nối giao thương 1:1 với các nhà nhập khẩu Nhật Bản, Canada, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ... Các chương trình đã thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam.

Tại Chương trình giao thương với các doanh nghiệp, tập đoàn Nhật Bản đã thu hút sự tham gia trên 30 doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với các nhà cung cấp một cách ổn định các sản phẩm thực phẩm có chất lượng của Việt Nam. Đoàn doanh nghiệp từ Nhật Bản sang Việt Nam tham dự Vietnam Food Expo 2023 lần này gồm nhiều doanh nghiệp lớn chuyên nhập khẩu và phân phối hàng nông thủy sản thực phẩm Việt Nam tại Nhật Bản như: Lieutou Sangyo, Ichiba Food, Seiko JSC, Goodras, Hiroo, Kyoho Co., Ltd, Pan Pacific International Co., (đơn vị vẫn hành chuỗi siêu thị lớn Donkihote), Japan Apple LLC, Next International, CSM, Nichihan, Meina…Cùng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khác đang có nhu cầu tìm kiếm đối tác, sản phẩm phù hợp từ Việt Nam để nhập khẩu và bán hàng tại Nhật Bản. Đây là cơ hội rất tốt cho không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam đã có kinh nghiệm xuất khẩu sang Nhật Bản mà còn với các doanh nghiệp đang có nhu cầu thiết lập quan hệ kinh doanh mới với đối tác Nhật Bản.

Trong khi đó, tại Chương trình giao thương với các doanh nghiệp Canada và Malaysia cũng thu hút sự tham gia của hơn 20 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Canada và Malaysia, trong đó có chuỗi siêu thị Mydin của Maylaysia .

Theo Ban tổ chức, Nhật Bản, Canada, Malaysia và Việt Nam cùng là những nước thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với những ưu đãi về thuế quan của Hiệp định sẽ tạo ra lợi thế cho hàng hoá nói chung, hàng nông sản, thực phẩm nói riêng của Việt Nam sang những thị trường này.

Có thể thấy, các chương trình giao thương 1:1 do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức trong khuôn khổ của Triển lãm Vietnam Foodexpo 2023 hứa hẹn là kênh kết nối hiệu quả, sẽ thúc đẩy xuất khẩu, thâm nhập thị trường và mở rộng thị phần cho hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam.


Tác giả: Hoàng Hà

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website