A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn đã chính thức được định danh

Vịt bầu cổ xanh là đặc sản ẩm thực nổi tiếng của tỉnh Bắc Kạn. Báo cáo “Quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050” của Bộ Tài Nguyên và Môi trường năm 2021, đã khẳng định Vịt bầu là loài động vật bản địa của tỉnh Bắc Kạn, có nguồn gen quý hiếm cần được bảo tồn, bảo vệ để khai thác, phát triển bền vững.

Theo Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế, ngày 05/6/2023, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 756/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00130 cho sản phẩm vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm nội địa tiểu vùng Đông Bắc thuộc vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, nằm trong khoảng tọa độ địa lý từ 21048’22’’ đến 22044’17’’ vĩ độ Bắc và từ 105025’08’’ đến 106024’47’’ kinh độ Đông. 

Vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn trưởng thành có cổ to, ngắn; chân nhỏ, ngắn; chiều cao chân từ 5,8 đến 7,8 cm; chiều cao cổ từ 11,5 đến 13,2 cm.

Thịt vịt bầu cổ xanh tươi nguyên con có thớ thịt dày, da mỏng, có lớp mỡ mỏng dưới da; tỷ lệ xương từ 25 đến 38,2 %; tỷ lệ thịt từ 65,7 đến 72,8 %; hàm lượng lipid từ 10 – 27,8 %.   

Các tính chất, chất lượng đặc thù của vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn có được là nhờ các điều kiện tự nhiên độc đáo của khu vực địa lý. Khu vực địa lý có địa hình, địa mạo rất phức tạp, gồm hệ thống các đồi núi cao, đồi núi thấp, núi đá vôi, bao quanh các thung lũng kiến tạo - xâm thực. Biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm tại khu vực địa lý dao động từ 7 - 13oC. Vào mùa đông, nhiệt độ thường duy trì ở mức thấp hơn 150C trong những ngày có gió mùa Đông Bắc. Khu vực địa lý có nguồn nước trong, sạch, không bị ô nhiễm kim loại nặng như Asen, Chì, Thuỷ ngân, được lấy từ hệ thống sông, suối: sông Cầu, sông Năng và sông Yên Lạc.

Một số nét độc đáo về phương thức chăn nuôi của người dân địa phương cũng góp phần tạo nên tính chất đặc thù của vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn, cụ thể:

Việc chọn giống cần lựa chọn vịt bầu cổ xanh bố mẹ có trọng lượng từ khoảng 2,0 – 2,2 kg/con trống và từ khoảng 1,8 – 2,0 kg/con mái.  Việc sinh sản, ấp trứng được thực hiện tại khu vực địa lý. Vịt có lông mượt, không bị dị tật.

Phương thức chăn nuôi là chăn thả/bán chăn thả. Mật độ nuôi từ 5 – 6 con/m2. Sử dụng thức ăn tự nhiên (ốc, tôm, tép, rau tạp) là chủ yếu. Vào những ngày thời tiết mưa rét, có thể bổ sung thức ăn công nghiệp với tỷ lệ không quá 50% tổng lượng thức ăn. Vịt thương phẩm được xuất chuồng sau khoảng 4 tháng kể từ khi bắt đầu nuôi vịt con. Vịt trống thương phẩm có trọng lượng từ khoảng 1,8 – 2,2kg. Vịt mái có trọng lượng từ khoảng 1,6 – 2,0 kg.

Khu vực địa lý: Các huyện Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới thuộc tỉnh Bắc Kạn.

 


Tác giả: An Bình

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website