Công nghiệp môi trường: Hạt nhân cho tăng trưởng xanh Việt Nam
TS Trịnh Xuân Đức cho rằng Việt Nam đang mới chỉ ở “bậc thềm” phát triển công nghiệp môi trường và cần mô hình phù hợp để bứt phá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề trên, Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Trịnh Xuân Đức - Viện trưởng Viện khoa học Kỹ thuật Hạ tầng và Môi trường (SIIEE).
-Thưa Tiến sĩ Trịnh Xuân Đức, với góc nhìn của một nhà nghiên cứu công nghệ môi trường, ông đánh giá như thế nào về thực trạng xây dựng và phát triển công nghiệp môi trường ở Việt Nam hiện nay?
TS. Trịnh Xuân Đức: Trước tiên, cần xác định lại khái niệm "nền công nghiệp môi trường", một ngành công nghiệp đúng nghĩa phải có nguyên liệu đầu vào, chuỗi giá trị sản xuất, dịch vụ, nghiên cứu, giáo dục, chính sách và tài chính đi kèm. Trong trường hợp này, nguyên liệu chính là chất thải từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt.
TS. Trịnh Xuân Đức - Viện trưởng Viện khoa học Kỹ thuật Hạ tầng và Môi trường (SIIEE)
Công nghiệp môi trường không chỉ là xử lý ô nhiễm. Nó gồm bốn cấp độ phát triển: (1) Làm sạch, xử lý chất thải trả lại môi trường, (2) Tái chế, biến chất thải thành nguyên liệu, (3) Tuần hoàn, khép kín chu trình sản xuất, tiêu dùng, tái chế, và (4) Không phát thải, nền công nghiệp không để lại chất thải hoặc tái sử dụng toàn bộ.
Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chủ yếu mới dừng ở cấp độ làm sạch và đang mon men bước vào tái chế. Có thể nói, nền công nghiệp môi trường của chúng ta còn rất non trẻ, sơ khai, chưa hình thành đầy đủ chuỗi giá trị, chưa có nền tảng khoa học, công nghệ, tài chính đủ mạnh để vận hành độc lập và bền vững.
-Thưa ông, với kinh nghiệm nghiên cứu và triển khai thực tiễn các giải pháp công nghệ môi trường, ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng xây dựng và phát triển ngành công nghiệp môi trường tại Việt Nam hiện nay?
TS Trịnh Xuân Đức: Cũng như bất kỳ ngành công nghiệp nào khác, công nghiệp môi trường phải có nguyên liệu đầu vào, chuỗi giá trị sản xuất, dịch vụ, công nghệ, hệ thống nghiên cứu, đào tạo, cùng với hành lang chính sách và tài chính đi kèm.
Trong lĩnh vực này, nguyên liệu đầu vào chính là chất thải, từ sản xuất công nghiệp đến sinh hoạt dân sinh. Từ nguồn nguyên liệu đó, nền công nghiệp môi trường hình thành qua nhiều cấu phần. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chỉ rõ các cấu phần này, gồm: sản xuất thiết bị, công nghệ xử lý; dịch vụ thu gom, vận chuyển; hệ thống tái chế và kinh doanh chất thải; nghiên cứu và phát triển công nghệ; đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức; và cuối cùng là hệ sinh thái chính sách, tài chính để vận hành toàn bộ hệ thống.
Như vậy, một nền công nghiệp môi trường đúng nghĩa phải tích hợp đầy đủ những yếu tố trên. Tuy nhiên, nếu xét trên hệ quy chiếu này, Việt Nam hiện mới chỉ đang ở những bước đầu tiên.
Công nghiệp môi trường có thể chia thành bốn cấp độ phát triển. Cấp độ thứ nhất là “làm sạch” tức xử lý chất thải để trả lại môi trường. Cấp độ thứ hai là “tái chế” biến chất thải thành nguyên liệu. Cấp độ thứ ba là “tuần hoàn”, khép kín chu trình sản xuất, tiêu dùng và tái chế. Và cấp độ cao nhất là “không phát thải”, xây dựng một hệ thống sản xuất, tiêu dùng hoàn toàn không tạo ra chất thải, hoặc nếu có thì phát thải ở mức tối thiểu và có thể kiểm soát.
Hiện nay, Việt Nam chủ yếu mới thực hiện cấp độ đầu tiên, xử lý ô nhiễm, làm sạch môi trường,và chỉ bắt đầu manh nha tiếp cận cấp độ thứ hai là tái chế. Những mô hình tuần hoàn còn rời rạc, quy mô nhỏ, trong khi cấp độ “không phát thải” vẫn là mục tiêu xa. Nói cách khác, nền công nghiệp môi trường tại Việt Nam còn rất sơ khai và chưa hình thành đầy đủ.
-Vậy đâu là những khoảng trống và điểm nghẽn cốt lõi đang cản trở quá trình hình thành đầy đủ chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp môi trường tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực cung ứng công nghệ, thiết bị và dịch vụ xử lý, tái chế chất thải rắn?
TS Trịnh Xuân Đức: Những điểm nghẽn cụ thể đang cản trở quá trình hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp môi trường, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, thiết bị và dịch vụ xử lý, tái chế chất thải rắn theo tôi gồm có:
Thứ nhất, là khoảng trống về chính sách và thể chế. Hệ thống chính sách hiện nay thiếu tính xuyên suốt, chưa đồng bộ và chưa nhất quán từ trung ương đến địa phương. Khi khung pháp lý không rõ ràng, không ổn định, thì các chủ thể bên dưới rất khó triển khai. Điều này tạo ra sự lúng túng trong thực thi và hạn chế khả năng huy động nguồn lực xã hội vào lĩnh vực môi trường.
Xử lý rác tại Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp nguy hại của TKV tại Quảng Ninh
Thứ hai, là khoảng trống trong cơ chế thực thi và ưu đãi. Ngay cả khi một doanh nghiệp đã đầu tư bài bản vào tái chế hoặc xử lý chất thải, họ vẫn không thể tiếp cận được các chính sách hỗ trợ một cách hiệu quả. Chính sách còn chậm, thiếu linh hoạt, chưa phản ánh đúng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Việc chậm trễ trong ban hành các cơ chế cụ thể khiến nhiều mô hình tiên phong không thể nhân rộng.
Thứ ba, là khoảng trống về khoa học, công nghệ. Mặc dù có không ít doanh nghiệp và viện nghiên cứu đã làm chủ một số công nghệ xử lý rác quy mô nhỏ, như công nghệ lò đốt tầng sôi, xử lý nước thải... nhưng phần lớn vẫn chưa thể phát triển đến quy mô thương mại. Thiếu cơ chế hỗ trợ thử nghiệm, thiếu vùng ứng dụng thực tế, thiếu vốn đầu tư tiếp tục khiến các công nghệ tiềm năng bị "kẹt" ở mức nghiên cứu.
Thứ tư, là khoảng trống về hạ tầng kỹ thuật và công nghiệp phụ trợ. Đây là điểm nghẽn không chỉ trong công nghiệp môi trường mà còn trong toàn bộ nền công nghiệp quốc gia. Việt Nam thiếu các ngành cơ khí chế tạo nền, thiếu năng lực sản xuất linh kiện cốt lõi, dẫn đến việc vẫn phải nhập khẩu phần lớn dây chuyền, thiết bị tái chế, xử lý chất thải. Một doanh nghiệp có thể tự chế tạo vỏ lò đốt, nhưng bộ điều khiển, lõi xử lý, phần mềm… đều phải nhập. Khi không làm chủ được hạ tầng kỹ thuật, chúng ta rất khó để xây dựng chuỗi giá trị bền vững và chủ động.
Thứ năm, là khoảng trống về tài chính do thiếu cơ chế phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính. Các doanh nghiệp môi trường, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất khó tiếp cận vốn tín dụng, kể cả trung và dài hạn. Các quỹ tín dụng xanh hay quỹ môi trường tuy đã được thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả, chưa thực sự mang lại động lực đầu tư cho doanh nghiệp…
Thứ sáu, khoảng trống nghiêm trọng nhất chính là khoảng trống về nhận thức. Nhiều cấp lãnh đạo và cả cộng đồng vẫn chưa nhận diện đúng vai trò của công nghiệp môi trường như một ngành kinh tế chiến lược. Chất thải vẫn bị coi là thứ bỏ đi, thay vì được nhìn nhận như một loại tài nguyên tái tạo.
Tất cả những khoảng trống này khiến cho ngành công nghiệp môi trường tại Việt Nam chưa thể hình thành đầy đủ một chuỗi giá trị khép kín. Nếu không được khắc phục một cách căn cơ và bài bản, chúng ta sẽ tiếp tục dừng lại ở cấp độ “làm sạch môi trường” mà không thể tiến lên cấp độ tuần hoàn hay không phát thải, tức không thể tạo ra một ngành kinh tế xanh thực sự.
Để công nghiệp môi trường trở thành ngành mũi nhọn, không chỉ phục vụ nhu cầu nội tại mà còn hướng tới xuất khẩu công nghệ và dịch vụ, thì những khoảng trống nói trên cần sớm được lấp đầy bằng tư duy đổi mới và chính sách đột phá.
-Theo ông, Việt Nam nên lựa chọn mô hình phát triển công nghiệp môi trường theo hướng nào là phù hợp nhất hiện nay? Và đâu là yếu tố then chốt cần ưu tiên để ngành này phát triển bền vững, hiệu quả?
TS Trịnh Xuân Đức: Để phát triển ngành công nghiệp môi trường một cách bài bản, trước hết, Việt Nam cần xác định rõ một mô hình phát triển phù hợp, mang tính định hướng vĩ mô.
Khi nhìn ra thế giới, có thể nhận thấy mỗi quốc gia thành công đều lựa chọn mô hình riêng, phù hợp với năng lực và mục tiêu phát triển của họ.
Hàn Quốc, chẳng hạn, lấy phát triển công nghệ lõi làm trung tâm. Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp để làm chủ công nghệ, từ đó hình thành thị trường chuyên nghiệp và khuyến khích sáng tạo. Cốt lõi của mô hình Hàn Quốc là: sở hữu công nghệ, phát triển thị trường, đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, Trung Quốc lựa chọn con đường quy mô lớn, tập trung cao độ và đầu tư toàn diện vào hạ tầng. Các khu công nghiệp của họ được quy hoạch theo cụm ngành, đồng bộ từ thiết bị, công nghệ đến vận hành. Đặc biệt, vai trò dẫn dắt thuộc về doanh nghiệp nhà nước, với mục tiêu nội địa hóa công nghệ phục vụ thị trường trong nước trước khi hướng ra quốc tế. Chính vì vậy, hiện nay phần lớn thiết bị tái chế, máy móc xử lý rác của Việt Nam đều nhập từ Trung Quốc, một thực tế chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn.
Mỹ thì chọn hướng đi hoàn toàn khác, họ tập trung vào phát triển các công nghệ tiên phong và đầu tư cho R&D và tiến thẳng đến trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các nền tảng điều hành công nghiệp 4.0.
Vậy Việt Nam nên đi theo mô hình nào? Tôi cho rằng Việt Nam cần một mô hình mang đặc thù riêng, nhưng vẫn cần hội tụ ba yếu tố then chốt: (1) làm chủ công nghệ, (2) doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt, và (3) Nhà nước đóng vai trò kiến tạo.
Thứ nhất, làm chủ công nghệ là yêu cầu sống còn. Chúng ta có thể khởi đầu bằng các công nghệ quy mô nhỏ, nhưng phải tiến tới tự thiết kế, chế tạo thiết bị xử lý, tái chế đặc biệt là các công nghệ lõi như lò đốt tầng sôi, xử lý nước thải, phân loại chất thải tại nguồn… Điều này đòi hỏi Nhà nước phải hỗ trợ mạnh mẽ, từ tài chính đến hạ tầng thử nghiệm.
Thứ hai, doanh nghiệp tư nhân cần đóng vai trò trung tâm. Chính doanh nghiệp mới là lực lượng nhạy bén với thị trường, sẵn sàng đầu tư, đổi mới nếu thấy có cơ hội. Vai trò của Nhà nước ở đây là kiến tạo thể chế – tạo hành lang pháp lý, kết nối doanh nghiệp với viện nghiên cứu và trường đại học, đồng thời thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, các “vườn ươm công nghệ” để ươm tạo sản phẩm và mô hình kinh doanh mới.
Thứ ba, phải đầu tư toàn chuỗi, từ nghiên cứu đến thương mại hóa. Một công nghệ tốt không thể phát triển nếu thiếu nguồn vốn để xây dựng nhà máy, triển khai thử nghiệm, và đặc biệt là có thị trường tiêu thụ. Do đó, Nhà nước cần chấp nhận đầu tư, thậm chí bù lỗ trong giai đoạn đầu để các doanh nghiệp có thể tạo ra sản phẩm cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Khi công nghệ trong nước đủ mạnh, chúng ta mới có thể tính đến việc xuất khẩu.
Cuối cùng, cần khắc phục tư duy “thị trường tự điều tiết”. Với ngành công nghiệp còn non trẻ như môi trường, nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước thì doanh nghiệp rất khó tồn tại, chứ chưa nói đến phát triển. Một sản phẩm công nghệ môi trường muốn đến được tay người dùng cần một quá trình dài và gian nan, không thể kỳ vọng “một bước thành công”.