A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rộng đường đưa nông sản Yên Bái lên sàn thương mại điện tử

Yên Bái là tỉnh miền núi có 30 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào đân tộc thiểu số chiếm 57,3 %. Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm miền núi, đẩy mạnh kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

Nông sản Yên Bái được tiêu thụ tốt trên sàn TMĐT

Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh đã chủ động tham gia sàn giao dịch TMĐT để trao đổi, mua bán và xây dựng website quảng bá thương hiệu, sản phẩm.

Thời gian qua, các sàn TMĐT này đang là công cụ hữu hiệu để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20/NQ-TU ngày 20/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025.

Hội Nông dân tỉnh đã sớm quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện trong toàn hệ thống Hội, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các chủ thể sản xuất nông nghiệp mở tài khoản giới thiệu, mua, bán trên các sàn TMĐT.

Chỉ tính riêng năm 2022, Sở Công Thương Yên Bái đã hỗ trợ cho 27 doanh nghiệp xây dựng và hoàn thiện hạ tầng TMĐT, đồng thời duy trì hoạt động của Sàn TMĐT Yên Bái tại địa chỉ sctyenbai.com. Đến thời điểm hiện tại có gần 1.000 lượt doanh nghiệp và hơn 600 lượt sản phẩm chào bán trên sàn.

Sở Công Thương Yên Bái cũng phối hợp với các doanh nghiệp đăng tải nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử www.voso.vn và www.postmart.vn với mục tiêu đổi mới, đa dạng phương thức hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và năng lực của các doanh nghiệp trong tỉnh tới các đối tác trong nước và quốc tế để liên kết sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, trên cơ sở danh sách các hộ sản suất, kinh doanh giỏi do Hội Nông dân cung cấp, Bưu điện tỉnh Yên Bái đã tạo được trên 30.000 tài khoản mua, bán cho các hộ nông dân trên sàn TMĐT Postmart.vn, giới thiệu được 3.550 sản phẩm. Trong đó có nhiều sản phẩm của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. 

Đơn cử, để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ năm 2022, dưới sự giúp đỡ của Bưu điện tỉnh Yên Bái, HTX Miến đao Giới Phiên đã đưa sản phẩm sàn TMĐT Postmart.vn. Nhờ đó nhiều người biết đến sản phẩm miến đao Giới Phiên hơn, sản phẩm tiêu thụ tốt hơn. Mỗi năm, sản lượng tiêu thụ miến đao Giới Phiên qua sàn TMĐT Postmart đạt hàng trăm tấn, trong đó chủ yếu tiêu thụ tại các tỉnh bạn qua kênh bán hàng online, sàn TMĐT. 

Bà Phạm Thị Thu Hà - HTX Sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên ( địa bàn vùng dân tộc thiểu số của Yên Bái) cho biết: Khi đưa sản phẩm miến lên sàn TMĐT, HTX thấy có sự chuyển biến rõ rệt trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Có nhiều khách hàng ở các địa phương khác trên cả nước gọi điện đặt hàng. Đây là phương tiện truyền thông, thông tin đến người tiêu dùng nhanh, gọn gàng, chính xác nhất. Trên sàn TMĐT, người tiêu dùng được biết quy trình sản xuất, thông tin về sản phẩm, chứng nhận của Nhà nước về sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong cả nước. Tôi thấy đây là lợi thế rất lớn khi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT.

Tiếp tục đưa sản phẩm thế mạnh lên sàn TMĐT

Tuy đạt được những kết quả khích lệ, nhưng việc đưa nông sản lên sàn TMĐT còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như, trình độ nhận thức, khả năng tiếp cận về chuyển đổi số của không ít cán bộ cơ sở, người dân, doanh nghiệp, nhất là các hộ nông dân còn hạn chế. Cùng với đó, chất lượng, số lượng sản phẩm, mẫu mã, một số sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh và khả năng đáp ứng, sản phẩm cơ bản chưa chế biến sâu nên khó khăn trong khâu bảo quản đến người tiêu dùng.

Việc kết nối Internet, tiếp cận các thiết bị thông minh, ứng dụng, nền tảng số ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, vẫn còn hơn 5% hộ gia đình chưa có thiết bị thông minh, hơn 7% các thôn, bản chưa được tiếp cận dịch vụ Internet tốc độ cao. Sự quan tâm, tương tác của cộng đồng và nhân dân ngay trên sàn TMĐT của tỉnh mình cũng chưa tương xứng…

Do đó, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bưu điện tỉnh. Để đạt được hiệu quả cao, các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn phối hợp với Bưu điện tỉnh, các sàn TMĐT tổ chức phổ biến, tập huấn, đào tạo kỹ năng số cho hộ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ kết nối hộ sản xuất nông nghiệp với sàn TMĐT để hướng dẫn tham gia giao dịch trên.

Cùng với đó, các xã, phường, thị trấn chủ động cung cấp thông tin mùa vụ, sản lượng thu hoạch, nuôi trồng; thời điểm thu hoạch sản phẩm nông nghiệp cho sàn TMĐT; hướng dẫn hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT; xây dựng tài liệu hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tài khoản và đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT bằng nhiều hình thức khác nhau.

Đào tạo, hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp về kỹ năng số và cách thức để có thể sử dụng các thiết bị di động thông minh trong quá trình giao dịch trên sàn TMĐT; xây dựng quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để hỗ trợ kỹ thuật tác nghiệp cho hộ sản xuất nông nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn TMĐT; triển khai giải pháp về truy xuất nguồn gốc hàng hóa uy tín trên sàn để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như độ tin cậy của khách hàng khi mua sản phẩm nông sản.

Ngoài ra, theo Kế hoạch 86/KH-UBND 2022 hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Yên Bái của UBND tỉnh Yên Bái, tỉnh sẽ thực hiện số hóa dữ liệu hộ sản xuất nông nghiệp; tập huấn hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp khởi tạo, đăng bán sản phẩm trên sàn TMĐT; thực hiện việc nâng cấp, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; quảng cáo bán lẻ sản phẩm nông nghiệp qua sàn TMĐT nội địa và quốc tế thông qua các chương trình xúc tiến thương mại; xây dựng nền tảng và tích hợp các tiện ích công, dịch vụ xã hội, gia tăng tính tiện ích và kích thích các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia truy cập và sử dụng nền tảng số…

Cùng với đó, tỉnh cũng tổ chức đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT cho hộ sản xuất nông nghiệp; cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân bón…; cung cấp thông tin các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của các địa phương lên sàn TMĐT.


Tác giả: Bảo Lâm

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website